Tết Việt ra sao trong mắt bạn? Và đây là câu trả lời của những người bạn nước ngoài bằng những tấm ảnh họ chụp được. Gắn với mỗi tấm ảnh là một kỷ niệm, một cảm nhận, một hoài niệm.

Tết ngày ấy

Những năm 1980-1982 là thời điểm khó khăn ở VN. Hầu hết mọi người đều nghèo, phải nhọc công tìm kiếm cái ăn mỗi ngày. Các gia đình phải tiết kiệm tiền cả năm để đến mấy ngày tết trong nhà có cành đào, chiếc áo mới, ít bánh trái và rượu. Lúc đó tôi chưa được phép nói chuyện với người Việt thoải mái như bây giờ, chụp ảnh cũng phải chụp từ đằng xa, những tấm ảnh màu hồi đó là xa xỉ.

761999_small_41783.jpg

Những tấm ảnh này chụp vào những ngày cận Tết Tân Dậu 1981 ở Hà Nội. Mọi người phải xếp hàng ở cửa hàng bách hóa mua một ít hàng tết bằng tem phiếu, mua một câu đối hay những tranh vẽ vui tươi để treo trong nhà “lấy hên” cho năm mới. Tôi thích nhất câu đối ngày ấy: “Non nước mừng Xuân ngày đổi mới. Nhà ta đón Tết mọi người vui”. Nét vất vả trên khuôn mặt mỗi người đều chuyển thành vui vẻ khi mua xong hàng, đặc biệt là những ngày đón tết.

Bây giờ mọi thứ đã khác. Người Việt đã ăn ngon mặc đẹp thay vì ăn no mặc ấm như ngày trước. Mỗi lần tôi mang những tấm ảnh màu này đi triển lãm hay cho bạn bè xem, mọi người đều rất thích thú, nhớ về kỷ niệm một thời. Tôi đã có 15 lần ăn tết tại VN, năm lần ở miền Bắc và mười lần ở miền Nam. Tết mỗi năm một khác. Nhưng có một điều không hề thay đổi bao năm qua: dù khó khăn thế nào, vào ngày tết, trên khuôn mặt mỗi người đều có nụ cười vui tươi.
Eva Lindskog (Thụy Điển, nhà xã hội học)

Ước mơ đầu năm

Sáng mồng một Tết Giáp Thân 2004, ở quảng trường chính của Sa Pa, hai em bé Mông vừa đi lễ nhà thờ xong liền chạy đến bên cây đào. Các em gắn những mẩu giấy màu lên cành đào, cẩn thận từng tí một. Hỏi ra mới biết gắn một mẩu giấy là các em đặt một ước mơ đầu năm vào đó.

Tôi cũng gắn một mẩu giấy màu lên cây và gửi vào đó một ước mơ. Tôi không biết các em ước mơ điều gì, còn tôi ước các em sẽ có tương lai tươi sáng.
Nick Gray (Anh, giáo viên tiếng Anh)

Chiều 30

Chiều 30 tết, một mình tôi lang thang trong một con hẻm ở Sài Gòn. Không gian lúc này thật lắng, có lẽ mọi người đang chờ đến giây phút giao thừa. Ở một số nhà, tôi thấy họ bày bàn ra cúng cuối năm. Thật ấm cúng và thiêng liêng. Mâm cúng chiều 30 tết làm bất cứ kẻ tha phương nào như tôi cũng phải xao lòng.

Tết ở Việt Nam thật đặc biệt với khoảnh khắc giao thừa. Chỉ trải qua một cái tết, nét đẹp văn hóa Việt Nam đã quyến luyến tôi khi rời xa.
Norikazu Shimpo (Nhật, kỹ sư công nghệ thông tin)

Ðỏ và vàng

Tấm ảnh này tôi chụp trên phố Hàng Mã (Hà Nội) trong một buổi chiều trước Tết Đinh Hợi 2007. Một người mẹ đang ăn vội bát phở buổi trưa nhân lúc cửa hàng vắng khách, vì cả ngày không lúc nào ngơi nghỉ với dòng người đi sắm tết. Xung quanh người phụ nữ ấy tràn ngập màu đỏ và vàng của những đồ dùng trang trí ngày tết.

Không khí, con người Việt Nam trong những ngày trước tết thật chộn rộn. Để rồi đến ngày đầu năm mới, mọi thứ trở nên tinh tươm, sạch sẽ và thanh bình.
Peter Garnhum (Canada, giáo viên Anh văn)

Hướng thiện

Mồng một tết là ngày rất quan trọng vì mọi người cho rằng bất cứ điều gì xảy ra trong ngày này đều ảnh hưởng đến cả năm. Sáng mồng một, rất nhiều gia đình đi chùa, thắp những nén hương, thành kính cầu nguyện. Như người phụ nữ trong ảnh này ở Đồ Sơn (Hải Phòng), chị cho biết không cầu mong tiền tài hay vật chất, mà chỉ mong sức khỏe tốt, hạnh phúc và ấm no đến với gia đình.


Đón tết ở Việt Nam, gặp những người khác, những nét văn hóa khác, những suy nghĩ khác, song tôi rất tôn trọng nền văn hóa ấy. Bởi với tất cả mọi người Việt, tết là dịp để làm những điều thiện và hướng đến những điều thiện cho cả năm.
Pieter Janssen (Hà Lan, nhiếp ảnh gia)

Ở đường hoa

Ở đại lộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) vào dịp tết, người ta gọi là đường hoa. Ở đâu cũng có hoa và nụ cười. Tôi rất thích thú khi thấy các cô gái Việt Nam mặc áo dài và đội khăn đóng xuất hiện trong khung cảnh ngập tràn tươi vui này.

Phát hiện thú vị nhất của tôi với tết ở VN là sự khác biệt trong cách đón tết giữa hai miền Nam - Bắc, thế nhưng ở đâu cũng háo hức, đầy hoa và con người đều rất thân thiện. Với tôi, tết đã là một từ thân quen, không cần dịch nghĩa.
Daniel Noll (Mỹ, nhiếp ảnh gia)

Bữa tiệc giao thừa

Giao thừa Tết Bính Tuất 2006, tôi hòa vào dòng người đi đón giao thừa ở trung tâm TP.HCM. Đây là cái tết đầu tiên của tôi ở VN. Một diễn viên hát bội trong trang phục truyền thống bất ngờ xuất hiện giữa đoàn người đông kín, tựa như một bức tượng trở nên sống động và đi lại trên đường phố, vẫy tay chào, xung quanh là hàng nghìn người đang vô cùng hạnh phúc. Đó là một bữa tiệc giao thừa lớn nhất mà tôi từng thấy.

Tôi chắc rằng sẽ không bao giờ quên và sẽ tham dự bữa tiệc này một lần nữa. Tôi ở đây và sẵn sàng cho năm mới Mậu Tý 2008.
Francois Oliver (Pháp, họa sĩ)


Theo Tuổi trẻ