Thông tin này được Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết tại hội thảo “Dinh dưỡng hợp lý cho người đái tháo đường nhằm kiểm soát đường huyết 24 giờ” được tổ chức ngày 6-11 tại TP.HCM.

Qua hội thảo, các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ chuyên khoa nội tiết đã khuyến cáo đái tháo đường là căn bệnh mãn tính “giết người thầm lặng” và ngày càng gia tăng tại các nước đang phát triển. Đây là bệnh rối loạn chuyển hóa, kèm theo các rối loạn khác như mỡ máu, nội mô, mạch máu...

4,5 triệu người mắc bệnh

Tại Việt Nam, hiện khoảng 4,5 triệu người bị đái tháo đường, tuy nhiên đáng lo ngại là đến 65% trong số bệnh nhân này lại không biết mình đang bị bệnh. Hậu quả chỉ hơn 35% bệnh nhân đái tháo đường được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, còn lại đến 2/3 số bệnh nhân phát hiện và điều trị muộn dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.

Nếu người bệnh đái tháo đường không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ dẫn đến bị mất cơ chế kiểm soát đường huyết, làm mức đường huyết trong cơ thể dao động, tăng cao và cuối cùng góp vai trò chính gây các biến chứng nặng như suy thận, cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, mù lòa, bất lực ở nam giới, nhiễm trùng...

TS.BS Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam - cho biết: bệnh đái tháo đường có thể kiểm soát nếu người bệnh được kiểm tra và chữa trị thường xuyên bằng cách giảm thiểu nồng độ đường trong máu, kiểm soát các biến chứng tim mạch, mỡ máu, võng mạc...

Muốn kiểm soát bệnh tiểu đường, trước hết phải kiểm soát được đường huyết trong ngày. Để kiểm soát đường huyết 24 giờ, người bệnh phải thực hiện chế độ dinh dưỡng không làm tăng đường máu nhiều sau ăn, cũng không làm hạ đường máu lúc xa bữa ăn. Nếu kiểm soát tốt đường huyết hằng ngày, thay đổi lối sống, chế độ ăn và điều trị tốt, người đái tháo đường sẽ có cuộc sống như người bình thường.

769927_small_67843.jpg
 Bác sĩ khuyên bệnh nhân đái tháo đường nên chơi một số môn thể thao
như đánh cầu lông 3-5 lần/tuần - Ảnh: N.C.T.

Dinh dưỡng là nền tảng

Theo TS.BS Từ Ngữ, người bệnh đái tháo đường ngoài điều trị, dùng thuốc, tập luyện thì dinh dưỡng đóng vai trò nền tảng trong việc giúp kiểm soát ổn định đường huyết. Phần lớn thức ăn sẽ được cơ thể chuyển hóa thành đường glucose, vì vậy sau khi ăn đường huyết luôn tăng lên.

Mức độ tăng đường huyết tùy thuộc số lượng thực phẩm ăn vào, hàm lượng và loại chất bột đường, thành phần chất đạm, chất béo, chất xơ chứa trong thực phẩm, cách chế biến... Bệnh nhân đái tháo đường nên lựa chọn các loại thực phẩm cân đối về chất xơ và chất bột đường nhằm giúp đường huyết luôn ổn định sau ăn.

Với những thực phẩm có chỉ số GI thấp ≤ 55% (GI: chỉ số tăng đường huyết - Glycemic index) thì người bệnh đái tháo đường sử dụng không cần hạn chế (như rau xanh, hoa quả không ngọt, nhiều chất xơ)... Nhóm thực phẩm này giúp hấp thu đường vào trong máu chậm hơn, nhờ vậy lượng đường huyết sau ăn tăng chậm hơn và ổn định nên không gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Một chế độ dinh dưỡng đúng giúp ngăn ngừa và điều trị các biến chứng mãn tính của đái tháo đường như béo phì, rối loạn mỡ máu, các bệnh mạch vành tim, tăng huyết áp và bệnh lý thận. Việc lựa chọn các sản phẩm phù hợp kết hợp các hoạt động thể lực giúp bệnh nhân đái tháo đường cải thiện sức khỏe. Do đó, trong điều trị bệnh đái tháo đường, dinh dưỡng hợp lý là liệu pháp song song với các kỹ thuật điều trị khác, có sức khỏe tốt người bệnh mới dễ dàng vượt lên bệnh tật.

Với những thực phẩm có chỉ số GI ≥ 70% được coi là loại thực phẩm có khả năng gây tăng đường huyết cao sau ăn, nên hạn chế sử dụng (như đường, các loại đồ uống có gas, hoa quả sấy khô...); những thực phẩm có chỉ số GI từ 56-69% là thực phẩm gây tăng đường huyết ở mức trung bình, chỉ nên sử dụng ở mức vừa phải (một số loại hoa quả...).

Thay đổi lối sống

Tại hội thảo, bác sĩ Trần Thị Bích Thủy - trưởng khoa nội tiết Bệnh viện Triều An - cho biết đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù ở độ tuổi lao động, gây suy thận giai đoạn cuối, gây đoạn chi không do chấn thương. Ngoài ra, theo thống kê cho thấy có đến 75% bệnh nhân đái tháo đường bị tử vong do biến cố tim mạch...

Bác sĩ Bích Thủy khuyên bệnh nhân đái tháo đường không nên ăn quá nhu cầu năng lượng, cần ăn đủ thành phần dinh dưỡng, không bỏ bữa và cũng không quá kiêng khem chất bột đường.

Thực hiện chế độ ăn nhiều chất xơ và trái cây, ăn ít chất béo, hạn chế thịt đỏ (thịt đỏ làm tăng huyết áp). Tốt nhất nên chọn thực phẩm có chỉ số GI thấp như gạo lứt, bún tươi, phở, khoai củ, đậu, sữa giảm béo, sữa chuyên biệt cho người đái tháo đường; chọn trái cây ít ngọt, nên ăn nguyên trái hơn là nước ép để có chất xơ, lượng đường sẽ ít hơn; mỗi ngày ăn 300 gam rau xanh; không nên ăn các loại bánh mứt, trái cây khô, các loại nước ngọt, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn; ăn cá 2-3 lần/tuần, không ăn nội tạng, ăn ít muối (không quá 6 gam muối/ngày). Việc giảm muối có nhiều lợi ích là giảm huyết áp, nhờ đó giảm được liều thuốc hạ áp phải sử dụng, giảm nguy cơ hạ kali máu (do thuốc lợi tiểu), làm chậm quá trình dày thất trái, ngăn ngừa tạo sỏi thận và mất chất xương.

Ngoài ra, bệnh nhân cần thay đổi lối sống, như hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá. Bệnh nhân cần tăng cường vận động hợp lý, giảm bớt ngồi yên hoặc tĩnh tại quá lâu; chơi một số môn thể thao như chạy bộ, đạp xe, bơi lội, đánh cầu lông 3-5 lần/tuần; hằng ngày nên đi bộ 30 phút hoặc đi thang bộ thay vì đi thang máy...


Theo Tuổi trẻ