(Baonghean) - Theo bác sỹ Nguyễn Bá Tân, Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh thì trong giai đoạn thai kỳ, cần phải đặc biệt chú trọng đến chế độ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con. Để đánh giá việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng, sức khỏe thai nhi, trước tiên người ta dựa vào sự tăng cân của thai phụ. Và sự tăng cân đó có hợp lý hay không, phải dựa vào chỉ số khối cơ thể (viết tắt là BMI) của họ trước lúc có thai.
 
Chỉ số BMI được tính theo công thức: BMI = (cân nặng)/(chiều cao)2. Mức tăng cân đủ trong suốt thai kỳ được khuyến nghị tại Việt Nam là từ 10 đến 12 kg, trong đó: 3 tháng đầu: không tăng cân hoặc tăng ít (1 kg), 3 tháng giữa tăng từ 3-4 kg, 3 tháng cuối tăng từ 5-6 kg. Nếu trong 6 tháng cuối mà mỗi tháng tăng ít hơn hoặc bằng 1 kg là tăng cân ít. Tăng cân ít thường gặp ở các thai kỳ có bệnh lý hoặc dinh dưỡng kém.
 
Để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, thai phụ cần lưu ý thực hiện chế độ ăn uống như sau:
 
Bổ sung cân đối chất bột, chất đạm và chất béo: Đối với những người khỏe mạnh và đủ chất, có thể tăng khẩu phần ăn so với thông thường, nhưng chưa cần tăng quá nhiều. Đối với những người gầy yếu, cần phải cố gắng ăn nhiều các chất bổ dưỡng, giàu đạm và protein để bù lại sự thiếu hụt của cơ thể. Khẩu phần ăn cần tăng hợp lý theo từng giai đoạn mang thai và điều chỉnh theo yêu cầu của bác sĩ.
 
Ăn những thực phẩm giàu chất xơ như rau, củ, quả... và uống nhiều nước. Lượng nước cần thiết tối thiểu hàng ngày khoảng 1,5 lít. Chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày thành nhiều bữa (6-8 bữa) để tránh hiện tượng nôn và buồn nôn do ốm nghén.
 
Bổ sung nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như canxi (thêm 1000mg canxi mỗi ngày), Axit folic, sắt... Ngoài ra, các vitamin A, C, D, K... đều rất cần thiết cho thai phụ và thai nhi. Cần bổ sung thông qua các loại thực phẩm tự nhiên hoặc có thể uống thêm thuốc bổ theo chỉ dẫn của bác sỹ.


T.V - ghi