Tháng 12/2009, Chủ tịch Thành phố Hà Nội chỉ đạo: Không đi chúc Tết, tặng hoa lãnh đạo trong dịp Tết. Tháng 12/2010, thông điệp này được lặp lại, tô đậm thêm bằng từ “nghiêm cấm”.
Tháng 12/2012, thường trực Ban Bí thư ký chỉ thị 12 có nội dung “nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên” trong dịp Xuân Quý Tỵ. Những lệnh cấm tương tự xuất hiện ở nhiều ngành, nhiều địa phương trong cả nước.
Thời gian đó, trên phố Hà Trung, con phố chuyên đổi ngoại tệ của Hà Nội, các lãnh đạo Ban quản lý các dự án đường sắt “lầm lũi” đi về nhiều bận mỗi dịp Tết đến Xuân về, đổi từ Yên Nhật sang tiền Việt Nam để tiêu. Tổng số tiền họ nhận từ các đối tác Nhật Bản lên tới 11 tỷ đồng.
Tôi nhắc lại những lệnh cấm chúc Tết ở giai đoạn 2009 và vụ tham nhũng ở Ban quản lý các dự án đường sắt Việt Nam là bởi nó đã được khai ra ở tòa. Và bởi vụ án ấy, mặc dù là án kinh tế chứ không phải chạy chức chạy quyền hay “ngoại giao” thông thường, nhưng đối tác Nhật cũng chọn dịp Tết cổ truyền của nước ta để đưa tiền. Tết năm nào cũng đưa tiền và chi tiền. Giải ngân số tiền ấy, theo các đối tượng, cũng lại chi cho việc... đi Tết.
Người Nhật đã không đón Tết âm lịch từ khá lâu rồi. Họ không hổ danh là những người chu đáo và tỉ mỉ, ngay cả trong việc tìm hiểu "tập quán quan chức Việt". Họ hiểu, Tết ở Việt Nam là một dịp thích hợp cho việc gì.
Đó chỉ là một ví dụ có thể nhìn thấy được, một vụ án đã xử rồi, về những gì diễn ra đằng sau những lệnh cấm chúc Tết. Tất nhiên, phố Hà Trung dịp Tết không chỉ sống bằng việc đổi Yên Nhật, và có thể còn rất nhiều những lần “đi Tết” bằng ngoại tệ khác chưa bị lộ.
Chỉ là một ví dụ, bởi vì không thể lần giở lại được hết lịch sử nền hành chính để biết rằng đã có bao nhiêu chỉ đạo về việc không đi Tết lãnh đạo; cũng như là lần đầu tiên các cấp đề cập tới vấn đề đó từ bao giờ.
Chỉ là một ví dụ, vì các đối tác nước ngoài không phải là chủ thể chính của các cuộc “chúc Tết” được nghiêm cấm. Mỗi dịp Tết đến, những con phố nhỏ đi ngang qua nhà nhiều vị lãnh đạo lại có nguy cơ tắc cứng. Nói như Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng, thì thậm chí là những người tới chúc Tết lãnh đạo còn phải băn khoăn “đến thì xếp hàng đến bao giờ”.
Đến thì xếp hàng không biết tới lúc nào. Hàng xóm của một vị quan nhỏ, cũng có thể hiểu được điều này. Những chiếc xe không biết giấu mình đành đỗ chật phố, những ấm chè được pha mới liên miên, và những cuộc “chúc Tết”, ở sự tận cùng vô lý, lại phải diễn ra thật chóng vánh, và... trước Tết, để đáp ứng đặc thù thời đại.
Năm nay, chính phủ lại một lần nữa chỉ đạo các địa phương không về Hà Nội chúc Tết lãnh đạo. Đó là một chỉ đạo không mới, nhưng vẫn một lần nữa cần được đưa ra.
Những cuộc đưa và nhận hối lộ, hay là văn hóa quà biếu nói chung, không liên quan gì đến ngày Tết. Nhưng sinh ra một dịp mà mọi người có thể công khai đến nhà, thậm chí công khai đến văn phòng nhau, mang theo quà biếu trên tay, thì nó trở thành một cái cớ tốt cho những cái bắt tay hứa hẹn.
Bản thân việc các cấp năm nào cũng phải đưa chỉ đạo “cấm chúc Tết lãnh đạo” đã hiệu quả hơn bất kỳ một cuộc thống kê nào về văn hóa quà biếu.
Chỉ đạo của chính phủ vẫn cần thiết. Ít nhất là ở việc nó tiếp tục tô đậm thực tế và thể hiện quyết tâm đấu tranh chứ không để cái sự việc tưởng như đã hiển nhiên ấy trở thành "lễ nghĩa" mặc định.
Và tất nhiên là có một chỉ đạo của chính phủ thì các lãnh đạo địa phương cũng phải đắn đo khi quyết định về thủ đô chúc Tết? Nó có thể cho đường dây nóng của Cục chống tham nhũng thêm lý do để đổ chuông.
Nhưng việc cấm chúc Tết sẽ chỉ đánh tới phần ngọn của vấn đề. Gốc rễ, vẫn là những cơ chế chống tham nhũng đang được triển khai nhưng chưa hiệu quả. Công cuộc giám sát không thể và không nên được thực hiện ở cửa nhà các lãnh đạo. Những chỉ đạo “cấm chúc Tết”, được đưa ra để người ta nhớ rằng đằng sau “chúc Tết” thật ra là nỗi lo lắng khôn cùng về một hệ thống chưa được minh bạch và cơ chế giám sát còn chưa hoàn thiện.
Không biết tôi có mộng mơ không khi mong đến một ngày, thay vì cấm, chúng ta sẽ tự hào giới thiệu với người Nhật rằng chúng tôi đã có thể mở toang cửa đón khách.
Theo VNE