ban_mia3083758_952022.jpgNiên vụ 2022 - 2023, diện tích mía trồng mới của Công ty CP Mía đường Sông Con là 1.560 ha. Ảnh: Xuân Hoàng

Thông tin từ Công ty CP Mía đường Sông Con (Tân Kỳ) cho biết, do giá mía trong niên vụ vừa qua tăng cao, cùng với các chính sách hỗ trợ của công ty, người trồng mía có lãi; cùng đó, nhiều diện tích sắn bị sâu bệnh nên bà con nông dân trên địa bàn huyện Tân Kỳ chuyển đổi sang trồng mía. Theo đó, niên vụ 2022 - 2023, diện tích mía nguyên liệu của công ty tăng lên 3.200 ha, cao hơn năm trước; trong đó 1.560 ha trồng mới, trong khi đó diện tích mía trồng mới của niên vụ trước là 766 ha. 

Công ty CP Mía đường Sông Con quản lý vùng mía nguyên liệu trong phần mềm cài đặt trên máy tính. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Nguyễn Bá Quý - Chủ tịch HĐQT, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Sông Con khuyến cáo: "Hiện nay cây mía đang trong giai đoạn chăm sóc đợt đầu, để cây mía tăng năng suất, chất lượng, mang lại lợi nhuận cho người trồng mía, bà con nông dân cần đầu tư chăm sóc hợp lý, đồng thời theo dõi sâu bệnh trên cây mía để kịp thời phòng trừ. Hiện nay, mặc dù mới đầu tháng 4 nhưng có một số diện tích mía trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã xuất hiện rệp xơ bông trắng" - ông Nguyễn Bá Quý cho biết.

Ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1578/QĐ-BCT, áp dụng mức thuế phòng vệ thương mại là 47,64% đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam. Động thái này bước đầu đã giúp hoạt động của ngành mía đường có cơ hội phục hồi...
Do bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, lượng đường nhập khẩu Thái Lan từ tháng 3/2021 giảm tới 75%. Nhờ vậy đã làm giảm tác động cạnh tranh không lành mạnh của đường Thái Lan đối với ngành sản xuất trong nước, từ đó giúp giá đường sản xuất trong nước tăng lên, giá thu mua mía của nông dân cũng tăng thêm từ 100.000 đến 200.000 đồng/tấn.