(Baonghean) - Là huyện ven biển, những năm qua, Diễn Châu chịu nhiều tác động của thiên tai nguy hiểm như bão lớn, nắng nóng gay gắt, hạn hán, lũ lụt, gây thiệt hại lớn về tính mạng con người, của cải vật chất. Năm nay Diễn Châu đứng trước hạn hán 830 ha.
Hạn hán đang đe dọa
Xã miền núi Diễn Lâm là nơi mà sự biến đổi khí hậu tác động rõ nhất. Thường thì những năm trước, hạn hán chỉ xảy ra trong vụ hè thu nhưng năm nay, nguy cơ thiếu nước sản xuất ngay cả trong vụ xuân rất cao. 6 hồ đập lớn nhỏ với trữ lượng nước trên 20 triệu m3 khối nay chỉ còn 40- 60% dung tích. Vì vậy việc duy trì cho cả 580 héc ta lúa có nước trong suốt mùa vụ là điều không thể.
Giải pháp được Diễn Lâm đưa ra đó là chuyển khoảng 50 ha vùng cao cưỡng sang trồng ngô, đậu, lạc... Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Lâm trao đổi: Là xã miền núi, nước sản xuất phụ thuộc vào nước trời, mực nước hiện đã ở báo động, chúng tôi chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng cao, tích cực nâng cấp, nạo vét kênh mương, hồ đập, có kế hoạch sử dụng nước một cách hợp lý.
Tại hồ Xuân Dương, nơi có trữ lượng nước hơn 9 triệu m3, lớn nhất trong 11 hồ đập. Cao trình đập phải đảm bảo 3,4m mới đủ điều kiện tưới cho cả vụ xuân và hè thu nhưng hiện nay mới vụ xuân nhưng mực nước chỉ còn 2,2m, thấp hơn 1m so với những năm trước. Đây là điều lo lắng lớn cho sản xuất hơn 500 ha lúa của bà con nhân dân các xã Diễn Phú, Diễn Thọ, Diễn Lộc, Diễn Lợi và gần 40 hộ làm trang trại xung quanh hồ.
Nhiều giải pháp tiết kiệm, dồn ép nước đã được triển khai nhưng nguy cơ thiếu nước vẫn khó kiểm soát. Chị Hồ Thị Thu Trang, công nhân quản lý cụm Xuân Dương, Xí nghiệp Thủy lợi Diễn Châu cho biết: “Nếu không có mưa thì chỉ phục vụ được vụ đông xuân là hết nước, đây là năm lượng nước thấp nhất mà tôi thấy”.
Nhiều biện pháp ứng phó
Trước thực trạng trên, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và Xí nghiệp Thủy lợi, nông dân Diễn Châu cũng đã có nhiều cách sản xuất mới để đối phó với hạn hán. Năm 2012, bà con nông dân Diễn Tân đã mạnh dạn áp dụng thử nghiệm sản xuất lúa theo phương pháp SRI trên diện tích 2 hecta. Kết quả cho thấy, phương pháp sản xuất này, vừa hạn chế được các loại dịch hại như bệnh khô vằn, bệnh nghẹt rễ, ốc bươu vàng,…vừa tăng khả năng chống chịu sâu, bệnh của cây lúa.
Đồng thời giúp nông dân giảm được 50% lượng lúa giống, 30% phân bón, 70% thuốc bảo vệ thực vật… nhưng năng suất lại tăng từ 10-15% so với sản xuất truyền thống. Đặc biệt, việc cấp nước theo quy trình nông- lộ- phơi, tức là chỉ cung cấp nước cho cây lúa vào thời điểm làm đất, cấy mạ, làm đòng... thời gian còn lại để ruộng khô, đã góp phần làm giảm đến 60% lượng nước so với cách sản xuất trước.
Hiện nay, toàn bộ diện tích 265 ha lúa của Diễn Tân đều thâm canh theo phương pháp SRI. Ông Lưu Văn Ngữ - Cán bộ khuyến nông xã Diễn Tân cho biết: Ngoài áp dụng kỹ thuật thâm canh mới thì để ứng phó với biến đổi khí hậu, Diễn Tân còn cơ cấu toàn bộ làm giống lúa ngắn ngày thay cho các giống dài ngày trước đây để đỡ về các khoản như thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới.
Diễn Châu tăng cường chuyển đổi những diện tích cao cưỡng trồng lúa kém hiệu quả, sang cây trồng khác. Như cây hành tăm ở xã Diễn Minh, cây mùi tàu ở xã Diễn Thái, các loại bầu bí ở Diễn Lộc, Diễn Xuân, Diễn Hạnh, rau hàng hóa ở Diễn Minh… đây là những loại cây có thể trồng trên chân đất cao, cách chăm sóc đơn giản, chi phí về giống ít cho thu nhập từ 200 triệu đồng/hécta/năm trở lên. Đó là cách tạo hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao vừa thích ứng với biến đổi khí hậu.
Toàn huyện đã xây dựng được gần 150 km kênh tiêu đồng màu. Chuẩn bị bước vào mùa nắng nóng năm nay, các hồ đập đã được đầu tư gần 50 tỷ đồng cho việc nạo vét, gia cố thân đập nhằm đảm bảo lượng nước tưới và tiêu thoát lũ vào mùa mưa bão.
Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực chỉ đạo mạnh mẽ, chuyển đổi cây trồng, chọn những bộ giống có khả năng chống chịu với thời tiết. Toàn huyện đã có khoảng 3.000/9.000 hécta lúa được sản xuất theo phương pháp SRI, khoảng 500 héc ta diện tích đất lúa thường xuyên bị hạn hán đã được bà con chuyển sang trồng hoa màu, 500 hécta đồng trũng được chuyển sang nuôi cá…
Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Diễn Châu cho biết: UBND huyện Diễn Châu triển khai rộng rãi kỹ thuật ứng dụng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, bên cạnh đó có cơ chế hỗ trợ cho nông dân sản xuất nông nghiệp khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng...
Mai Giang