(Baonghean) - Cư dân duyên hải xứ Nghệ gọi bãi biển là bãi ngang. Bãi ngang xứ Nghệ trải dài từ cực bắc Đông Hồi đến quãng giữa Đèo Ngang, thuở vợ chồng ông Đùng bà Đoàng tạo lập sông núi, ruộng đồng cùng nhiều tài nguyên khoáng sản giá trị và môi trường sống trong lành,…
Cư dân bãi ngang gọi Biển Đông là “hải điền” (ruộng mặt nước), tạo ra phương tiện đi biển độc đáo, đồng thời họ sáng tạo nên cụm từ “kết bè kết mảng” thông dụng trong giao tiếp. Người dân vùng bãi ngang từ khi cắt rốn đã được hít căng thứ gió biển mát lành, đã tắm hồn trong âm vang của sóng và rì rầm của rừng dương. Tuổi thiếu niên lớn lên nơi đầu sóng, mũi gió đã “chín bói”, con trai bãi ngang vỡ giọng đã biết “ăn sóng nói gió” mạnh mẽ, dứt khoát, một buổi đến trường, một buổi theo cha, anh ra biển, sớm có tố chất tự nhiên, nắm quy luật các luồng cá hàng năm có 2 đợt áp vào gần bờ sinh sản để lên kế hoạch đón bắt vụ cá nồm cá nam.
Hiểu biển để suốt đời gắn bó với biển, các lão ngư nắm bắt được vị trí các dòng hải lưu nóng lạnh, những điểm nông, sâu của bờ, chu kỳ con nước, các cụ nhìn ráng chiều, ngắm trăng, sao để biết quy luật hướng gió, biết không gian sống và quy luật sinh hoạt của các loài hải sảm dưới nước.
Cửa sông - cửa biển với không gian rộng lớn là nơi giao thoa của đặc trưng biển và sông, nơi có môi trường sống lý tưởng cho người và các loài nẩy nở, sinh sôi. Người bãi ngang khoáng đạt như cửa sông - cửa biển:
“Là cửa nhưng không then khóa
Cũng không khép lại bao giờ
Mênh mông một vùng sóng nước
Mở ra bao nỗi đợi chờ”.
(Thơ Quang Huy)
Tố chất biển cứ tự nhiên mặn mòi trong máu, thẩm thấu trong nước da đồng hun không mối mọt. Cũng lưu thông bằng thuyền bè, cũng qua cái cửa không then khóa ấy, nhưng người bãi ngang chuẩn xác trong cách gọi “ra biển, vào sông”, hoặc cùng một khái niệm “cửa”, nhưng họ khu biệt cách gọi theo hải trình: Khi từ ngoài khơi hướng vào bờ gọi là “cửa sông”, còn khi từ nội địa đi ra phía biển gọi là “cửa biển”. Nghĩa là gọi “cửa biển” hay “cửa sông” là phải gắn với “đích” mà mình đang hướng tới. “Ra biển” “vào sông” là tư duy chuẩn của người bãi ngang.
Điều kiện tự nhiên còn là một trong những nguyên nhân để cư dân vùng bãi ngang định ra những kiêng kỵ, cấm kỵ, những tín ngưỡng tâm linh… làm phong phú đời sống tinh thần. Những tín ngưỡng truyền đời đã góp thành bản sắc văn hóa đặc trưng vùng miền, được các thế hệ nâng niu gìn giữ và phản ánh trong các lễ hội độc đáo như Lễ hội cầu ngư, Lễ đảo vũ (cầu mưa) cho mùa màng phong đăng hòa cốc, tục coi cá Ông là “nhân ngư” và chôn cất, thờ cúng “nhân ngư” như đối với đấng sinh thành, hội bơi trải (chèo bơi) một kiểu Festival thể thao sông nước… Các thế hệ cư dân vùng bãi ngang xứ Nghệ còn thiết lập tôn đắp hệ công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử dày đặc tại các làng, xã trong vùng.
Ngư dân vùng Đan Nhai - Cửa Hội và Cửa Lò quanh năm hành nghề trên biển, thường vào đền Cờn cầu xin và luôn được thượng thượng đẳng thần Ngọc bệ hạ thiêng liêng linh ứng ban cho an lành. Cũng thường xuyên vào đền Cờn khói hương, ngư dân làng Hội Thống (nay là xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) thành tâm cầu xin và được Tứ vị Thánh nương cho phép rước linh Thần về thờ tại làng. Cũng thờ Thần Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh nương như đền Cờn ở Quỳnh Phương, đền Đại Càn (còn gọi là đền Cả) làng Hội Thống kể từ đời vua Cảnh Hưng triều Lê cho đến 6 đời vua triều Nguyễn đã có 8 đạo sắc phong Thần tại ngôi đền cổ nhất tỉnh Hà Tĩnh.
Thông qua trực quan sinh động là các công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử trên quê hương, cư dân bãi ngang giáo dục con cháu nhớ về cội nguồn tiên tổ, khơi dậy truyền thống tự cường của dân tộc, qua đó khẳng định chân lý: Bao đời nay dân bãi ngang có tâm thế kiên cường, tư thế vững vàng trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió trên đôi chân của mình…
Bài, ảnh: Giao Hưởng