(Baonghean) - Đền Thượng (xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia năm 1996. Kể từ đó đến nay, khu di tích được trùng tu và tôn tạo thành một địa điểm thu hút dân trong xã và nhiều du khách thập phương đến viếng thăm.
Đền Thượng làng Phú Nghĩa xây dựng vào niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 40 cuối thế kỷ 18. Ngôi đền uy nghi gồm 3 tòa nhà: nhà ca vũ, nhà thâu hương và hậu cung, được một ông thầy địa lý người Tàu chọn hướng đất xây dựng. Ông đứng trên đất Chân Giá nhìn về hướng tây thấy núi Long Lịch giống con rồng uốn lượn, đuôi ôm lấy cửa lạch Quèn, đầu vươn ra biển Đông; nhìn lên phía tây bắc thấy cánh rừng Chân Giá cây xanh tươi mơn mởn giống hệt chùm râu Rồng. Ông nghĩ đến xây dựng trên giải râu rồng đất này địa linh nhân kiệt. Do vậy bài văn chúc ước tế trong ngày lễ đầu xuân có câu: “Đền Thượng đẳng đà long man mác/ Đứng án tiền ngất ngất đỉnh kê quan.”
Đền Thượng có những cây to hai ba người ôm như cây trôi, cây xoài, cây bứa, cây thị, cây chỏi, cây đa, cây bời lời… khuất nẻo trong rừng cây Chân Giá. Lợi thế về địa điểm nên ngày 01 tháng 4 năm 1931, tổ chức cách mạng đã chọn Đền Thượng làm lễ kết nạp đảng viên và thành lập chi bộ đảng Phú Nghĩa, gồm các ông Hồ Hạnh, Tô Bốn, Hồ Thờng và Hồ Nông do ông Hồ Hạnh làm bí thư. Năm 1935, Đền Thượng được chọn làm nơi tổ chức họp thành lập lại Ban chấp hành huyện ủy Quỳnh Lưu, cử ông Phan Hữu Khiêm làm bí thư. Vào giữa năm 1945, cũng tại đây, Ban chấp hành Huyện ủy Quỳnh Lưu (do ông Nguyễn Hữu Mai làm bí thư) họp quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh chuẩn bị mọi điều kiện phát động nhân dân toàn huyện khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 16 tháng 8 năm 1945, nhân dân làng Phú Nghĩa đã đứng dậy đập tan bọn hào lý, giành chính quyền và thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời, gồm 11 vị (ông Hồ Hữu Lợi làm chủ tịch, ông Hồ Thờng làm phó chủ tịch). Đây là địa phương giành được chính quyền sớm nhất ở huyện Quỳnh Lưu.
Đền Thượng từ khi xây dựng đến nay đã được 4 lần phong sắc:
-Sắc phong của vua Tống năm 1032
-Sắc phong của vua Hiển Tông năm 1740
-Sắc phong của vua Minh Mạng năm 1840
-Sắc phong của Bộ Văn Hóa-Thông tin năm 1996 (Số 1460 ngày 28 tháng 6 năm 1996)
Và 4 lần được tu sửa, tôn tạo: Lần thứ nhất tu sửa vào năm Tự Đức thứ 17 (1865); lần thứ hai tu sửa vào năm Bảo Đại thứ 18 (1944); lần thứ ba tu sửa vào năm 1987 và lần thứ tư xây dựng lại nhà thâu hương, tường bao chung quanh bảo vệ đền. Tuy nhiên, qua 2 cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, ngôi đền cũ và những bức tượng xây dựng lâu đời đã bị hư hỏng, một số nhà được tháo dỡ làm hầm chiến đấu nên đồ tế khí, sắc phong mất mát hư hỏng gần hết.
Đến năm 1996, Đền Thượng được Nhà nước công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. Xã đã giao cho Hội người cao tuổi trông coi bảo vệ, tổ chức lễ tế hàng năm và cử bản từ trông coi đền, mở cửa ngày mồng một, ngày rằm hàng tháng cho bà con trong làng, ngoài xã lên đền dâng hương.
Lễ Cầu Yên hàng năm ở Đền Thượng được tổ chức vào ngày 11 ngày 12 tháng Giêng âm lịch và lễ Cầu Ngư ở bến thuyền đánh cá vào ngày 12 ngày 13 tháng Giêng âm lịch được thực hiện hàng chục năm nay. Lễ hội Trò lề (năm Mậu Tý 1948 là năm cuối cùng diễn ra) đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đồng ý tổ chức.
Lễ hội Đền Thượng 5 năm tổ chức một lần, nay Chính phủ quyết định các đình, đền, chùa được Nhà nước công nhận di tích lịch sử trong toàn quốc 10 năm tổ chức lễ hội một lần. Như vậy Đền Thượng sẽ tổ chức lễ hội vào năm 2015.
Đền Thượng và lễ hội đầu năm
Tú An