Cụ thể, HLV Park Hang-seo cho rằng: “Việt Nam đang rất thiếu tiền đạo. Chúng tôi thử nghiệm nhiều mà chưa tìm được ai cả. Ở V.League, hầu hết ngoại binh đá tiền đạo, nhiều cầu thủ tiền đạo ở tuyển U22 không được đá chính khi về câu lạc bộ”.
Huấn luyện viên trưởng ĐTQG Việt Nam đưa ra một đề nghị với những nhà quản lý bóng đá: “V.League nên tự hỏi rằng tại sao vấn đề này tồn tại. Tất nhiên một số câu lạc bộ sẽ phản ứng trước ý kiến này nhưng tôi chỉ muốn làm sao để các cầu thủ trẻ, các tiền đạo nội được ra sân. VPF và VFF phải nghiêm cứu lại vấn đề này”.
Thời điểm hiện tại, phần lớn các CLB tại V.League đều sử dụng 2 ngoại binh cho vị trí tiền đạo và 1 ngoại binh cho vị trí trung vệ. Theo đó, cơ hội của những tiền đạo nội trở nên ít hơn. Dẫn đến việc HLV Park chỉ có trong tay 3 tiền đạo trung phong thường xuyên được gọi vào ĐTQG là Tiến Linh, Đức Chinh hay trước đây là Anh Đức.
Trong năm 2019 đến nay, HLV người Hàn Quốc đã gọi lên rất nhiều tiền đạo như Việt Phong (Viettel) hay mới đây là Hồ Tuấn Tài (SLNA), Phan Văn Long (SHB Đà Nẵng) nhưng họ đều chưa để lại dấu ấn gì nhiều. Đây cũng là lý do khiến ĐT Việt Nam chỉ ghi được 5 bàn thắng tại bảng G - Vòng loại World Cup 2022. Thành tích này chỉ khá hơn đội cuối bảng Indonesia và kém hơn Thái Lan, Malaysia và UAE.
Trước những áp lực về thành tích trong thời gian tới như đấu trường AFF Cup, SEA Games và Vòng loại World Cup, HLV Park Hang-seo có lý do để lo lắng và phàn nàn. Tuy nhiên, đây là một vấn đề rất khó đi tìm lời giải bởi các HLV tại V.League đều gặp áp lực về mặt thành tích và bắt buộc phải sử dụng tối đa số lượng ngoại binh cho phép.
Ngược lại trong một quan điểm khác, sự có mặt của các ngoại binh tại V.League trong những năm gần đây là một chất xúc tác rất quan trọng nhằm tăng chất lượng của giải đấu. Vì vậy, sự xung đột về lợi ích là nguyên nhân chính khiến chuyện khan hiếm tiền đạo nội tốt vẫn khó được giải quyết.
Chắc chắn VFF hay VPF sẽ không thể ngay lập tức giảm số lượng ngoại binh và cũng khó đưa ra một quy định về số lượng cầu thủ trẻ được thi đấu ở vị trí nào lên các CLB. Thực tế, đây là bài toán chung với bất kỳ nền bóng đá nào trên thế giới, kể cả Nhật Bản, Hàn Quốc hay gần hơn là Thái Lan, Malaysia và châu Âu.
Về vấn đề này, tiền đạo Nguyễn Việt Thắng - cựu tuyển thủ ĐTQG Việt Nam phân tích: “Khi chúng tôi còn thi đấu, V.League còn có 5 ngoại binh trên sân nhưng chất lượng giải đấu không hề thua kém bây giờ. Tuy nhiên, V.League vẫn cho ra lò hàng loạt tiền đạo giỏi như Công Vinh, Quang Hải, Anh Đức, Thanh Bình…”.
Cùng chung quan điểm, HLV Nguyễn Đức Thắng - GĐKT CLB SLNA cho rằng: “Bóng đá Việt Nam muốn có tiền đạo nội chất lượng hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của các cầu thủ. Nếu sở hữu một tiền đạo như Phạm Văn Quyến thì HLV nào cũng muốn sử dụng tiền đạo nội thay vì ngoại binh. Muốn chơi tốt, muốn có suất thi đấu thì các tiền đạo phải chứng tỏ bản thân chứ không có một cái cách nào để bắt buộc các HLV phải sử dụng tiền đạo nội”.
Thực tế chứng minh rằng tại SLNA, tiền đạo Hồ Tuấn Tài được trao cơ hội thi đấu rất nhiều. Tại V.League trong các năm 2018, 2018 và 2019, Tuấn Tài đều thi đấu 15, 17 và 18 trận. Nhờ đó, anh cũng có tên trong danh sách tập trung ĐTQG đợt gần nhất.
Theo tìm hiểu tại Nhật Bản, Liên đoàn bóng đá Nhật Bản quy định các CLB được đăng ký thi đấu 3 cầu thủ ngoại binh + 1 châu Á + 1 ASEAN. Con số này nhiều hơn cả V.League. Tuy nhiên thực tế, các CLB Nhật Bản hiếm khi chiêu mộ ngoại binh Đông Nam Á và chưa bao giờ tung hết 5 ngoại binh ra sân.
Các HLV Nhật Bản đồng loạt chỉ sử dụng 2 ngoại binh các châu Mỹ hoặc châu Âu và 1 ngoại binh châu Á, thường là Hàn Quốc và Triều Tiên. Tức là đảm bảo không quá 3 ngoại binh ở 3 vị trí hậu vệ, tiền vệ, tiền đạo thi đấu trên sân.
Đây được xem là một quy định ngầm của bóng đá Nhật Bản. Chính vì vậy mà J.League vừa đảm bảo cơ hội phát triển cho tài năng trong nước mà bóng đá Việt Nam nên tham khảo.