Nợ công đụng trần, ngân sách khó khăn, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu... là những thách thức lớn dành cho Chính phủ nhiệm kỳ mới.
Dẫn báo cáo về nợ công đến 2015 là 62,2% còn nợ Chính phủ là 50,3%, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Cao Bằng - La Ngọc Thoáng chia sẻ với VnExpress rằng đây là một trong những thách thức lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ nhiệm kỳ tới.
"Nợ Chính phủ có một phần không nhỏ là bảo lãnh cho các doanh nghiệp Nhà nước, trong khi khối này làm ăn chưa hiệu quả là điều đáng ngại", ông Thoáng nhận định.
Theo vị đại biểu này, rủi ro nợ công cao cần gắn với bối cảnh thu ngân sách khó vì giá dầu giảm hơn một nửa trong năm qua, cộng với số doanh nghiệp phá sản vẫn lớn khiến nguồn thu càng thêm căng thẳng. Vị này cho rằng, Chính phủ mới cần có chính sách tiếp sức cho doanh nghiệp để họ duy trì sản xuất, cũng là để nuôi dưỡng nguồn thu, bởi đây mới là đối tượng trả tiền nuôi bộ máy Nhà nước.
"Không thể nói con số 20.000 doanh nghiệp đóng cửa, phá sản trong 3 tháng đầu năm là bình thường được. Đây rõ ràng là một thách thức lớn cho Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc", đại biểu Cao Bằng nhìn nhận.
Trong khi đó, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng cải cách thể chế dù đã thành công bước đầu song là câu chuyện mà Chính phủ mới cần quyết liệt hơn. Ông nhìn nhận, việc rút ngắn cả trăm giờ thủ tục hải quan, thuế, cải thiện môi trường đầu tư là điều đáng ghi nhận, song doanh nghiệp vẫn còn rất than phiền về thủ tục.
"Cải cách phải được coi là một động lực mới cho tăng trưởng. Cho nên không thể hài lòng với cái đã làm được để dừng lại. Dừng lại là chúng ta bị bỏ xa ngay vì các nước xung quanh cũng luôn đổi mới, cải cách", ông nói thêm. Tuy nhiên ông Tâm cũng kỳ vọng, tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - người từng cầm trịch Đề án 30 về cải cách hành chính sẽ có nhiều kinh nghiệm để dẫn dắt bộ máy dưới quyền quyết liệt hơn trong lĩnh vực này.
Từ góc nhìn của một doanh nhân, đại biểu Tâm cho rằng nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu, tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng là vấn đề rất khó khăn mà Chính phủ mới phải đối mặt.
"Sức nóng TPP đang phả vào gáy, nếu không tận dụng cơ hội thì Việt Nam - nền kinh tế yếu nhất trong 12 quốc gia tham gia hiệp định sẽ bị đánh chiếm bởi những tập đoàn đa quốc gia nước ngoài hùng mạnh. Khi đó, chúng ta sẽ thua ngay trên chính sân nhà”, ông quả quyết.
Dẫn lại câu chuyện nhiều lô hải sản của nông dân miền Tây quê ông khi xuất vào thị trường châu Âu bị trả lại mới đây vì hàm lượng chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép, ông Tâm lo ngại: "Nhiều ngành sản xuất của ta vẫn còn mang tính tự phát, tính chuyên nghiệp chưa cao, chất lượng chưa thể cạnh tranh được là điều yếu thế trong bối cảnh hội nhập sâu đang đến rất gần".
Đại biểu doanh nhân này bày tỏ nỗi xót xa khi các thành viên đoàn đàm phán thì hăng say, các lãnh đạo cấp cao tranh thủ từng cơ hội để tiếp thị xoài, thanh long trong những chuyến công du nhưng doanh nghiệp lại thờ ơ hoặc chưa chủ động để biến những lợi thế, cơ hội thành đơn hàng, hợp đồng kinh tế.
Trong câu chuyện trao đổi với VnExpress ngay sau khi được Quốc hội bầu vào vị trí mới, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Mai Tiến Dũng cũng thừa nhận, sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp nội là điều mà những lãnh đạo mới phải giải quyết. "Như việc Samsung mời các công ty trong nước tham gia một vài chi tiết phụ kiện trong sản phẩm của họ mà mãi cũng chỉ có vài doanh nghiệp trúng tuyển", ông Dũng nói.
Tân bộ trưởng cũng cho rằng, con số hàng chục nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể trong quý I cũng là điều đáng suy nghĩ. "Kinh tế thị trường có quy luật của nó. Việc đó là không thể tránh khỏi. Nhưng nói là bình thường thì cũng không phải. Có thể có cả nguyên nhân từ chính sách như tiếp cận nguồn lực, vốn, lãi suất song năng lực quản trị doanh nghiệp mới là quan trọng nhất", Bộ trưởng nhìn nhận.
Theo ông Dũng, những vấn đề như hành lang pháp lý, cơ chế, môi trường đầu tư thì Nhà nước sẽ nỗ lực tối đa để hỗ trợ doanh nghiệp. Song có nhiều việc doanh nghiệp phải tự thân để nâng cao sức cạnh tranh như quản trị, ứng dụng khoa học kỹ thuật, có chiến lược tạo ra sự khác biệt thì doanh nghiệp nội, nhất là các đơn vị còn yếu như doanh nghiệp nhỏ và vừa.
"Chuyển động trong nông nghiệp khi hội nhập sâu cũng là thách thức. Để có hàng hóa tham gia TPP không phải một lúc là được. Phải là một quá trình đầu tư, chuyển đổi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất", Bộ trưởng phân tích.
Bên cạnh đó, người phát ngôn Chính phủ thừa nhận, câu chuyện cân đối ngân sách đặt trong bối cảnh nợ công cao, giá dầu giảm sâu cũng là những bài toán khó. "Đó đều là những vấn đề mà Chính phủ, Thủ tướng sẽ quyết tâm chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn", ông bày tỏ.
Theo VNE