(Baonghean) - Đồng phục học sinh tạo nên nét đẹp riêng, phong cách và sắc thái riêng cho mỗi nhà trường. Tuy nhiên, hiện nay, không ít người hiểu về đồng phục học sinh còn lệch lạc, làm mất đi vẻ đẹp trong sáng, tinh tế của bộ đồng phục…

Đồng phục học sinh là nét đẹp truyền thống của mỗi mái trường không chỉ ở Việt Nam, mà ở hầu khắp các quốc gia. Nó mang ý nghĩa, giá trị văn hóa vượt lên việc chỉ là vẻ đẹp bên ngoài. Đồng phục học sinh khẳng định: Các học sinh đều bình đẳng, dù mỗi em được sinh ra trong điều kiện gia đình giàu hay nghèo, là dân tộc, tôn giáo nào, nhưng ở trường học các em đều là HỌC SINH.

Đẹp hay xấu ở học đường chỉ được phân biệt bởi sự ít, nhiều của tri thức và hành vi ứng xử mà thôi. Ý nghĩa này giúp các học sinh tránh được sự tự ti với bạn bè, để hoà đồng và vươn lên. Đồng phục học sinh còn là vẻ đẹp của sự đồng nhất và tinh thần đoàn kết, đồng đội, tinh thần kỷ luật, cùng chí hướng… Cái hay, cái đẹp trong việc học sinh mặc đồng phục nhìn từ quan điểm giáo dục và góc độ xã hội học còn là: tạo ra một bầu không khí học tập thi đua tốt, giúp gia đình học sinh giảm chi tiêu tài chính, chuẩn bị cho các em bước vào cuộc sống với đức tính tuân thủ kỷ luật. Đồng phục học sinh còn rất cần thiết đối với một môi trường sư phạm tiêu chuẩn. Vẻ đẹp, sự đồng nhất của bộ đồng phục còn giúp nhà trường gây dựng hình ảnh truyền thống mẫu mực để học sinh ghi nhớ và tự hào.

800673_small_102787.jpg

Học sinh xã Châu Hạnh (Quỳ Châu) tới trường. Ảnh: T.P - T.H

Về lịch sử ra đời của đồng phục học sinh ở Việt Nam hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng, ngay từ khi Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên ở nước ta ra đời vào năm 1076, đồng phục học sinh đã được quy định; ý kiến khác lại gắn liền với sự hình thành của tà áo dài, xuất hiện dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765). Song thuyết phục hơn cả vẫn là giả thuyết: Đồng phục học sinh ra đời khi ở nước ta xuất hiện các trường học chữ Quốc ngữ. Trường Gia Long (ngôi trường lâu đời thứ hai ở Sài Gòn, được xây dựng từ năm 1913) đã chọn áo dài tím làm đồng phục nữ sinh. Ở kinh đô Huế, năm 1917 Trường Đồng Khánh ra đời và chọn màu áo tím là đồng phục cho nữ sinh nên trường được gọi là “Trường áo tím”. Và từ đó, hình ảnh đồng phục học sinh đã đi vào thơ ca...

Ở Nghệ An, đồng phục học sinh xuất hiện muộn hơn, phải đến những năm 1995-1996, mới chỉ có một vài trường bắt đầu triển khai quy định đồng phục cho học sinh. Trường Tiểu học Lê Lợi (TP Vinh) là một trong số đó. Trường này quy định: Mỗi tuần học sinh mặc đồng phục vào thứ 2 và thứ 6. Vào lớp 1, nhà trường, Hội Phụ huynh thống nhất mẫu mã, lựa chọn chất liệu vải và đặt may. Mỗi học sinh 1 bộ mùa hè và 1 bộ mùa đông dùng cho cả 5 năm học. Nếu phụ huynh, học sinh nào có nhu cầu may thêm, may thay thế đồ cũ, rách, chật thì trên cơ sở mẫu mã chung của trường, tự đặt may.

Trường THCS Quang Trung (TP Vinh) - ngôi trường đã duy trì nề nếp đồng phục hơn chục năm nay, thầy Nguyễn Đức Vượng, Hiệu trưởng nhà trường tự hào: “Đồng phục tạo nên bản sắc riêng của mỗi trường. Mỗi học sinh khi khoác lên mình bộ đồng phục sẽ thấy tự hào về ngôi trường mình đang học; thấy mình phải có trách nhiệm “làm đẹp” thêm cho bộ đồng phục bằng những hành động đẹp, cử chỉ hay, việc làm tốt. Duy trì mặc đồng phục là duy trì nề nếp nhà trường…” Vào lớp 6, mỗi học sinh may 1 bộ mùa hè, 1 áo khoác mùa đông theo kiểu dáng, mẫu mã đã thống nhất toàn trường và có lô-gô riêng. Còn sau đó, tùy theo nhu cầu, học sinh, phụ huynh tự đặt hàng để mặc cho những năm học sau… 

Chia sẻ về việc mặc đồng phục khi đến trường, em Vũ Thị Ánh Ngọc, học sinh lớp 8, Trường THCS Quang Trung cho biết: “Khi mặc đồng phục của trường, em ý thức rõ rằng, mọi việc làm, hành động của mình đều ảnh hưởng tốt/xấu đến trường. Trước đây, nhiều bạn thường hay ăn quà vặt trước cổng trường, nhờ áo đồng phục mà đội cờ đỏ phát hiện ra đó là học sinh của trường mình để kịp thời nhắc nhở, răn đe, từ đó giảm hẳn. Hoặc việc tham gia giao thông, khi mặc đồng phục trường sẽ hạn chế được hiện tượng dàn hàng ngang, gây mất trật tự…”.

Ở Trường THPT Nguyễn Đức Mậu (Quỳnh Lưu), quy định học sinh mặc đồng phục cũng được triển khai từ nhiều năm nay. Đồng phục học sinh được nhà trường quy định mặc tất cả các ngày trong tuần và trở thành nội quy học sinh. Nhà trường có đội cờ đỏ trực ở cổng trường, nếu em nào không mặc đồng phục thì không được vào trường.

Lý giải về điều này, Ban Giám hiệu nhà trường cho hay: Trường đứng chân trên địa bàn vùng biển, vùng giáo, tình hình an ninh trật tự có nhiều vấn đề phức tạp. Việc duy trì học sinh mặc đồng phục giúp nhà trường dễ dàng quản lý học sinh, tránh các đối tượng xấu ngoài nhà trường trà trộn vào gây rối, quậy phá. Đồng phục tạo nên sự bình đẳng, thân thiện giữa các học sinh; tạo môi trường sư phạm nề nếp hơn. Mỗi học sinh khi vào lớp 10 đóng khoảng 300.000 đồng để may đồng phục, lên lớp 11 may bổ sung một áo sơ mi. Tất cả các khâu từ chọn mẫu mã, kiểu dáng, chất liệu vải, đặt may, giá cả đều do hội phụ huynh đảm nhận…



Đồng phục của học sinh Trường Tiểu học Nghi Phú 1, TP. Vinh.

Ở huyện miền núi Quỳ Châu, hiện tại, khoảng 80% số trường trên địa bàn có đồng phục học sinh. Song có nhiều trường chỉ mặc đồng phục 2 ngày trong tuần, vì do điều kiện kinh tế khó khăn nên mỗi học sinh chỉ đóng góp để may được 1 bộ đồng phục. Dù không bắt buộc nhưng với ý nghĩa của việc mặc đồng phục, Phòng khuyến khích các nhà trường phổ biến việc học sinh mặc đồng phục khi đến trường. Các trường còn quy định học sinh mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình vào sáng thứ 2 đầu tuần nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa riêng.

Rõ ràng, mỗi trường, mỗi địa phương đang có những cách thực hiện cho học sinh mặc đồng phục khác nhau. Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Việc mặc đồng phục của học sinh căn cứ vào Thông tư 26 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trên cơ sở đó, sở có công văn hướng dẫn các phòng giáo dục triển khai. Việc mặc đồng phục hiện nay chưa có văn bản nào quy định bắt buộc, tuy nhiên cần khuyến khích, nhân rộng vì nó tạo nên bản sắc văn hóa, truyền thống của mỗi nhà trường; tạo nên nề nếp sư phạm và môi trường giáo dục thân thiện, kỷ cương”...

Tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa của bộ đồng phục, nên việc thực hiện mặc đồng phục trong nhà trường cũng nảy sinh ra những phiền toái, làm cho nhiều phụ huynh phân tâm, lo lắng. Cụ thể, có trường mỗi năm thay đổi mẫu mã, sắc màu một lần; mỗi năm một kiểu cách, thậm chí mỗi lớp một ký hiệu riêng; việc mua, may đồng phục bằng chất liệu kém, giá cả không phù hợp… đã tạo nên gánh nặng về tài chính, gây tốn kém lãng phí, làm mất ý nghĩa vẻ đẹp của bộ đồng phục, và nguy hiểm nhất là sự hoài nghi về môi trường sư phạm.

Bằng chứng là năm 2004, một số trường tiểu học ở Thành phố Vinh, huyện Kỳ Sơn và Thị xã Cửa Lò đã xảy ra tình trạng chất lượng quần áo không đảm bảo, giá cả không phù hợp với giá cả của thị trường. Sau khi dư luận và báo chí lên tiếng, tháng 1 năm 2005, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã ban hành 2 công văn yêu cầu phòng giáo dục các huyện, thành thị kiểm tra, chấn chỉnh...

Bước vào năm học 2013 - 2014, tìm hiểu câu chuyện về đồng phục học sinh, những khúc mắc liên quan đến đồng phục học sinh vẫn đang tồn tại. Anh Trần Văn Hải, phường Hưng Phúc, T.P Vinh bức xúc: “Cháu nhà tôi năm nay vào lớp 1. Thấy trường báo gia đình nạp 400 nghìn đồng để mua bộ sách giáo khoa, nộp 300 nghìn đồng để mua đồng phục. Tôi tìm hiểu bên ngoài thì thấy giá bộ sách chỉ 190 nghìn đồng, đồng phục kiểu loại, chất liệu như vậy có 150 nghìn đồng. Không biết có phải nhà trường đang kinh doanh sách giáo khoa và đồng phục học sinh hay không?!”…

Chị Hồ Thị Nhung, bán cá tại chợ Quán Bàu thì than vãn: “Cháu năm nay không phát triển hơn năm ngoái là bao, đồng phục cũ còn mặc được. Nhưng nghe nói nhà trường đang rục rịch thay đồng phục mới. Nào sách, nào vở… Tiền đâu mà lo cho xuể…?”. Chị Nguyễn Thị Phương, phường Hà Huy Tập thắc mắc: “Tôi rất đồng ý với quy định mặc đồng phục đến trường. Nhưng nhà trường cần thống nhất một mẫu mã ổn định, chất liệu phù hợp với học trò (cần thấm mồ hôi), kiểu dáng cũng cần phải theo xu thế đơn giản, đẹp, gọn…”.

Phải làm sao để bộ đồng phục được các học sinh đón nhận với niềm hân hoan, trìu mến và cảm thấy hãnh diện, tự hào khi khoác lên mình bộ đồng phục học sinh. Một số học sinh đã không ngại ngần thổ lộ: “Đồng phục chưa đẹp, hầu hết là rộng lùng thùng, chất vải thì mặc được mấy hôm là quăn tít lại, nên mặc là để đối phó đội cờ đỏ, nhà trường quy định thì phải mặc thôi...”

 Ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, các trường học luôn chú ý việc lựa chọn đồng phục. Họ thuê những nhà thiết kế uy tín tạo ra những bộ đồng phục chất lượng cao, hợp thẩm mỹ và thời trang tuổi học trò. Học sinh luôn yêu quý và gắn bó với bộ đồng phục của mình… Rõ ràng đã và đang xuất hiện tình trạng học sinh “khó chịu” với bộ đồng phục của mình. Việc nhà trường quy định học sinh mặc đồng phục cũng là để tăng sự thân thiết giữa các em, tăng sự thân thiện trong môi trường sư phạm. Tuy nhiên, nếu đồng phục không phù hợp với thẩm mỹ, giới tính, lứa tuổi của học sinh và bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc điểm vùng miền, không phù hợp với điều kiện thời tiết, thuận tiện cho việc học tập, sinh hoạt ở trường và tham gia các hoạt động khác… lại là phản tác dụng.

Những bất cập xung quanh đồng phục học sinh sẽ không chỉ làm mất đi hình ảnh, ý nghĩa đẹp đẽ của đồng phục mà còn khiến môi trường sư phạm ít nhiều bị ảnh hưởng… Sẽ vẫn còn nhiều điều cần bàn xung quanh chuyện đồng  phục học sinh. Song thiết nghĩ, để chấm dứt những bất cập trên không khó: Trước hết cần nhất quán về nhận thức “vấn đề cốt lõi của học sinh là đến trường để học, tiếp thu kiến thức”.

Thứ đến, cần thực hiện nghiêm Thông tư 26 của Bộ Giáo dục – Đào tạo quy định về mặc đồng phục trong các trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như các phòng giáo dục cần thường xuyên kiểm tra điều này. Các trường cần tuyên truyền, phổ biến cho phụ huynh, học sinh nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của đồng phục. Những nơi có điều kiện thì có thể mặc nhiều ngày/tuần, những nơi khó khăn thì ít hơn. Trước khi quyết định mẫu mã, màu sắc, chất liệu đồng phục, các nhà trường nên tham khảo ý kiến của các nhà thiết kế, của phụ huynh và học sinh. Đồng phục phải đảm bảo nguyên tắc phổ biến, đại trà, nghiêm túc, nhất quán, phù hợp với tâm lý, sở thích, thẩm mỹ của lứa tuổi học sinh, an toàn, thuận lợi trong các hoạt động học tập, vui chơi...

Không gì đẹp hơn khi mỗi sáng được ngắm nhìn các em học sinh tung tăng đến trường với bộ đồng phục tinh khôi. Theo năm tháng, bộ đồng phục học sinh sẽ mãi là kỷ niệm không dễ nguôi quên của tuổi học trò…


Thanh Phúc – Thành Chung