(Baonghean) -Không hiểu sao những ngày về thăm Điện Biên Phủ, tôi hay vẩn vơ nhìn lên vòm trời xanh cao rộng. Những dãy núi trập trùng nâng đỡ bầu trời lên hay vòm trời là cái ô xòe khổng lồ ôm trọn vào lòng mình vùng đất thân yêu đã đi vào lịch sử với bao địa danh oanh liệt: “Mường Thanh - Hồng Cúm - Him Lam, hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng” trong thơ Tố Hữu? Dường như mỗi tên đất ở đây đều tượng thanh, tượng hình và tượng sắc nữa.
Con người Điện Biên chân chất và cởi mở, có nét gì quyến rũ mơ hồ như dòng suối chảy thấp thoáng dưới rừng nguyên sinh. Hạt gạo Mường Thanh - Mường Trời thơm ngậy đậm vị ngọt phù sa của sông Nậm Rốm. Tại đây, các nhà nông học đã tìm thấy các mẩu lúa hoang dại rất hiếm hoi. Hạt gạo chứa đựng trong đó tình đất, tình người.
Trong mạch nguồn sâu thẳm của một Bản Phủ vẫn còn tỏa bóng cây đa cổ thụ ngàn năm tuổi gắn với huyền thoại vị anh hùng Hoàng Công Chất. Con người Điện Biên gắn kết và hòa mình với thiên nhiên. Chiếc khăn piêu đan dệt bao đường chỉ sắc màu như một tổng phổ hòa âm. Chiếc váy, áo của cô gái Thái cũng đính lên những hàng bướm xòe hoa như điểm tô, điểm nhấn cách điệu cánh hoa ban mộng mơ và tươi thắm. Xứ sở này hoa ban được tôn vinh như lòng thủy chung, trong trắng. Bông hoa có gì e lệ ấp iu mà vẫn tươi tắn rạng ngời sức xuân, sức trẻ.
Tôi đã từng ngẩn ngơ trước câu hát: ing lả ơi - xạo noòng ời (theo nghĩa tiếng Thái: “anh ơi, em ơi”) với những đôi tay nắm tạo thành vòng tròn, ban đầu hẹp và dần dần mở rộng. Ở đây hai chữ “cộng đồng” thật thân thương. Có những bản văn hoá “cộng đồng” mà khi vào đây, bạn sẽ cảm thấy vô cùng ấm áp với nụ cười, với bàn tay nắm chặt..
Lên Điện Biên ta vào thăm “Khu rừng Đại tướng”. Những hiện vật vẫn đơn sơ, giản dị. Ngôi trường của các em học sinh ở Mường Phăng được mang tên vị tướng huyền thoại. “Rừng Đại tướng” vẫn nguyên sinh, thân thiết như ngày nào. Hoa trẩu trắng nở rơi xuống mái tóc “tằng cẩu” của cô gái Thái đã bao năm đi học xa để một ngày xúc động trở về chính mảnh đất quê mình làm nghề hướng dẫn viên. Những câu chuyện hồi ức qua giọng kể truyền cảm trong vắt của cô đã làm sống lại quá khứ oanh liệt một thời. Không còn nghe tiếng bom, tiếng súng. Chỉ tiếng suối róc rách chảy, tiếng chim rừng líu lo.
Một Điện Biên quá đỗi thân thương trong trập trùng bước núi. Nhìn lên vòm trời xanh Điện Biên tôi bắt gặp những làn mây trắng. Mây Điện Biên có gì lạ lắm. Khi kết tụ thành bông hoa huệ trắng tinh rồi lại tỏa ra thành những phím đàn dương cầm như ngàn ngàn ngôi mộ các anh hùng liệt sĩ nằm lại trên mảnh đất thiêng này. Âm vang của lịch sử vẫn vọng lên trong lòng đất - hộp đàn kỳ diệu của Điện Biên Phủ. Vẫn vững chãi tượng đài anh hùng trên đồi cao lộng gió. Và Điện Biên - dải biên cương vững chắc của Tổ quốc, mây trên đầu ta thắm một sắc trời…
Nhà văn Nguyễn Ngọc Phú