(Baonghean) - Giữa thung lũng Mường Quạ (Con Cuông) có một địa chỉ văn hóa được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, ghi dấu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc sinh sống của vùng quê khởi nguồn của con sông Giăng hùng vĩ và thơ mộng. Đó là nhà cụ Vi Văn Khang ở bản Thái Hòa, xã Môn Sơn. 
 
Ngôi nhà cụ Vi Văn Khang nằm cạnh hữu ngạn dòng sông Giăng, xung quanh là những ngôi nhà sàn cổ kính của đồng bào Thái bản Thái Hòa, tiếp đến là cánh đồng Mường Qụa mênh mông giúp bà con quanh năm có cuộc sống đủ đầy. Xa hơn nữa là núi đồi trùng điệp, bao bọc và chở che cho các bản làng, là Vườn Quốc gia Pù Mát bốn mùa xanh tươi với hệ động, thực vật phong phú và đa dạng. 
 
images1183205_img_9671.jpgNhà cụ Vi Văn Khang - di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.
Theo các nguồn tư liệu lịch sử, năm 1931 phong trào cách mạng bước vào giai đoạn thoái trào, Đảng ta phải rút vào hoạt động bí mật. Để đảm bảo lực lượng và duy trì cơ sở cách mạng, Xứ ủy Trung kỳ cử các đồng chí Lê Xuân Đào (thuộc Xứ ủy), Nguyễn Hữu Bình (Tỉnh ủy Nghệ An), Lê Mạnh Duyệt (Phủ ủy Anh Sơn) về vùng Mường Qụa - Môn Sơn phối hợp hoạt động và gây dựng phong trào cách mạng. Về đây, các đồng chí đã liên lạc và giác ngộ đồng chí Vi Văn Khang, một thanh niên dân tộc Thái có học thức, gia đình khá giả ở bản Thái Hòa. Gặp được lý tưởng cách mạng như cánh đồng khô hạn gặp mưa, đồng chí Khang nguyện suốt đời theo đuổi sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng nhân dân và đã vận động, giác ngộ thêm các đồng chí Vi Văn Hanh, Vi Văn Quý, Vi Văn Lâm, những người trẻ tuổi có học vấn cao, giàu lòng yêu nước và tâm huyết với quê hương. Các đồng chí này đã phát huy tinh thần đoàn kết, vận động quần chúng nhân dân kết thành một khối sức mạnh để đấu tranh chống bọn thực dân -  tay sai phong kiến. 
 
Tháng 3/1931, ở Mường Qụa (gồm 2 xã Môn Sơn và Lục Dạ ngày nay) đã diễn ra cuộc đấu tranh chống bọn cường hào, ác bá và giành được thắng lợi. Khoảng 1 tháng sau, tại nhà riêng của Vi Văn Khang, Chi bộ Đảng Môn Sơn chính thức được thành lập, gồm 5 đảng viên: Vi Văn Khang (Bí thư), Vi Văn Hanh, Vi Văn Quý, Trần Ngân, Lê Mạnh Duyệt, sau đó kết nạp thêm đồng chí Vi Văn Lâm. Đây chính là chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập ở địa bàn miền núi - vùng cao của Nghệ An. Chi bộ Đảng ra đời bắt tay ngay vào công tác lãnh đạo đấu tranh cách mạng: in ấn tài liệu tuyên truyền, thành lập tổ chức Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ. Từ 7 - 8/1931, trên ngọn cây đa Cồn Chùa - trung tâm xã Môn Sơn, lá cờ đỏ búa liềm tung bay phấp phới. Dưới gốc cây đa, chi bộ Đảng tập trung lực lượng với hàng trăm người tiến hành biểu tình rồi kéo đến nhà bọn địa chủ, chánh tổng cướp lấy thóc gạo, tiền bạc chia cho dân nghèo. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, phong trào cách mạng của nhân dân Mường Quạ nói chung và Môn Sơn nói riêng giành được nhiều thắng lợi. Nhà riêng của đồng chí Vi Văn Khang trở thành nơi hội họp, nuôi giấu cán bộ và in ấn tài liệu, che chở và nuôi dưỡng cán bộ Đảng. Một thời gian sau, thực dân Pháp điều lính vào Môn Sơn đàn áp phong trào cách mạng, Vi Văn Khang và 2 đồng chí  là Vi Văn Hanh, Trần Ngân cùng 30 quần chúng hăng hái đấu tranh bị sa vào tay giặc. Các đảng viên còn lại rút vào hoạt động bí mật để chờ thời cơ. Và đến cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, Chi bộ Đảng Môn Sơn được khôi phục và lãnh đạo nhân dân đấu tranh cướp chính quyền giành thắng lợi.  
 
Nhà cụ Vi Văn Khang được dựng năm 1919 theo kiểu kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái. Nhà gồm 3 gian, 2 hồi, cầu thang lên xuống đặt ở hai bên, khung bằng gỗ. Tầng trên là nơi diễn ra các sinh hoạt của gia đình, dưới sàn thường cất đặt nông cụ và nhốt gia súc. Khu vườn rộng được trồng nhiều loại cây, trong đó phần lớn là các loại cây ăn quả.
 
Nếu có dịp về Môn Sơn thưởng thức “Cơm Mường Quạ, cá sông Giăng”, khám phá Pù Mát, ngắm cảnh Phà Lài, hãy tìm đến bản Thái Hòa thăm di tích nhà cụ Vi Văn Khang để hiểu thêm mạch nguồn lịch sử- văn, về tinh thần và ý chí của con người và mảnh đất giàu truyền thống này.
 
Công Kiên