(Baonghean) - Logo và slogan là 2 yếu tố chính cấu thành nên bộ nhận diện thương hiệu mà bất cứ ngành Du lịch địa phương, quốc gia nào cũng cần phải có. Nghệ An đã có logo du lịch nhưng vẫn thiếu vắng slogan. Đi tìm slogan cho du lịch Nghệ An dần trở nên bức thiết trong bối cảnh ngành Du lịch tỉnh nhà đang có những khởi sắc đáng kể.
Định vị thương hiệu
Khoảng độ chục năm về trước, nếu tham quan một số gian hàng của du lịch Nghệ An tại các hội chợ du lịch và thương mại, dễ bắt gặp dòng chữ “Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đó là một sự khẳng định, một nhắc nhở cho du khách gần xa về nét đặc trưng của Nghệ An, du lịch Nghệ An.
Chưa hẳn là một slogan, nhưng đặt trong bối cảnh bấy giờ, dòng chữ ấy đã tạo nên giá trị riêng, mang lại ấn tượng, hiệu quả tốt. Đến nay, với phần lớn du khách trong nước, nói đến du lịch Nghệ An là nghĩ ngay đến quê Bác. Dẫu vậy, dưới những chuyển mình mạnh mẽ và nhu cầu phát triển của ngành Du lịch hiện tại và tương lai, nếu ấn tượng về du lịch Nghệ An vẫn chỉ có vậy thì chưa ổn.
Ông Võ Bá Nguyên - người sáng lập Vinh Guru - đơn vị lữ hành thường tổ chức tour cho người nước ngoài chia sẻ thẳng thắn: “Lâu nay, chúng ta vẫn nhầm tưởng 2 địa chỉ du lịch ở Nghệ An mà ai cũng biết là quê Bác và biển Cửa Lò nhưng không phải như vậy.
Phần lớn du khách nước ngoài mà chúng tôi tiếp đón thời gian qua chưa biết gì về du lịch Nghệ An. Nghệ An chỉ là điểm dừng chân trên hành trình vào Nam, ra Bắc của họ. Để giữ khách, chúng tôi phải chủ động giới thiệu, thuyết phục họ về các điểm đến nội tỉnh và thực tế cho thấy, du khách nước ngoài thích khám phá, trải nghiệm du lịch cộng đồng miền Tây Nghệ An hơn cả”.
Ông Võ Bá Nguyên cho rằng, tại thời điểm này, việc tìm kiếm một slogan cho du lịch tỉnh nhà là điều cần thiết. Lượng khách nước ngoài đến Nghệ An đang dần tăng lên, 6 tháng đầu năm 2017, khách quốc tế ước đạt 39.400 lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016. Du khách quốc tế rất quan tâm đến ấn tượng ban đầu, trong khi đó, tính chuyên nghiệp của một ngành du lịch trước hết được thể hiện qua bộ nhận diện thương hiệu du lịch.
Đồng tình với ý kiến của ông Võ Bá Nguyên, ông Trần Ngọc Khoan - Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Nghệ An khẳng định, chuyên nghiệp nào cũng phải hoàn thiện bộ tiêu chí nhận diện thương hiệu. Slogan như một lời chào, một khẳng định đầy ấn tượng và hứa hẹn về những nét đặc trưng, hấp dẫn nhất dành cho du khách gần xa. Nếu có slogan và kết hợp với logo du lịch sẵn có, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch sẽ đi vào chuyên nghiệp hơn, lưu vào trí nhớ của du khách lâu hơn.
Slogan phải tự tin và khác biệt
Tự tin và khác biệt là 2 yếu tố mà bất kỳ thương hiệu nào cũng hướng đến, đặc biệt là thương hiệu du lịch. Logo du lịch Nghệ An phần nào đã thành công trong 2 yếu tố này. Ông Trương Hải Linh - Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh cho biết, năm 2013, tỉnh tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu biểu tượng du lịch Nghệ An.
Thời điểm đó, hàng trăm mẫu thiết kế của các tác giả trong và ngoài tỉnh gửi về, nhiều ý tưởng hấp dẫn, độc đáo. Qua sàng lọc, đến tháng 7/2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3023/QĐ-UBND về việc công bố biểu tượng du lịch Nghệ An, công nhận tác phẩm của tác giả Nguyễn Phước Đức ở TP. Hồ Chí Minh với thiết kế cánh sen như đôi tay thân thiện đón chào, cởi mở; như con tàu vươn mình vượt biển cả với niềm tin vào sự phát triển của những tiềm năng sẵn có của ngành Du lịch Nghệ An trong xu thế hội nhập hiện nay.
Dòng chữ Du lịch nghệ An thanh thoát, nhẹ nhàng, kết hợp bên dưới logo tạo tầm nhìn ấn tượng. Nhiều doanh nghiệp lữ hành nói rằng, so với nhiều logo du lịch của các địa phương trong toàn quốc, logo du lịch Nghệ An khá ấn tượng, bắt mắt và doanh nghiệp rất tự tin, hãnh diện khi trưng bày logo của du lịch tỉnh nhà trong các ấn phẩm quảng bá của mình.
Thành công của cuộc thi thiết kế logo tạo động lực cho ngành Du lịch Nghệ An tổ chức cuộc thi sáng tác slogan, đã được ngành đưa vào kế hoạch hoạt động năm 2018. Đây là tín hiệu vui với những người trăn trở với sự phát triển của du lịch tỉnh nhà, tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số lưu ý, băn khoăn.
Có ý kiến cho rằng, mỗi slogan bao giờ cũng kèm theo một chương trình hành động cụ thể, slogan thể hiện định hướng phát triển của ngành Du lịch, ví dụ định hướng phát triển du lịch biển đảo thì slogan không thể nổi bật về du lịch cộng đồng và ngược lại. Mặt khác, mục tiêu của slogan là tạo ấn tượng khắc sâu cho du khách, nên slogan phải có giá trị bền bỉ, lâu dài, không thể mơ hồ, chung chung và tầm nhìn ngắn hạn.
Ông Trương Hải Linh - Giám đốc Trung tâm thông tin Xúc tiến Du lịch cho hay, thông qua cuộc thi, ngành Du lịch mong muốn tạo ra hiệu ứng xã hội lan toả, quảng bá cho du lịch Nghệ An. Như mọi lĩnh vực sáng tạo khác, cuộc thi sáng tác slogan chắc chắn không tránh khỏi những ý kiến trái chiều, khó vừa lòng tất cả mọi người, thế nhưng, để tìm được một “lời chào” hấp dẫn, phù hợp, hướng tới sự chuyên nghiệp của du lịch Nghệ An thì có lẽ mọi khó khăn đều xứng đáng!
Nhìn sang các tỉnh bạn, việc tổ chức các cuộc thi sáng tác slogan du lịch mang lại những thành công đáng ghi nhận. Như ở Đà Nẵng, sau 10 năm trời loay hoay, rốt cuộc cuối tháng 4/2014 đã tìm ra lời giải đáp. Đà Nẵng tổ chức thi sáng tác logo và slogan trong vòng 8 tháng, nhận được hơn 1.000 bài dự thi và chiến thắng cuối cùng thuộc về slogan “DANANG Fantasticity” - thành phố tuyệt vời! Slogan dễ hiểu với cả người Việt Nam lẫn nước ngoài, ngữ điệu thốt lên nhẹ nhàng, khoan khoái, đúng với triết lý mà du lịch Đà Nẵng cần hướng đến: Sự vui vẻ và hạnh phúc của du khách khi khám phá, trải nghiệm một thành phố tuyệt vời! Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thành công như Đà Nẵng. Du lịch Thừa Thiên Huế đã 2 lần tổ chức cuộc thi sáng tác logo và slogan du lịch Huế, nhưng cả 2 lần đều thất bại, không công bố kết quả của cuộc thi! |
Phước Anh