(Baonghean) - Nhiều trang báo mạng vừa giật tít “5 ngày, tín dụng tăng gần bằng 5 tháng”. Khủng khiếp! Xin nhấn mạnh lại lần nữa, chỉ 5 ngày thôi mà tăng trưởng tín dụng gần bằng 5 tháng cơ đấy! Thử hỏi, có mấy ai biết được điều gì đã xảy ra trong vòng 120 giờ “vàng” ấy nhỉ? Không cần thiết phải úp mở gì nữa, rõ ràng đó là một điều bất bình thường. Rất bất bình thường! 
 
Buồn cười, bất bình thường nhưng lại được coi như là bình thường! Cả nửa năm trời ì à ì ạch, cuộc họp nào bàn tín dụng cũng nhận được những cái lắc đầu ngao ngán. Bỗng nhiên, từ trên trời rơi xuống một con số “thiên đường” thế kia, rõ là nhốn nháo! Không nhốn nháo về con số thì cũng nhốn nháo về thông tin. Cái loại “tin” mà chẳng ai có thể “thông” được! Cũng như cái muốn “thông” thì chả ai “tin” cho! 
 
Trở lại với câu chuyện của con số vừa làm giật mình không ít người quan tâm kia: Sáng 9/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị sơ kết điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, giải pháp điều hành 6 tháng cuối năm 2014. Theo tài liệu NHNN phát đi cho báo chí, đến cuối tháng 6/2014, tín dụng tăng 3,52% so với cuối năm 2013. Vậy mà, trước đó mấy bữa, ông Phạm Xuân Hòe, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, tính tới ngày 25/6, tăng trưởng tín dụng đạt 2,3%. Như vậy, chỉ trong vòng 5 ngày cuối tháng 6, tín dụng đã tăng thêm 1,22%, gần bằng với mức tăng tín dụng cả 5 tháng đầu năm cộng lại (tăng trưởng tín dụng đến ngày 23/5 là 1,31%). Một con số tăng trưởng “mộng mơ” như thế mà lại không có đủ làm hài lòng ai cả. Vì sao? Vì nó quá “giật cục”! Tại sao lại “giật cục”? Chịu! 
 
Được biết, trao đổi với báo giới, một thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng “Tín dụng VND tăng vọt hơi khó hiểu, bởi nửa cuối tháng 6, sản xuất vẫn chưa có gì tiến triển”. “Hơi khó hiểu” chắc là cách đặt vấn đề có phần ý tứ đấy thôi, chứ với người dân thì không thể nói là “hơi” mà là rất khó hiểu! Đây không phải là lần đầu tiên. Câu chuyện về sự nhảy múa của các con số trong hệ thống báo cáo lâu nay vốn dĩ chỉ “giỏi” làm nản lòng trí tò mò của người muốn tìm hiểu đã không còn xa lạ. Những con số hoặc là “ang áng” hoặc là tiền hậu bất nhất, tệ hơn có cả những con số rất “phong trào” cứ thế nườm nượp rủ nhau xuất hiện. Để củng cố điều vừa nói, xin được đơn cử thêm vài ví dụ:
 
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 4/2014 do NHNN tổ chức, cơ quan chức năng công bố 2 số liệu nợ xấu đến hết tháng 2/2014: số do tổ chức tín dụng tự báo cáo là 3,86%, còn theo cơ quan giám sát Ngân hàng Nhà nước thì tỷ lệ này là 9,71%. Không cần phải hù dọa gì thì 2 con số thuộc dạng tiêu biểu của “2 phương trời cách biệt” này cũng thừa sức làm hoang mang khắp lượt thiên hạ. Còn nữa, với chỉ số GDP, trong khi cả nước công bố chỉ nằm trong vùng 6% thì của các tỉnh lại lạc quan đến mức tung tăng trên cả 10%. Những người biết làm phép tính trung bình cộng chắc không khỏi đau đầu trước những con số hào nhoáng kiểu như này. Rồi thì số liệu nợ công “chập chờn”, chuyện vụ án oan sai úp mở, tỷ lệ hộ nghèo của Tổng cục thống kê ngược một đường nhưng của Bộ LĐ - TB&XH lại xuôi một nẻo. Buồn đã đành, buồn hơn, là lời giải thích bao giờ cũng “do cách tính toán chưa thống nhất”! Dân hỏi, thế thì bao giờ thống nhất được cách tính? Chịu! 
 
Những người dân thấp cổ bé họng ngẩn ngơ trước cái ma trận thông tin mà ở đó con số nào cũng tự khẳng định mình thuộc hàng “chuẩn không cần chỉnh”. Rất quan ngại bởi đấy mới chỉ là một vài ví dụ có tính điển hình, lại ở tầm vĩ mô, còn xuống thấp hơn, thậm chí về tận cơ sở thì cái ma trận ấy còn thiên biến vạn hóa hơn nhiều. Mà cũng không chỉ úp mở mỗi con số đâu! Để tồn tại, người ta không thể không tự rèn cho mình kỹ năng biết sống với vô vàn bí mật, hoặc na ná bí mật xung quanh mình. 
 
Dân công sở lâu nay tồn tại một thứ gọi vui là “văn hóa xì xầm”. Đâu đâu chúng ta cũng có thể gặp kiểu như “nghe nói phòng mình sắp có sếp mới?” “cậu có biết đợt này những ai được tăng lương không?” “kết quả đợt thi tuyển vừa rồi bao giờ công bố?”... Những câu hỏi này rất hiếm khi xuất hiện trong hội nghị chính thức, bởi nó tất nhiên là bí mật! Cái thứ bí mật nghe rất phi lý này có vẻ được “phối giống” từ chuyện thiếu minh bạch? Không biết sao, chứ cứ cơ quan, đơn vị, địa phương nào tồn tại nhiều cái xì xầm kiểu kia thì chắc chắn ở đó thiếu minh bạch. 
 
Chắc ai cũng biết, minh bạch là kẻ thù vạn kiếp của tham nhũng, tiêu cực. Với một đơn vị cụ thể thì minh bạch có ý nghĩa sống còn. Triệt tiêu minh bạch dẫn đến mất dân chủ, mất dân chủ dẫn đến mất đoàn kết, mà mất đoàn kết là mất… sạch! Làm gì có một đơn vị nào lèm nhèm, khuất tất mà lại đoàn kết nội bộ lại trên dưới một lòng bao giờ. Ở phạm vi rộng hơn, minh bạch là một chỉ số cực kỳ quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển. Ở mỗi cá nhân thì minh bạch không chỉ là bản lĩnh, là tính cách, là lối sống mà nó còn là cách hành xử của một tư duy tiến bộ. Trang bị được điều này, chắc chắn chúng ta sẽ tự tin và không còn phải khổ thân với thói giả dối nữa. 
 
Minh bạch là sức mạnh! Ấy vậy mà, lâu nay nó khá hiếm hoi. Bao giờ thì những nợ xấu, nợ công, tỷ lệ hộ nghèo… được cập nhật công khai, chính xác để nhân dân theo dõi? Bao giờ thì cái thứ “văn hóa xì xầm” kia hết đất sống? Minh bạch, nó ở trong mỗi chúng ta, ở xung quanh chúng ta, sao vẫn cứ phải đi tìm?!
 
Nguyễn Khắc An