NAO - Chỉ còn mấy ngày nữa là đến Tết Mậu Tý. Chúng tôi đi dọc đường Hồ Chí Minh nhánh tây, từ Khe Sanh, Lao Bảo - Hướng Hóa (Quảng Trị) ra Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình), qua Hương Khê, Hương Sơn (Hà Tĩnh)... đến Nghĩa Đàn (Nghệ An) rồi ngược lên Quế Phong, vào Nậm Giải - nơi cơn lũ quét kinh hoàng hồi đầu tháng 10-2007 vẫn còn để lại dấu vết...

Bí thư huyện ủy huyện Hướng Hóa Hồ Tấn Nhạc vừa dự cuộc gặp mặt đầu xuân với các nhà báo Trung ương, địa phương do huyện tổ chức về, hồ hởi: “Hiện nay, hồ sơ đề nghị danh hiệu Đơn vị anh hùng thời kỳ đổi mới của huyện đã hoàn tất. Dự án Khu kinh tế - quốc phòng Khe Sanh và dự án Khu kinh tế đặc biệt Lao Bảo đã phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH, củng cố QP-AN địa phương… Thời gian vừa qua, phối hợp với bộ đội biên phòng, chúng tôi đã tăng cường các sỹ quan biên phòng cho các xã giữ chức phó bí thư thường trực để nâng cao hơn nữa sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của đảng bộ, tổ chức đảng ở cơ sở”.

Bốn mươi năm trước, trên chính mảnh đất này, chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh đã được khai mở, nhằm mục đích chiến lược của ta là kéo lực lượng chủ lực Mỹ - nguỵ ra hướng Tây Quảng Trị, tạo điều kiện thuận lợi cho nông thôn, đồng bằng, thành phố tiến hành tổng tiến công, tổng khởi nghĩa mùa xuân Mậu Thân -1968…Trận thắng Làng Vây đã ghi vào lịch sử - theo Thiếu tướng Trần Văn Ân, nguyên Phó Chính ủy sư đoàn 325C - có giá trị chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Đặc biệt, tiếng súng trận làng Vây đã góp phần tạo thế, tạo lực cho bộ đội và nhân dân đồng bằng, đô thị chiến trường Trị Thiên – Huế anh dũng tiến công và nổi dậy thắng lợi.

761987_small_41753.jpgLực lượng TNTN Bộ CHQS tỉnh vào Nậm Giải giúp bà con khắc phục hậu quả lũ quét.

Chúng tôi dừng lại bên tượng đài chiến thắng trên cao điểm làng Vây. Một màu đất đỏ tươi nồng ấm. In đậm lên nền trời là hình chiếc xe tăng. Xa xa, những cánh rừng xanh thẫm, những đồi cà phê, cao su mướt mắt… Hai bên đường hoa lau trắng bạt ngàn, phất phơ trong gió lạnh cuối đông, báo hiệu mùa xuân về nơi đại ngàn Trường Sơn. Bà con Vân Kiều, Pa Cô cần mẫn mang những chiếc gùi nặng củi, sắn vượt qua con dốc cao nối nhau về bản xa… Vượt qua đèo Sa Mù, bất ngờ có tiếng gà rừng gáy giữa trưa trên đỉnh Trường Sơn, trong sương mù dày đặc và gió ngàn xao xác. Mặt đường ẩm ướt, rêu xanh, trơn tuột. Anh Huân, từng lái xe kéo pháo trong quân đội, cầm chắc vô-lăng cho xe bò từng mét… Dưới chân Sa Mù, doanh trại Đội sản xuất 8 thuộc Đoàn kinh tế-quốc phòng B37 (QK4) ẩn hiện trong sương mù. Người già kể lại: Ngày xưa đây là một bản làng sầm uất của đồng bào Vân Kiều, dấu vết còn lại là những gốc mít to, nương rẫy trên núi vẫn còn. Nhưng rồi một trận dịch sốt rét kinh hoàng đã làm mất đi hai phần ba dân bản, bà con cho rằng đấy là nơi “nước độc”, Giàng không cho ở, đã bỏ đi hết… Chỉ có bộ đội B37 là hành quân đến xây dựng doanh trại, bám trụ giữa Trường Sơn làm nhiệm vụ… Đội sản xuất có năm người, cả năm đều bị sốt rét quật ngã, vậy nhưng không ai rời vị trí…  
 
Mùa xuân đến rất gần, đó là điều chúng tôi cảm nhận được khi gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng Cù Bai, ngay trên đường Hồ Chí Minh, đang đưa những cành đào rừng về bản cùng bà con đón tết. Cán bộ, chiến sỹ biên phòng Cù Bai vẫn bám trụ nơi đây, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con dân bản; xây dựng và gìn giữ một biên giới hòa bình, hữu nghị với bạn Lào… Dòng Sê-Băng-Hiêng uốn lượn quanh núi rừng, cuộc sống đã hồi sinh trên mảnh đất đã từng là trọng điểm đánh phá của không quân Mỹ, tuy còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng đồng bào vẫn một lòng tin Đảng, tin cách mạng.

Bộ đội giao lưu với bà con Nậm Giải.

Chúng tôi tiếp tục tiến sâu vào đại ngàn Trường Sơn. Cơn mưa lũ tháng trước làm sạt lở ở hàng chục điểm trên tuyến đường, song đã được khắc phục gần hết. Chỉ còn lại một điểm cách khe Gát (Quảng Bình) 165 km về phía Nam là còn bề bộn: hàng chục ngàn mét khối đất đá đổ ập xuống, cắt đứt tuyến đường độc đạo. Hai máy xúc, ba máy ủi và hàng chục công nhân hạt quản lý đường bộ dường như không hề biết tết đang đến gần, miệt mài bạt ta -luy, sửa đường. Chiếc xe địa hình của chúng tôi dù đã gài hai cầu, vẫn không thể tự mình bò lên được, phải nhờ sự giúp sức của chiếc máy ủi 175 mã lực...

Đến Tuyên Hóa (Quảng Bình), nơi bị thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão, lũ vừa qua, chúng tôi được chứng kiến sự nỗ lực vượt bậc của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và LLVT địa phương khắc phục hậu quả thiên tai. Xã Châu Hóa nằm bên kia sông Nguồn Trổ, bị chia cắt như một ốc đảo biệt lập. Đồng chí Chủ tịch UBND xã Châu Hóa cho chúng tôi biết, cho đến thời điểm 1/2008, tổng số gạo cứu trợ cho xã là 188 tấn, tiền mặt 117 triệu đồng và nhiều hàng hóa nhu yếu phẩm khác. Xã đã có phương án trợ giúp 150 hộ nghèo có nguy cơ đứt bữa từ nay cho đến sau tết nguyên đán . Đảng ủy xã ra nghị quyết chuyên đề về việc trồng ngô vụ đông và rau chống đói với diện tích hơn 40ha. Trên những cánh đồng xã Châu Hóa, chúng tôi đã nhận thấy màu xanh của mạ, của lúa non trải khắp. Vụ mùa mới sẽ bội thu, bà con tin như vậy!

Đường Hồ Chí Minh dẫn chúng tôi vượt qua Hương Khê, Hương Sơn (Hà Tĩnh), dấu tích trận ngập lụt nặng trong nhiều ngày đầu tháng 8/2007 còn lại chỉ là vệt nước ngang tường nhà mờ nhạt, và những gốc cây to bị lũ bật lên xói lở, bên đường. Bên bờ sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, bãi ngô xanh rì và cánh đồng mượt mà trải khắp. Thôn xóm bình yên… Chúng tôi lại bám theo đường Hồ Chí Minh ra đến Nghĩa Đàn (Nghệ An), ngược lên Quế Phong, vào Nậm Giải…

Trận lũ quét kinh hoàng hồi đầu tháng 10/2007 đã làm Nậm Giải ngập chìm trong tang tóc, đau thương, đổ nát. 100 ngày đã qua, tuy vẫn còn rất nhiều khó khăn, song cuộc sống của người dân đã dần đi vào ổn định. Ngày 25/1, những phần quà chúc Tết của chính quyền, Hội chữ thập đỏ; hàng trăm tấn gạo cứu trợ tiếp tục được chuyển đến Nậm Giải. Ngày 26/1, 500 đoàn viên thanh niên tình nguyện đã bắt đầu hành quân vào bản Méo, bản Pục giúp nhân dân vượt qua cơn bĩ cực này. Chúng tôi chứng kiến những giọt nước mắt xúc động của bà con dân bản trong buổi lễ tặng quà Tết cho những gia đình có người mất trong trận lũ quét. Mỗi phần quà gồm 30kg gạo, bánh, kẹo trị giá 100.000 đồng và 1.000.000 đồng của Hội CTĐ. Đường vào bản Pục, bản Méo đang được hạ độ dốc để xe ô tô có thể cơ động vào tận nơi xa nhất. Trên con đường mới mở, những em nhỏ hồn nhiên chơi đùa. Nơi cơn lũ đi qua, lòng suối đã trở thành bình địa, một lớp cát dày 2 - 5m đã phủ kín ruộng đồng. Lực lượng thanh niên xung kích của Bộ CHQS Nghệ An, các đơn vị chủ lực QK4 đóng quân trên địa bàn và các địa phương, sau buổi lễ xuất quân, nhanh chóng tỏa đến các bản làng xa nhất của Nậm Giải, họ xúc cát, dọn cây đổ để trả lại đất đai canh tác. Dựng lại mái nhà liêu cho mẹ, bắc thêm chiếc cầu nhỏ qua suối, nắn lại con đường thôn bản cho các em nhỏ đến trường… Màu xanh quân phục, màu xanh tình nguyện hòa cùng sắc xuân núi rừng đang ươm một mùa xuân mới…

Đi dọc đường Hồ Chí Minh, con đường giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, con đường kỳ tích và huyền thoại. Một mùa Xuân mới đang về!


Bài: Trần Hoài; ảnh: Hoàng Hảo