Nừa qua, ngày 28-12-2008, được sự đồng ý của ngành Văn hoá, Thể thao & Du lịch, UBND huyện Hưng Nguyên, UBND xã Hưng Nhân đã long trọng tổ chức lễ đón Bằng Di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Đền Rậm, theo quyết định của Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch.


Đền Rậm thuộc xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) được khởi công xây dựng vào năm 1831, hoàn thành vào năm 1832; sửa chữa lần gần đây nhất vào năm 1922. Ngôi đền là nơi hợp tự thờ các nhân vật lịch sử, có công với đất nước, nhân dân như Lê Lợi, Nguyễn Quang Hợp, hay các thiên thần như Cao Sơn Cao Các... Trải qua quá trình phát triển của địa phương, ngôi đền đã chứng kiến những sự kiện lịch sử trọng đại diễn ra tại đây. Các bậc sỹ phu thời chống Pháp, những thanh niên ưu tú trước khi xuất dương hoạt động cách mạng như Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong đã từng bí mật hẹn gặp tại đền. Trong những năm 1930- 1931 và Cách mạng tháng Tám (1945), Đền Rậm là nơi tập hợp lực lượng để nghe diễn thuyết về cách mạng, đấu tranh đi cướp chính quyền. Những năm kháng chiến chống Mỹ, Đền Rậm là nơi để vũ khí, nơi trung chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam bằng đường thuỷ trên sông Lam...

Đền Rậm nằm trong một quần thể di tích có cả đền lẫn chùa, bao gồm Đền Rậm trong và Đền Rậm ngoài với nhiều nhà ngang dãy dọc, khuôn viên di tích có tổng diện tích 10.401 m2 trên một gò đất cao, bốn phía được bao quanh bởi những hàng cây cổ thụ. Với độ cao như vậy, cùng hệ thống cây xanh toả mát um tùm thấp thoáng bên mái đền cong vút đã tạo cho không gian kiến trúc ở đây vừa thâm nghiêm lại vừa cổ kính.

Đền Rậm trong bao gồm các công trình Cổng đền, Nhà thánh, Chùa (Long đồng tự), Nhà trình, Hữu vu, Hạ điện, Trung điện, Thượng điện. Đền Rậm ngoài bao gồm các công trình Cổng đền, Tắc môn, Hạ - Trung - Thượng điện và Lăng mộ Nguyễn Quang Hợp. Cổng Đền Rậm trong và ngoài được tạo bởi 2 cột nanh, mỗi cột có chiều cao 5 m, rộng 0,60 m kết cấu kiến trúc cột nanh gồm nhiều bộ phận cấu thành như chân bệ, thân trụ, đấu vuông thót đáy, hình nghệ... nối liền nhau theo chiều thẳng đứng. Cách kết cấu kiến trúc cột nanh gồm nhiều bộ phận cấu thành như trên tạo cho cột nanh không đơn điệu, đồng thời tăng thêm vẻ uy nghiêm và giá trị thẩm mỹ phía trước cho di tích.

Qua khỏi cổng đền, đi vào di tích thì Nhà thánh nằm phía bên trái sân trước Đền Rậm trong. Nguyên xưa, Nhà thánh ở thôn Hồng Lạc gần bờ sông Lam, năm 1967 nhân dân đã chuyển về đây để tránh sự huỷ diệt của bom Mỹ. Phía bên phải là Chùa Long Đồng, cũng giống như Nhà thánh, chùa được chuyển về từ thôn Hồng Lạc vào năm 1968, được dựng dọc theo lối vào đền. Ngôi chùa có diện tích 9,50 m x 6,3 m, gồm 3 gian 2 chái. Tiếp đến là Nhà trình, nằm án ngự giữa trục thần linh, ở đây Nhà trình có tác dụng như "tắc môn" để tránh mọi người đi thẳng vào đền. Qua khỏi các công trình trên chúng ta bước vào khu chính điện. Khu chính điện của Đền Rậm trong và Đền Rậm ngoài được bố trí mặt bằng theo kiểu chữ tam (còn gọi là tam tòa) Hạ điện, Trung điện, Thượng điện. Tất cả những công trình kiến trúc nêu trên là kết quả của quá trình xây dựng và trùng tu tôn tạo. Có thể nói, mặt bằng kiến trúc Đền Rậm trong và Đền Rậm ngoài là một trong những mẫu mực điển hình phong cách kiến trúc dân gian cổ truyền. Kết cấu kiến trúc của các toà đền thể hiện tính khoa học, tạo nên những bộ vì kèo, bộ khung chắc khoẻ, chịu được lực phù hợp với khí hậu vùng miền Trung. Các chi tiết kiến trúc trên được liên kết với nhau trên cơ sở kỹ thuật mộc truyền thống, theo không gian ba chiều, tạo cho các toà đền có một dáng vẻ đồ sộ mà vẫn giữ được nét thanh thoát, chắc chắn. Các toà đền, đặc biệt Đền Rậm trong, được chạm trổ công phu, nhiều mảng chạm thể hiện trên cùng một thân gỗ có độ kênh tương đối lớn, với nhiều chi tiết kết hợp giữa bong kênh và lộng nét chạm tỉ mỉ đến từng chi tiết. Ở các vì kèo, các đường xà, cốn, đầu dư, đầu bẩy... được chạm trổ, thể hiện nhiều đề tài phong phú như cá vượt vũ môn, cá chép hoá rồng, lượng long triều phúc, mai hoá long ly... Tất cả các mảng chạm đều là những bức tranh nghệ thuật tuyệt vời, những điển tích sinh động đã được các nghệ nhân chạm khắc trên gỗ với những đường nét lưu loát, tinh xảo đến mức cao nhất để tạo nên những bức tranh sinh động tránh được sự thô kệch nặng nề. Nhìn chung, có thể nói chạm khắc ở Đền Rậm, đặc biệt là Đền Rậm trong kết tinh trình độ thao diễn kỹ thuật nghề mộc một cách tinh tế của nghệ nhân có tay nghề cao. Đền Rậm là di tích còn tiếp nối được nghệ thuật đình làng tưởng như đã chấm dứt cuối thế kỷ XVII, ở Bắc Bộ. Vì vậy, nghiên cứu Đền Rậm có thể giúp chúng ta hiểu được giai đoạn chuyển tiếp giữa nghệ thuật đậm chất dân dã sang nghệ thuật mang yếu tố cung đình sau này. Ngoài ra, tại di tích còn lưu giữ những bức đại tự, câu đối đã minh chứng bề dày lịch sử của di tích.

Mặc dù cảnh quan và tổng thể kiến trúc của di tích xưa tuy đã có sự thay đổi, mất mát hư hỏng nhưng sự còn lại của Đền Rậm còn chứa đựng những giá trị lịch sử văn hoá- kiến trúc nghệ thuật lớn. Trong lúc này, xếp hạng Di tích Quốc gia ngày càng có những tiêu chí chặt chẽ hơn, khắt khe hơn, việc Bộ Văn hoá,Thể thao & Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật Đền Rậm là Di tích Quốc gia là một vinh dự lớn đối với Đảng bộ và nhân dân huyện Hưng Nguyên nói riêng và quê hương nghệ An nói chung. Đồng thời, việc làm đó cũng trao thêm một trách nhiệm lớn lao cho chính quyền địa phương các cấp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo Luật Di sản văn hoá.


Nguyễn Trọng Cường - (Ban Quản lý Di tích & Danh thắng Nghệ An)