(Baonghean) - Con người xứ Nghệ soi rọi trong chiều dài lịch sử, chiều rộng không gian, chiều sâu văn hóa, đã minh chứng về một vùng “địa linh, nhân kiệt” với nhiều bậc nhân tài kiệt xuất. Hết thảy hồn cốt, bản sắc riêng có ấy được gửi cả vào trong câu ví, giặm thiết tha, mặn nồng. Để đến bây giờ hòa vào dòng chảy văn hóa thế giới với sự vinh danh “Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
 
images1132184_37a.jpgThầy và trò Trường THCS Đặng Thai Mai (TP. Vinh) tìm hiểu phong trào cách mạng 1930 - 1931 tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ảnh: Mỹ Hà
Từ ngàn xưa, xứ Nghệ được biết đến là vùng đất “chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt” – nắng thì cháy da, mưa trắng trời, rét cắt thịt. Có lẽ bởi những khắc nghiệt của khí hậu đã tạo nên những nét rất riêng của người Nghệ An. Đó là sự chịu thương, chịu khó, tự lập, tự cường, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất và đoàn kết cùng vươn tới xây dựng cuộc sống ấm no. Người Nghệ An hiếu học, bởi họ nhận thức được rằng phải có con chữ mới thoát nghèo bền vững. Người Nghệ An thẳng thắn, quyết liệt nhưng cũng vô cùng bao dung… Những đức tính và cung bậc tình cảm đó đã đi vào văn học nghệ thuật xưa nay, nhất là trong những làn điệu ví, giặm: “Muốn no thì phải chăm làm/Một hạt thóc vàng, chín hạt mồ hôi” hay “Có khó mới có miếng ăn/Có nhọc, có nhằn mới có phong lưu”…
 
Chiều sâu văn hóa, chiều dài lịch sử, chiều rộng không gian của vùng quê non nước hữu tình đã hun đúc nên tinh hoa văn hóa và cốt cách tâm hồn con người xứ Nghệ. Hai thành tố này chính là nền tảng, xây dựng nên bản sắc của vùng quê Nghệ An. Tạo dựng được bản sắc văn hóa riêng, gìn giữ trao truyền qua bao lớp sóng thời gian, hòa vào dòng chảy văn hóa nhân loại, đòi hỏi nỗ lực của tất thảy người dân sống trong cái nôi văn hóa ấy. Bởi lẽ, chính con người tạo ra văn hóa, và ngược lại, để giữ gìn, phát triển và làm lan tỏa bản sắc văn hóa, cần có chiến lược phát triển con người. Những ông nghè, ông trạng, anh hùng, danh nhân; những tấm gương ưu tú như Phan Bội Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai... chính là nền tảng, là động lực để trai gái đất Lam Hồng nối gót cha ông, làm lấp lánh hơn tâm hồn, cốt cách người Nghệ. Rất mừng là vị thế “đất học” vẫn được khẳng định qua tháng năm, mới đây, năm 2014 với 107 học sinh giỏi quốc gia, đứng thứ 2 cả nước; đặc biệt, có 4 lượt học sinh đạt giải quốc tế và khu vực, có 125 em đỗ điểm cao với 12 thủ khoa, đứng đầu cả nước trong kỳ thi đại học… miền quê hiếu học lại tiếp tục được vinh danh.
 
Có được những mùa bội thu ấy, ngoài nỗ lực của từng cá nhân - nhân tố nền tảng là truyền thống văn hóa mà người Nghệ An đã dày công vun đắp và trao truyền qua nhiều thế hệ. Thế nhưng, tỉnh ta vẫn còn là một tỉnh nghèo. Đời sống của nhiều người dân còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan vẫn không phải là ít. Ý thức, tinh thần xây dựng vì tập thể, vì cộng đồng của nhiều người dân còn thấp.
 
Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, biến động, nhận thức của con người cũng không thể trở thành một hằng số bất biến, mà buộc phải có sự thích ứng phù hợp. Đó là lý do bên cạnh việc lưu giữ giá trị truyền thống, chúng ta phải tiếp thu văn hóa từ nơi khác, rộng là từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác, hẹp là từ các tỉnh bạn. Học điều hay, cách làm hay để từ đó vận dụng một cách sáng tạo ở địa phương mình sẽ là con đường ngắn nhất đến thành công. Điều này nhà thơ Huy Cận từng đúc kết: “Tình xứ Nghệ không mau/Nhưng bén rồi sâu lắng/Quen xứ Nghệ, quen lâu/Càng tình sâu nghĩa nặng”… Những câu thơ phản ánh một phần tính cách người Nghệ, trong đó có cả sự cẩn trọng hay đôi chút e ngại (?) đến mức “khác biệt”. Nếu vượt qua được ranh giới của sự “nghiêm cẩn” đó và tin yêu rồi thì “một lòng sau trước”, đời này qua đời khác, hôm qua vậy, hôm nay vậy và mai sau vẫn vậy. Những yếu tố đó cần phát huy hơn nữa trong thời kỳ mới với sự quyết tâm, nỗ lực cao hơn ở mỗi người, trong từng lĩnh vực…
 
Điều đặc biệt là cái hồn cốt, tinh túy của bản sắc văn hóa xứ Nghệ lại được gửi cả vào trong những làn điệu dân ca ví, giặm mượt mà, đắm say và hôm nay đã trở thành “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Những câu hò, điệu ví thiết thao, mượt mà, mê đắm lòng người, đã không còn bó hẹp như cố Phó Giáo sư Ninh Viết Giao từng đúc kết: “… đã lâu rồi, hầu hết những bài cao dao được nâng niu gìn giữ trong lũy tre xanh tại tất cả các làng quê… Nhân dân nắm chắc lấy nó, ngày một gọt rũa, bắt phải sáng lên như viên trân châu, để soi mình trong đó, thấy tâm hồn, tình cảm, tư tưởng, trí tuệ của mình”. Cái “chất Nghệ”, cốt cách, bản sắc văn hóa xứ Nghệ đã thực sự lan tỏa và hòa vào dòng chảy văn hóa nhân loại. Cho nên, chính những người dân Nghệ An hiểu hơn ai hết vinh dự và trách nhiệm của bản thân mình trên hành trình lưu giữ và làm cho văn hóa quê nhà lan tỏa. Ý thức được điều này, chúng ta càng cần phải tích cực bổ khuyết những thiếu sót, phát huy những ưu điểm vốn có, quảng bá hình ảnh miền quê và con người xứ Nghệ rộng khắp bốn phương, để câu “dân ca có từ trong máu thịt” làm “sống dậy hồn quê”...
 
Hiếu Nguyên