(Baonghean) - Nghề dệt thổ cẩm ở bản Nưa (Yên Khê, Con Cuông) đã trải qua nhiều thăng trầm. Nhưng bằng quyết tâm và nỗ lực giữ nghề truyền thống, từ năm 2007 đến nay, nghề dệt của bản đã có hướng đi mới. Đặc biệt, dân bản còn kết hợp phát huy thế mạnh về du lịch cộng đồng gắn với du lịch làng nghề.

Là một trong những bản có lợi thế về điều kiện tự nhiên khi nằm bên dòng suối Mọc, khe Kèm, Vườn Quốc gia Pù Mát... bản Nưa được xem là một điểm nhấn giữa “địa đàng xanh” huyện Con Cuông. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của người Thái với nhiều nhà sàn cổ, các món ăn đặc sản và các câu lạc bộ dân ca - nhạc cụ dân tộc do người dân đứng ra tổ chức, hoạt động tích cực. Những nghề truyền thống như mây tre đan, dệt thổ cẩm... ngày càng phát triển. Đặc biệt, sau khi Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây của tỉnh được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9/2007, du khách thập phương đến đây ngày một nhiều. Nhờ đó, bản Nưa cũng dần trở thành một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Những đoàn khách du lịch đến đây thường đến tham quan nghề dệt thổ cẩm của bà con và mua sản phẩm làm quà lưu niệm. 
images1382290_ch__luong_th___n_c_ng_c_c_ch__em_kh_c_trong_b_n_dang_ho_n_thi_n_s_n_ph_m_khan_qu_ng..jpgChị Lương Thị Ỏn cùng chị em bản Nưa hoàn thiện sản phẩm dệt thổ cẩm.
Năm 2007 và năm 2013, huyện đã triển khai Đề án “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái” với mục tiêu là lưu giữ những giá trị bản sắc văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nội dung bao gồm nhiều hạng mục, trong đó có mục tiêu khôi phục nghề truyền thống. Đây là tiền đề quan trọng khơi dậy nghề truyền thống của đồng bào Thái nơi đây. Tháng 6/2011, Vườn Quốc gia Pù Mát đã ký thỏa thuận với UNESCO thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tuyến Bồng Khê - Yên Khê - Lục Dạ - Môn Sơn huyện Con Cuông” với mục tiêu bảo tồn bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc, đồng thời tăng thu nhập cho người dân địa phương. Do vậy, bà con lại càng tích cực trong việc học hỏi, nâng cao tay nghề để du khách gần xa có thể tham quan và tiêu thụ những sản phẩm của mình làm ra. 
 
Là một trong những phụ nữ có tay nghề cao trong bản, chị Lương Thị Ỏn sáng tạo ra những mẫu hoa văn, họa tiết độc đáo để nâng cao tính thẩm mỹ cho những sản phẩm dệt. Khi chúng tôi đến nhà, chị vẫn miệt mài bên khung cửi. Phút nghỉ tay, chị chia sẻ: “Trước đây trong khâu nhuộm màu thì người dân của bản thường tận dụng những rễ, củ, quả và thân cây trong rừng để làm nguyên liệu. Ngoài màu đen, nâu, là hai màu dễ được nhuộm từ quả chàm thì màu vàng và màu đỏ là hai màu khó, được lấy từ cây rừng nằm sâu trong hốc chọ rất khó tìm Các vỏ thân cây và quả đem về giã nát, đun sôi, để lắng rồi cô đặc lại làm màu nhuộm. Từ 4 màu chính đó mà pha chế những màu thích hợp. 
 
Bây giờ, du khách đòi hỏi những mẫu mã mới, họa tiết, hoa văn mới nên người dệt cũng phải thay đổi nhiều để có thể tiêu thụ được sản phẩm rộng rãi hơn. Sau những lần đi tham quan học hỏi từ các địa phương trong, ngoài tỉnh, bà con đã sáng tạo nên những mẫu mã mới, cách làm mới. Bà con mua sợi màu từ Lào về vẫn đảm bảo được chất lượng cho sản phẩm. Toàn bộ các khung cửi trong bản được phát huy tối đa công suất. Khi có các đoàn du lịch đến tham quan, nhiều người còn muốn học vài đường dệt... Vì vậy, nghề dệt và sản phẩm làm ra được nhiều du khách trân trọng. 
 
Ông Lê Văn Đậu, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Xã rất quan tâm đến các làng nghề truyền thống nên đã tuyên truyền cho bà con giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm. Bản Nưa có 152 hộ thì hiện nay có hơn 60 hộ vẫn chung thủy với nghề. Từ năm 2011 đến nay, gia đình chị Lô Thị Hoa cùng với gia đình anh Lô Đình Nhượng là 2 điểm lưu trú đã tiếp đón nhiều đoàn du khách trong nước và quốc tế mỗi khi đến tham quan tại bản Nưa. Có những đoàn với số lượng khách khá đông gần 50 người. Bên cạnh thưởng thức các món ăn địa phương và những giai điệu dân ca, múa xòe, múa quạt, múa lăm vông của đồng bào Thái thì việc tham quan làng nghề dệt cũng là một trải nghiệm thú vị đối với nhiều người. Để nâng cao tay nghề cho bà con, nhiều lớp tập huấn đã được mở ra. Gần đây nhất vào tháng 7 vừa qua, bản mở học khóa dệt thổ cẩm, hoàn thiện nâng cao sản phẩm theo mẫu mã mới. Lớp học có sự tham gia của 60 học viên là hội viên Hội Phụ nữ bản Nưa, do Hợp tác xã dệt thổ cẩm Hải Vân truyền dạy. Giờ đây chị em có thể dệt nhiều sản phẩm gồm váy, thắt lưng, khăn đội đầu, túi với nhiều hoa văn, mẫu mã mới, kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, phù hợp với nhu cầu của thị trường.
 
Đại hội Đảng bộ huyện huyện Con Cuông vừa qua, kinh tế du lịch được huyện xác định là ngành mũi nhọn trong tương lai gần. Theo đó, huyện chú trọng định hướng tập trung phát triển du lịch sinh thái - văn hóa, du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống. Phấn đấu đến năm 2020 khi xây dựng hoàn chỉnh khu du lịch sinh thái danh lam, thắng cảnh - di tích lịch sử, văn hóa truyền thống, khách du lịch đạt 95.000 người, doanh thu đạt trên 50 - 60 tỷ đồng". Đó là những cơ sở quan trọng để bản Nưa và các bản khác của huyện Con Cuông có điều kiện phát triển nghề truyền thống, khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
  Thanh Quỳnh