(Baonghean) - Sao càng ngày lại càng có nhiều vấn đề bức thiết cần phải giải quyết vậy ông nhỉ?

- Vì sao thì phải tìm hiểu cho rõ. Có thể là cuộc sống hôm nay vận động nhanh hơn trước đây đã làm phát sinh nhiều việc, không kịp giải quyết nên dồn ứ lại. Mà cũng có thể là do cá nhân, tổ chức có trách nhiệm giải quyết, xử lý nhưng lại thiếu quan tâm nên các sự việc tồn đọng mãi thành ra nhiều lên.

- Tôi nhớ...

- Nhớ ra chuyện gì?

- Là trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa trước về xây dựng Đảng đã yêu cầu thực hiện nghị quyết phải gắn với giải quyết những vấn đề, bức xúc, nổi cộm trong cuộc sống. Trong Chỉ thị số 03 về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cũng yêu cầu như vậy. Mà rồi...

- Những việc, những chuyện bức xúc, nổi cộm trong dân vơi đi không đáng kể, có phải ý ông là vậy?

- Thì không đúng vậy sao?

- Đúng mà! Vậy theo ông nguyên nhân do đâu?

- Tôi nghĩ là nghị quyết yêu cầu vậy, nhưng khi đi vào giải quyết các sự việc cụ thể thì lại do các địa phương, đơn vị, cơ quan, ban, ngành giải quyết xử lý.

- Có nghĩa là đã phân cấp, phân quyền rồi thì phải để người ta thể hiện trách nhiệm chứ gì?

- Vì can thiệp sâu quá thì người ta lại bảo là làm thay hay là “lấn sân”, “đá lộn sân”...

- Ông nói vậy có phần đúng, có phần không!

- Tại sao?

- Đúng là không nên can thiệp sâu vào công việc chuyên môn, nhưng không có nghĩa là phó mặc tất cả. Hơn nữa, lãnh đạo ở địa phương, cơ quan, đơn vị, bộ ngành đều là đảng viên và nơi nào cũng đều có cấp ủy. Lẽ ra, khi triển khai công việc họ phải biết lồng ghép vào chứ.

- Đã đành là vậy, nhưng không ít người nghĩ giải quyết những sự vụ cụ thể là của cơ quan chủ quản chứ không phải trách nhiệm của cấp ủy. 

- Không can thiệp sâu, không nhúng tay vào việc chuyên môn nhưng thấy công việc không suôn sẻ, không trôi chảy, việc cũ, việc mới cứ dồn lại với nhau khiến dân tình kêu ca, phàn nàn thì cấp ủy phải vào cuộc, phải chỉ đạo giải quyết, xử lý cho thấu đáo. Và phải kiểm tra, giám sát, đôn đốc cho đến khi nào giải quyết xong mới thôi. Đó chính là việc của cấp ủy đừng nên bao biện để né tránh trách nhiệm.

- Ừ, Nghị quyết T.Ư 4 và Chỉ thị số 05 lần này cũng yêu cầu việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị phải gắn với giải quyết những vấn đề bức xúc trong dân. Nếu không thay đổi lối nghĩ đi thì e là lặp lại như cũ thôi!

Phúc Vinh


 

TIN LIÊN QUAN