(Baonghean) - Họ là những người lính công binh, quân y, người trực tiếp chiến đấu, người phục vụ ở tuyến sau... Đổ mồ hôi và máu trong chiến dịch Điện Biên làm nên một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 61 năm trôi qua, nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng của dân tộc vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí họ...
Điện Biên với những trận đánh ác liệt - nhất là những giây phút cận ngày chiến thắng 7/5/1954 - vẫn còn tươi mới như vừa xảy ra ngày hôm qua trong câu chuyện kể của cựu chiến binh Lê Văn Vợi ở xóm 6 xã Xuân Thành - Yên Thành. Ông Vợi năm nay đã 86 tuổi, say sưa kể về những giây phút ông cùng đồng đội đánh chiếm đồi 506 trước giờ phút chiến thắng của quân ta và hình ảnh đầu hàng của tướng Đờ Cát.
Năm 1952, ông Vợi tham gia chiến dịch Điện Biên, là chiến sỹ thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, đóng quân ở phía Tây sông Nậm Cắn, thuộc địa phận suối Tà Lèng. Ông nhớ mãi trận đánh đêm 6/5, trước thời khắc quân ta đánh chiếm Mường Thanh ngày 7/5/1954 - một trong những trận đánh ác liệt nhất, và cũng ở đó tinh thần quả cảm, anh dũng của Bộ đội Cụ Hồ mãi mãi được lịch sử khắc ghi.
Ông Vợi nhớ lại: 15h chiều 6/5/1954, đơn vị ông được lệnh hành quân bằng cách bám theo giao thông hào để tiến vào đồi 506. Để chặn quân ta, quân địch nã pháo liên tiếp từ khu vực Mường Thanh ra.Trước những đợt phản pháo dữ dội ấy, ông và đồng đội đã phải dừng lại và trú ẩn trong hầm. Đến 3h sáng ngày 7/5, pháo của ta từ các nơi bắn vào Mường Thanh, yểm trợ cho bộ binh tiến công. 5h sáng, các giàn tên lửa của ta tiếp tục bắn vào, yểm trợ cho bộ đội tấn công. Giữa làn đạn pháo, khi cách đồn 30m là hệ thống hàng rào dày đặc, tiểu đội mũi nhọn đã dũng cảm ôm bộc phá xông lên phá hàng rào để mở đường máu. Vào thời điểm ấy, pháo của địch nã liên tục vào lực lượng của ta. Bộ đội hy sinh, bị thương rất nhiều, nhưng không vì thế mà nao núng. Người phía trước ngã xuống, người ở phía sau sẵn sàng xông lên tiếp bước.
Với những khẩu trung liên, ông và đồng đội bắn liên tiếp vào các lỗ châu mai của địch để ngăn những đợt nã pháo. Đến 8h sáng ngày 7/5 quân ta chiếm toàn bộ đồi 506, sau đó tiếp tục tấn công vào Mường Thanh. 12 trưa ngày 7/5 quân địch đã có những dấu hiệu xin hàng đầu tiên với cờ trắng trên tay, cho đến 14h quân địch đầu hàng ồ ạt. Với sự hỗ trợ của bộ binh và các lực lượng khác, Đại đội 166 thuộc trung đoàn của ông xông vào bắt tướng Đờ Cát. Với ông đó là những giây phút không thể nào quên trong cuộc đời.
Nhớ về Chiến dịch Điện Biên, CCB Nguyễn Văn Khoa năm nay đã 85 tuổi, hiện trú tại khối Liên Cơ - phường Hưng Bình - TP. Vinh, là người con của quê lúa Yên Thành, nhớ về trận đánh chiếm đồi A1, cứ điểm cuối cùng quyết định chiến thắng của chiến dịch. Thời điểm ấy ông là lính công binh thuộc Trung đội 41, Đại đội 311, Tiểu đoàn 444, Trung đoàn 151 Cục Công binh. Cùng với đồng đội, ông được giao bảo vệ 4km đường từ Tuần Giáo lên Điện Biên, với nhiệm vụ quan sát máy bay địch và kiểm soát các điểm ném bom, sau đó đánh dấu các vị trí bom chưa nổ và có phương án tháo gỡ.
Trước đó hơn 1 tháng, ông nhận thông tin từ chỉ huy là sẽ nhận nhiệm vụ mới. Ông cùng với 10 chiến sỹ khác của Trung đoàn 151 đã vinh dự được chọn để thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt là đào đường hầm ngầm vào đồi A1 và đặt khối thuốc nổ 1.000 kg. Trong hệ thống 5 quả đồi ở phía Đông, A1 là quả đồi gần nhất và cao nhất, nằm sát chỉ huy, được xem là vị trí yết hầu của tướng Đờ Cát. Phương án đào hầm để đặt thuốc nổ được đặt ra khi quân ta thất bại với việc trước đó đã tiến hành đánh 4 ngày đêm liên tục nhưng chỉ chiếm được 4 quả đồi, trừ A1. Lực lượng hy sinh quá nhiều nên Bộ Chỉ huy phải thay đổi chiến thuật. Phát hiện đồi A1 có hầm ngầm chứa 1 tiểu đoàn lê dương và xác định muốn chiến thắng phải diệt được hầm ngầm này. Việc đào hầm được giao cho công binh với sự bảo vệ của lực lượng bộ binh chia thành 2 tổ. Đêm đầu cả 2 tổ đều không hoàn thành nhiệm vụ. Đêm thứ hai 1 tổ ở gần bị pháo nã và hy sinh, tổ 2 ở xa hơn nên đã khoét thành công vị trí 1 người ngồi. Ròng rã cả tháng trời, cứ 1 người đào và những người khác thay nhau vận chuyển đất ra ngoài.
Trong thời gian đào đường hầm này khó có thể nói hết sự vất vả, khổ cực của đội công binh, nhưng không một ai nản lòng. Đến đêm mồng 5 rạng ngày 6/5/1954, 24 khối thuốc nổ đã được chuyển vào vị trí. Trưa ngày 6/5/1954, tiếng nổ của khối bộc phá gần 1 tấn trong lòng đồi A1 đã trở thành hiệu lệnh xung phong cho đợt tiến công quan trọng cuối cùng - đó là chiến thắng ngày 7/5/1954 đi vào lịch sử.
Với Đại tá Nguyễn Khắc Tuyên - người đã đi qua cả 2 cuộc chiến thần kỳ của dân tộc, kỷ niệm về chiến trường, về đồng đội vẫn còn mãi trong ông. Những ký ức về Điện Biên, về tinh thần dũng cảm, sẵn sàng xông pha trận mạc của các chiến sỹ là sâu đậm nhất. Lúc bấy giờ, ông là y tá trưởng Đội điều trị trực thuộc Cục Quân y Bộ Quốc phòng. Đội của ông đóng ở Tuần Giáo, cách trung tâm 30 km đường chim bay. Đội điều trị với hơn 300 con người, nhiệm vụ vất vả nhất thuộc về tổ phân loại - nơi tiếp nhận ban đầu thương binh được đưa về từ mặt trận, phân loại và chuyển cho các tổ khác xử lý. Có những lúc thương binh đổ về dồn dập hàng trăm người, 20 cán bộ, y, bác sỹ của tổ hết sức vất vả để xử lý nhanh các trường hợp mất máu, tránh thương vong cho đồng đội.
Điều mà ông khâm phục đồng đội nhất đó là sức chịu đựng ngoài sức tưởng tượng của nhiều thương binh khi phải mổ, xử lý vết thương nặng mà không có thuốc tê hoặc thuốc gây mê; nhiều chiến sỹ chưa lành vết thương đã xung phong tiếp tục ra trận. Còn với những chiến sỹ quân y, có lúc tưởng chừng kiệt sức vì chăm sóc, cứu chữa cho thương binh nhưng cũng sẵn sàng nhịn đói để nhường cơm, cháo cho thương binh khi dân công chưa kịp tiếp tế lương thực.
Những ký ức hào hùng về chiến thắng Điện Biên Phủ ghi dấu mỗi chiến công, hào khí của những người con đất Việt vì độc lập tự do của dân tộc. Ký ức đó được các thế hệ mai sau ngưỡng vọng, tự hào...
An Nhân