(Baonghean) - Các chính sách trợ giúp DN tư nhân đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, nhận thức và sự quan tâm của các Bộ, ngành và địa phương đối với công tác trợ giúp phát triển DN tư nhân đang dần được nâng lên là những tín hiệu đáng khích lệ đối với cộng đồng DN tư nhân, giúp họ có thêm niềm tin và sức chiến đấu để vượt qua khó khăn và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, trong thực tế, khu vực DN tư nhân nhìn chung vẫn còn những hạn chế nhất định. Từ đó, rất nhiều DN trong nước chưa đủ năng lực cạnh tranh, đồng thời sự phát triển, vươn lên thành DN có quy mô vừa và lớn rất chậm chạp.
Nhiều chính sách chỉ khuyến khích chung chung
Trong thực tế đời sống DN tư nhân, còn nhiều chính sách mới chỉ dừng lại ở những quy định mang tính khuyến khích chung chung, chưa có những quy định ưu đãi rõ ràng như trợ giúp về mặt bằng sản xuất, hỗ trợ DN tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công, chính sách tín dụng. Theo TS Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), hiện nay mới chỉ có khoảng 30% số DN tư nhân tiếp cận được vốn từ các ngân hàng, còn lại khoảng 70% là không tiếp cận được do không đủ điều kiện, đặc biệt là phần lớn các DN đều nợ thuế, nợ quá hạn, nợ xấu, đều không có lãi nên khả năng vay vốn càng không có, càng hẹp đi. Nếu đánh giá công bằng mà nói thì với những DN đủ điều kiện thì ngân hàng họ đáp ứng hết, nhưng không đủ điều kiện thì không thể đáp ứng được, đó là nguyên tắc của ngân hàng. Mà gần như là khoảng 70% DN là không đủ điều kiện. Đó là thực trạng của DN tư nhân hiện nay - TS. Cao Sĩ Kiêm nói.
Đối với một DN, muốn phát triển bền vững thì phải có cả yếu tố nguồn lực, tài chính, trình độ công nghệ, khả năng tiếp cận thông tin thị trường, hiểu biết pháp lý,... nên cần có sự hỗ trợ mang tính tổng thể của nhà nước. Thực tế cho thấy, thiếu và yếu, chưa đồng bộ trong các quy định của chính sách đã đành, nhưng ngay cả tiến độ thực thi các chính sách này còn rất chậm vào thực tế. Mặc dù hàng năm Chính phủ đã bố trí nguồn lực để hỗ trợ cho DN nhưng hiện nay không thể đo lường được hiệu quả thực hiện cũng như đánh giá tác động rõ rệt đối với các DN. Nhiều DN không biết hoặc không tiếp cận được với chính sách hỗ trợ của nhà nước là có thật, và một số cho rằng các chính sách và chương trình trợ giúp chưa thực sự đáp ứng nhu cầu thực tế của DN, thủ tục tham gia phức tạp và không có hướng dẫn cụ thể - Bộ KH&ĐT thừa nhận.
Ở Trung ương thì đã vậy, còn ở cấp địa phương, tác động của chính sách, chương trình còn hạn chế hơn, khi công tác nắm bắt nhu cầu và tình hình SX-KD của DN còn yếu. Nhiều địa phương chưa chủ động xây dựng các chương trình, chính sách trợ giúp DN trên địa bàn, hầu hết mới chỉ tham gia thực hiện các chương trình do các bộ, ngành chủ trì với mức độ khiêm tốn (xúc tiến thương mại, sở hữu trí tuệ, quản lý chất lượng..). Trong phạm vi cả nước, hiện còn khoảng 30% địa phương chưa phê duyệt và triển khai kế hoạch phát triển DN của tỉnh cũng như chưa có báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch để kịp thời tổng hợp và tháo gỡ các kiến nghị, khó khăn.
Chưa đồng bộ trong thiết kế chính sách
Tình trạng chưa đồng bộ trong thiết kế chính sách, chương trình cũng như trong thực tế thực hiện là một trong những nguyên nhân khiến DN tư nhân chưa thực sự có sự cạnh tranh công bằng với các loại hình DN khác. Bộ KH&ĐT nhìn nhận, có tới 6/8 chính sách trợ giúp DN quy định tại Nghị định 56/2009/NĐ-CP khi triển khai lại được lồng ghép vào các chương trình của ngành và lĩnh vực. Theo đó, các chương trình này có đối tượng hỗ trợ rộng, không dành riêng cho DN nhỏ và vừa, DN tư nhân, và các nội dung chưa thực sự phù hợp. Điều đó dẫn đến các nhóm chính sách mới nằm trên các văn bản, chưa thể đi vào cuộc sống - Cục trưởng Hồ Sĩ Hùng thẳng thắn nhận định.
Đối với cộng đồng DN tư nhân, chính sự phối hợp giữa các bộ ngành, giữa Trung ương và địa phương còn yếu, thiếu cơ chế điều phối hoạt động trợ giúp... cũng là một trong những rào cản khó vượt qua. Trong thực tế, với mức trung bình khoảng 2-3 cán bộ chuyên trách công tác trợ giúp DN (thậm chí một số thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Sở KH&ĐT cũng chỉ có một cán bộ thuộc phòng Kinh tế ngành phụ trách công tác trợ giúp phát triển DNVVN) thì rất khó để chính sách trợ giúp phát triển DN được thực hiện thực sự hiệu quả - Cục trưởng Hồ Sỹ Hùng nói.
Không chỉ thế, trong thực tế triển khai, sự quan tâm và đầu tư của các địa phương đối với công tác trợ giúp phát triển DNVVN còn thấp trong khi nguồn ngân sách TW hạn chế. Hầu hết các địa phương chưa chủ động bố trí ngân sách để hỗ trợ cho DNVVN, nếu có thì cũng rất hạn chế so với nhu cầu hỗ trợ cao từ phía cộng đồng DNVVN (chỉ mới 19% được bố trí ngân sách riêng thực hiện công tác hỗ trợ cho DN). Hiện nay trên thực tế chưa có sự cạnh tranh bình đẳng giữa DN tư nhân và DN nhà nước, nhất là ở chỗ nếu để xảy ra tình trạng thua lỗ thì DN tư nhân không thể có được sự bảo lãnh giãn nợ, xóa nợ như DN nhà nước. Điều đó là không bình đẳng. Và ngay cả với các cơ quan quản lý cũng gặp khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi, trợ giúp cho DNVVN về thuế, tín dụng... Năng lực và tầm nhìn của DN tư nhân còn hạn chế, hầu hết chưa có chiến lược phát triển dài hạn... cũng là nguyên nhân dẫn tới sự nhận thức và mức độ quan tâm của các DN tới các chương trình trợ giúp về đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh còn thấp. Như vậy, để DN tư nhân tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững thì cần phải có thêm nhiều sự hỗ trợ cho loại hình DN này, đặc biệt là về sự bền vững và ổn định chính sách.
Rõ ràng, nếu không có những khuyến khích tương ứng thì sẽ không huy động được các nguồn lực của nền kinh tế, và việc tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng thuận lợi cho các loại hình DN nói chung, DN tư nhân nói riêng phải được xác định là giải pháp cần ưu tiên để thu hút mọi nguồn lực phát triển. Thực tế bức tranh DN tư nhân đã cho thấy, điều thiết yếu để DN tư nhân hoạt động hiệu quả hơn là công tác hỗ trợ cần phải thiết thực, được thực hiện theo hướng có trọng tâm trọng điểm hơn. Trong đó, công tác hỗ trợ DN tư nhân cần tập trung vào hỗ trợ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận tín dụng, áp dụng công nghệ mới, hỗ trợ DN hình thành các liên kết ngành, phát triển theo chuỗi giá trị. Để làm được điều đó, công tác cải cách thể chế quản lý giữ vai trò quyết định.
Sông Hồng
Tuy số lượng DN mới ở Việt Nam đã tăng lên nhưng mức độ tham gia vào mạng lưới sản xuất thấp hơn so với các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á. Một nghiên cứu của Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADBI) cho thấy, trong khi các nước Thái Lan, Malaysia có tới 60% DN tham gia vào mạng lưới sản xuất thì DN Việt Nam chỉ có 36%. Số còn lại là các DN tham gia vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, không trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống xã hội. So sánh tỷ lệ sử dụng nguồn lực và đóng góp cho nền kinh tế của khu vực DN nhà nước và DN tư nhân trong giai đoạn 2006-2010 thì khu vực DN nhà nước chiếm 45% tổng đầu tư nhưng chỉ tạo ra 28% GDP, trong khi đó, khu vực DN tư nhân tuy chỉ chiếm 28% tổng đầu tư nhưng lại tạo ra tới 46% GDP. |
TIN LIÊN QUAN |
---|