(Baonghean) - Về Phúc Thọ, một xã thuộc vùng Cửa Hội, chúng tôi được ông Trần Vân Nam (nguyên giảng viên Trường Đại học Vinh) dẫn đến tham quan đền Đông Hải và được ông giới thiệu về lịch sử của ngôi đền thiêng này. Theo lời ông, đền Đông Hải là nơi thờ Tiến sỹ Phạm Huy, sinh năm 1470, chưa rõ năm mất, 24 tuổi đậu Tam giáp Tiến sỹ khoa Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493), đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Công bộ Đô cấp sự trung, từng đi sứ nhà Minh. 
 
images1076888_img_1234.jpgĐền Đông Hải.
 
Tộc phả dòng họ Phạm ở làng Cổ Bái (thuộc xã Phúc Thọ) còn ghi lại một câu chuyện khá thú vị về Tiến sỹ Phạm Huy. Chuyện kể rằng, ngày xưa có 2 mẹ con từ Hưng Yên vào làng Cổ Bái hành khất. Họ vào xin ở một gia đình giàu có trong làng, chủ nhà thấy cậu bé khôi ngô tuấn tú, dáng vẻ thông minh liền ngỏ ý với bà mẹ cho cậu ở lại đây để được chăm nuôi, học hành chu đáo. Nhưng cậu bé không đành lòng khi nghĩ đến cảnh mình sống trong sung sướng, còn mẹ vẫn phải tiếp tục hành khất. Cảm phục trước tấm lòng hiếu thảo của Phạm Lồng, gia chủ đồng ý cho cả 2 mẹ con ở lại, và tên cậu được đổi thành Phạm Huy để gửi gắm niềm hy vọng sẽ làm nên một sự nghiệp huy hoàng. Phạm Huy được gửi sang nhà một thầy đồ làng bên (nay thuộc xã Nghi Xuân - Nghi Lộc) để theo đuổi việc học hành. Thông minh sẵn có, chẳng bao lâu Phạm Huy đuổi kịp và vượt lên các môn sinh cùng lớp. Đến khoa thi năm Qúy Sửu, Phạm Huy được ghi danh bảng vàng và làm lễ vinh quy bái tổ.  
 
Trong thời gian ra làm quan, Phạm Huy luôn thanh liêm, chính trực nên được nhân dân yêu mến, kính trọng. Khi hồi hưu, ông đưa gia đình về sinh sống ở làng Cổ Bái. Ông vận động, tổ chức bà con nhân dân tiếp tục khai khẩn đất hoang, mở rộng làng mạc, phát triển nghề đánh cá, cuộc sống ngày càng no đủ. Sau khi Phạm Huy mất, người dân làng Cổ Bái tôn ông làm Thành hoàng và lập đền thờ. Hiện tại, ở đền Đông Hải vẫn còn lưu giữ 7 sắc phong của triều Hậu Lê và triều Nguyễn, nội dung ca ngợi công lao, đức độ của Tiến sỹ Phạm Huy với nước và với dân. 
 
Đền Đông Hải còn phối thờ các vị anh hùng dân tộc, được lịch sử ghi danh, đó là Yết Kiêu và Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn - hai tùy tướng của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Hai vị tùy tướng này có tài bơi lặn, làm đắm nhiều chiến thuyền của quân xâm lược Nguyên- Mông, lập nên những chiến công lừng lẫy, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của triều đình nhà Trần. Theo lý giải của các bậc cao niên ở Phúc Thọ, vùng đất Đông Hải xưa người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề sông nước, biển cả, nên lập bài vị của để thờ và tôn vinh hai vị này là thủy tổ của nghề sông nước. Về sau, người dân Đông Hải còn thờ Nguyễn Ngọc (quan tu soạn thời Nguyễn), Nguyễn Hữu Chính (quan Toản tu sử quán thời Nguyễn, tham gia phong trào Cần Vương, tử trận năm 1887), Hoàng Phan Thái (người từng chiêu tập nghĩa binh kéo cờ khởi nghĩa chống phong kiến, đánh đuổi Pháp thời Nguyễn). Ngày ấy, trước mỗi chuyến đi biển, ngư dân Đông Hải thường dâng hương, hoa, lễ vật trước đền để cầu trời yên biển lặng, đánh bắt được nhiều cá tôm, cho cuộc sống ngày một no đủ. 
 
Trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, do nằm ở vị trí chiến lược quan trọng nên xã Đông Hải được chọn làm nơi đóng quân và cất giấu vũ khí của một đơn vị hải quân (Quân cảng K34). Khi địch phát hiện, chúng điều các loại máy bay ném bom quần thảo vùng đất này, nhiều công trình kiến trúc bị phá hoại, đền Đông Hải cũng chịu chung số phận. Năm 2000, đền Đông Hải được phục dựng lại bề thế từ nguồn xã hội hóa là nơi để người dân trong vùng chiêm bái và gửi gắm những ước nguyện tâm linh. Hàng năm, vào ngày Rằm tháng Ba âm lịch, tại đây diễn ra lễ tế, cầu quốc thái dân an, trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa.
 
 
Công Kiên