(Baonghean.vn) - Nghề trồng dâu, nuôi tằm xã Diễn Kim (huyện Diễn Châu ) phát triển mạnh nhất vào thời điểm năm 1982 đến năm 1990. Đến năm 1992, khi không còn "bà đỡ" do Công ty Dâu tằm tơ Nghệ An phá sản, giá kén trên thị trường xuống thấp, sản phẩm không có đầu ra khiến nhiều hộ dân không mặn mà với nghề “ăn cơm đứng” nữa. Nhưng từ đầu năm 2012 đến nay, giá kén tằm trên địa bàn tỉnh đã tăng và có đầu ra ổn định, tạo động lực cho nhiều hộ gia đình quay lại với nghề truyền thống; diện tích cây dâu dần được khôi phục và mở rộng.

Đặc biệt, từ dự án phát triển chuỗi giá trị dâu tằm tơ và dệt vải do Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VietCRAFT), Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn (VIRI) phối hợp thực hiện, tập trung hỗ trợ những người trồng dâu nuôi tằm, làng nghề dâu tằm tơ Diễn Kim đã được vực dậy...

Là một trong 3 xã của tỉnh Nghệ An được hưởng lợi từ dự án, Diễn Kim đã được hỗ trợ 1 máy ươm tơ mi ni 16 mối, 1 kg hạt giống dâu VH13 và tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm bón cây dâu, nuôi tằm. Được biết, dự án này được thực hiện trong thời gian 3 năm, từ 2013 - 2016.

Theo ông Nguyễn Văn Trường - Chủ tịch UBMTTQ xã Diễn Kim: Từ năm 2010, với những tín hiệu khả quan trên thị trường dâu tằm cả tỉnh, cùng với chủ trương phục hồi, phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống của huyện Diễn Châu, Đại hội Đảng bộ khóa 20 của xã đã ra Nghị quyết khôi phục và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống.

Sau bước chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị 08, xã đã thực hiện khoanh vùng quy hoạch diện tích trồng dâu tập trung; đồng thời chuyển diện tích đất màu năng suất thấp sang trồng cây dâu và mở rộng diện tích từ 40 ha năm 2010 lên 65 ha năm 2014...

Hiện nay, sản phẩm kén, tơ làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Vấn đề mấu chốt để tăng hiệu quả kinh tế của nghề tằm tơ Diễn Kim, người dân phải mạnh dạn đầu tư giống dâu mới VH13 thay thế cho giống dâu địa phương, áp dụng kỹ thuật, phương pháp để tăng công suất nuôi và chất lượng kén.

Dưới đây là một số hình ảnh của làng nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Diễn Kim: 

images1382471_anh_1.jpgGia đình chị Nguyễn Thị Tính (ở xóm Hoàng Châu) đã đầu tư trồng 4 sào giống dâu VH 13, thay thế cho giống dâu địa phương (dâu Hà Bắc). Giống dâu mới này cho năng suất 450 - 500 kg lá/sào, cao gấp 2 - 3 lần so với giống dâu địa phương... Theo chị Tính: Cây dâu có thể trồng được trên nhiều loại đất, chỉ sau 4 - 6 tháng cho thu hoạch lá; một lần trồng dâu có thể thu hoạch đến 10 - 15 năm. Mặt khác, cây dâu có thể trồng xen với các loại cây ngắn ngày như: lạc, đỗ tương, ngô, vừa tiện chăm sóc vừa đầu tư, cải tạo đất.
Khi cho tằm ăn, tùy theo tuổi của tằm mà thái lá dâu to, nhỏ khác nhau. Hằng năm, sau khi thu hoạch lứa tằm cuối, cây dâu được chặt sát gốc, chăm bón bằng các loại phân đạm, phân chuồng để qua Tết bắt đầu nảy mầm, cho lá. Vụ tằm bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 11 Âm lịch; vòng đời của con tằm ngắn, chỉ khoảng 20 - 21 ngày nên mỗi vụ thường nuôi được 9 - 11 lứa tằm, tùy theo thời tiết từng năm.
Nuôi tằm là khâu quan trọng nhất, quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm kén, tơ... Vòng đời của con tằm từ khi trứng nở đến lúc chín thành kén trải qua 4 giấc ngủ. Con tằm cứ ăn liên tục 3 ngày đêm thì ngủ một ngày đêm. Đến giấc ngủ cuối cùng, tằm ăn liên tục (tằm ăn rỗi) trong khoảng 6-7 ngày thì đóng kén. Theo kinh nghiệm của người nuôi tằm, sau khi đã hết các thời kỳ ngủ để tằm nhả tơ, đóng kén đều thì phải đảm bảo 2h cho tằm ăn một lần.
Chị Nguyễn Thị Mơ - ở xóm Xuân Châu chị đang phân loại tằm tốt tằm xấu; các nong tằm của gia đình chị đang ở giai đoạn ngủ 3, 8 ngày tuổi.
Khi tằm đang đóng kén, người nuôi phải hong nắng cho kén khô, thơm, để khi ươm kén không bị tan và cho sợi tơ vàng óng, thuận lợi cho người ươm tơ.
Nhà chị Hoàng Thị Xuân (ở xóm Xuân Châu) đã có 4 đời trồng dâu nuôi tằm. Nuôi một vòng trứng bình quân cho 12kg kén, với giá bán hiện nay là 65.000 - 70.000 đồng/kg kén, trung bình 1 tháng gia đình chị Xuân thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng.
Hiện toàn xã có 10 đầu tư máy ươm tơ, hộ ít nhất là một máy, hộ nhiều nhất là 4 máy; một máy công suất kéo tơ đạt 20kg/ngày. Riêng năm 2014, sản lượng kén toàn xã Diễn Kim đạt 30 tấn, sản xuất được 3,6 tấn tơ.
Anh Nguyễn Văn Hạnh ở xóm Xuân Châu - một hộ nuôi tằm, ươm tơ lâu năm cho biết: " Vụ nuôi năm 2014 gia đình tôi nuôi được 10 lứa tằm để ươm tơ; sau khi trừ chi phí cho lãi ròng 6 - 7 triệu đồng/tháng. So với chăn nuôi lợn, nuôi tằm lãi lãi hơn gấp nhiều lần".
Hiện toàn xã Diễn Kim có hơn 100 hộ trồng dâu nuôi tằm, với diện tích dâu là 65 ha; tập trung chủ yếu ở 4 xóm: Thái Thịnh, Tiền Tiến, Xuân Châu và Đại Thành. Người dân nơi đây không thể nhớ rõ nghề "ăn cơm đứng" này có từ bao giờ. Từng trải qua những thăng trầm, có lúc tưởng chừng mai một, song họ vẫn kiên trì gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại.
Để phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ truyền thống theo hướng bền vững, Diễn Kim đã quy hoạch các vùng trồng dâu thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng để có nguyên liệu ổn định. Sự trở lại của nghề trồng dâu nuôi tằm là điều đáng mừng, vừa giải quyết việc làm cho người dân vừa giữ được bản sắc văn hóa của làng nghề. Điều đó không chỉ có ý nghĩa trong việc phục hồi lại một làng nghề truyền thống mà còn là bước phát triển kinh tế phù hợp ở địa phương./.

  Ngọc Anh

TIN LIÊN QUAN