Theo dòng lịch sử, dưới triều vua Minh Mạng của nhà Nguyễn, "giặc dã" nổi lên nhiều nơi. Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ được nhà vua sai đi dẹp loạn. Từ thực tế, ông thấy rằng, sở dĩ nông dân nổi lên chống lại là do quan lại bao chiếm hết ruộng đất canh tác, nhân dân không có điều kiện sinh sống. Dân gian nói quả không sai "Túng quá hoá làm liều", "Đói nghèo sinh giặc giã".

762475_small_46481.jpgDanh nhân Nguyễn Công Trứ
Trong lúc đó, ông thấy tiềm năng, đất hoang hoá còn nhiều, đặc biệt là vùng đầm lầy ven biển châu thổ sông Hồng - Bắc bộ. Ông nhận thấy khẩn hoang là biện pháp rất quan trọng và cần thiết của nước nhà, đem lại lợi ích cho dân chúng, có đủ ruộng đất sản xuất không bỏ phí tài nguyên, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội nhờ đó mà hạn chế sự phẫn uất, nổi dậy của nhân dân.

Từ suy nghĩ này, ông lập kế hoạch khai khẩn đất hoang hóa, tấu trình lên nhà vua và được nhà vua chuẩn tấu. Phần lớn công cuộc khai hoang của Nguyễn Công Trứ được tiến hành trên nhiều vùng miền kinh lược của công đi giúp vua dẹp loạn, đặc biệt là vùng đất đã khai sinh ra hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình) ngày nay.


Hầu hết đất những vùng này thời bấy giờ thường ngập mặn. Ông đã tổ chức đắp đê và các công trình thuỷ nông ngăn không cho nước biển tràn vào mà rút được nước chua mặn ra và dẫn nước ngọt vào đồng ruộng, thau chua rửa mặn để canh tác, nhờ đó mà mở rộng được diện tích, nâng cao năng suất cây trồng trên đồng ruộng. Tiền Hải và Kim Sơn ngày nay đã trở thành vùng đất trù phú, giàu tiềm năng nhiều mặt của đồng bằng Bắc Bộ.


Kế hoạch khẩn hoang do Nguyễn Công Trứ khởi xướng và tiến hành đã được coi là quốc sách của nhà nước phong kiến thời bấy giờ và được tiến hành rộng rãi trong cả nước dưới các hình thức: Đồn điền, doanh điền và xã thôn khai khẩn đất hoang hoá, diện tích canh tác tăng lên rõ rệt... Thật đáng mừng!

Theo sử liệu chúng ta được biết, năm 1820 ruộng đất đóng thuế trong toàn quốc có 3.076.300 mậu (mỗi mậu 3.600 m2) thì đến năm 1840 tăng lên 4.063.892 mậu và năm 1847 lên đến 4.278.031 mậu!


Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình

Bên cạnh việc khai hoang mở rộng diện tích cải tạo đồng ruộng trở nên phì nhiêu, Nguyễn Công Trứ còn chăm lo đến việc tổ chức xã hội nông nghiệp, nông thôn. Ngay từ buổi đầu (1828), để tiến hành khai hoang ở bãi biển Tiền Châu (Tiền Hải - Thái Bình ngày nay), quan Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã tổ chức lực lượng tham gia, thành các đơn vị dân cư: lý, ấp, trại, giáp và đặt chỉ tiêu, khuyến khích những người mộ được đông người, khai khẩn được nhiều ruộng đất sẽ có thưởng chức sắc. Chẳng hạn, người nào mộ được 50 đinh (nam giới từ 18 tuổi trở lên) khai khẩn được 600 mậu, được phong chức lý trưởng. Người nào mộ được 300 đinh, khai khẩn được 400 mậu, phong chức ấp trưởng. Mộ được 15 đinh khai khẩn được 200 mậu, phong chức trại trưởng... Mộ được 10 đinh khai khẩn được 120 mậu, phong chức giáp trưởng... Cách làm này đã được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Khi cơ bản hoàn thành vùng đất Tiền Châu đầu tiên đã có hệ thống hành chính gồm 14 lý, 27 ấp, 20 trại và 10 giáp, tổng số dân định 2.350 người, khai khẩn được 18.970 mậu ruộng đất. Từ đây, Nguyễn Công Trứ đã dâng tấu về triều đình xin thành lập huyện mới, lấy tên là Tiền Hải (ý nói là trước biển).


Tất cả các cuộc khai hoang do Nguyễn Công Trứ trực tiếp tổ chức đều thành công ngay từ buổi đầu, không một nơi nào hoang hoá trở lại. Trên những khu đất hoang hoá trước đây, sau khẩn hoang, nhiều làng xã được thành lập, bên cạnh những cánh đồng rộng lớn được cải tạo tốt. Các vùng đất mới thành lập cũng đã nhanh chóng trở thành những vùng quê trù phú, yên bình, góp phần to lớn vào việc phát triển nông nghiệp, ổn định nông thôn, xoá đói, giảm nghèo cho nông dân rất rõ rệt.


Có thể nói, công cuộc doanh điền, khai khẩn đất hoang để dân nghèo có cuộc sống ổn định tại vùng ven biển Thái Bình và Ninh Bình của Nguyễn Công Trứ là những mốc son, mở ra một thời kỳ mới của công cuộc chinh phục tài nguyên thiên nhiên dưới triều Nguyễn và các thời sau đó... Ông xứng đáng là danh nhân văn hoá tư tưởng, nhà chiến lược đại tài, và là "nhà tam nông" ấn tượng thời bấy giờ!


KS. Nguyễn Đình Võ - (Hội KHKT Lâm nghiệp)