(Baonghean) -Mấy bữa trước anh Chắt có theo dõi kỳ chất vấn của các đại biểu Quốc hội phát trên ti vi không?
- Có chớ, chuyện thời sự nóng hôi, nóng hổi vậy mà không theo dõi thì uổng lắm!
- Vậy xem xong anh thấy thế nào?
- Như một tờ báo giật tít thì là “hội trường đầy ắp tiếng dân”!
- Tui không hỏi báo chí đánh giá, nhận xét thế nào mà tui hỏi ý kiến của riêng anh thôi!
- Tui thì tui nghĩ là…
- Là như thế nào?
- Toàn những chuyện ở tầm vĩ mô cả, ít chuyện cụ thể, liên quan sát thực đến đời sống người dân!
- Ý của anh Chắt là…?
- Là những chuyện quốc gia, đại sự cũng nên bàn, nên nói đến nhưng cũng nên dành thời gian cho những việc cụ thể mà dân đang cần, dân đang mong.
- Cụ thể như là…
- Như khi hỏi ông Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường thì nên hỏi đến giải pháp để làm sao cho dân miền Trung một năm không phải hứng chịu vài ba đợt lũ lụt. Rồi phải làm sao để an sinh cho dân vùng lũ, dân vùng biển bị ô nhiễm. Tiền đền bù đã có, nhưng phân chia thế nào, sử dụng ra sao cho hiệu quả lâu dài. Chứ đừng để dăm bữa, nửa tháng ăn hết rồi lại ngồi nhìn nhau trong cảnh tiền hết gạo không… Chứ đừng chỉ chất vấn có lợi ích nhóm hay không… Nghe thì sướng tai, nhưng mà rút cục không giải quyết được việc chi thiết thực cho dân cả!
- Rồi sao nữa?
- Hỏi ông Bộ trưởng Giáo dục thì nên hỏi làm sao cho con em học ít hiểu nhiều chứ đừng để học nhiều hiểu ít như bây giờ chứ đừng sa đà vào những vụ việc vụn vặt kiểu như điều giáo viên đi tiếp khách hay lại hỏi ở tầm cao như triết lý giáo dục là gì… Dân nghe mà không hiểu mô tê chi cả, không thấy điều mà họ đang cần được giải quyết càng sớm càng tốt ở đâu cả!
- Thì việc nhỏ cần bàn, cần hỏi nhưng công to, việc lớn cũng cần đem ra bàn, ra hỏi chứ, anh Chắt?
- Tui không phản đối chuyện đó! Nhưng mà hỏi việc chi, ở đâu thì cần cân nhắc cho kỹ lưỡng, bố trí bàn bạc cho phù hợp ở những kỳ cuộc khác có tính chuyên sâu hơn. Còn ở đây nên đề cập những việc phổ thông, đại chúng đúng như dân cần. Dân bầu ra đại biểu của họ để nói lên tâm tư, nguyện vọng của họ. Người xưa có câu “quốc dĩ dân vi bản/Dân dĩ thực” vi tiên. Nghĩa là: nước lấy dân làm gốc. Dân thì lấy ăn làm đầu. Ăn ở đây không chỉ đơn thuần là chuyện ăn uống mà là cuộc sống nói chung của họ. Họ chỉ cần, chỉ cầu mong cuộc sống mọi mặt của họ được đảm bảo. Vậy là đủ. Thế nên, nói chi thì nói, bàn chi thì bàn rút cục là nên tập trung lo cho cuộc sống của dân. Và luôn luôn nhớ là: dân dĩ thực vi tiên!
Duy Hương