Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý được đề xuất sửa đổi là về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức thì thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm đến khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật. Theo Bộ Nội vụ, quy định thời hiệu như vậy thực tế là quá ngắn, không bảo đảm tính nghiêm khắc đối với việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm. Một số trường hợp đã bị kỷ luật về Đảng (hoặc đã bị xử lý hình sự nhưng cho hưởng án treo) khi xét kỷ luật theo quy định của Luật thì đã hết thời hiệu. Bên cạnh đó, một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có vi phạm trong thời gian công tác nhưng đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác ra khỏi khu vực nhà nước hoặc khu vực sự nghiệp công lập đã bị xử lý kỷ luật về Đảng và xử lý kỷ luật về chính quyền, vì vậy để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy định thì cũng cần sửa đổi, bổ sung tương ứng trong luật.
Dự thảo luật cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 Điều 82 về quy định liên quan đến cán bộ, công chức bị kỷ luật. Theo đó, dự luật đề xuất quy định cụ thể cán bộ, công chức bị kỷ luật thì không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn, tuy nhiên vẫn có thể xem xét bổ nhiệm lại hoặc bố trí chức vụ thấp hơn; hoặc cán bộ, công chức đang trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật, điều tra, truy tố, xét xử thì vẫn có thể giải quyết nghỉ hưu để tránh trường hợp cán bộ, công chức đến tuổi nghỉ hưu nhưng do trình tự thủ tục xử lý kéo dài, có trường hợp diễn ra trong nhiều năm, nếu không giải quyết thủ tục hưu trí sẽ tạo vướng mắc trong quá trình sử dụng cán bộ, công chức. Ngoài ra, cán bộ, công chức khi đã nghỉ hưu thì vẫn bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc truy tố theo quy định của pháp luật.
Về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật, dự luật đề xuất thời hiệu xử lý kỷ luật là 60 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Đối với các hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng sau thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật: Cán bộ, công chức đang công tác hoặc cán bộ, công chức sau khi chuyển công tác, nghỉ hưu, nghỉ việc có hành vi vi phạm nghiêm trọng đã bị xử lý kỷ luật đảng bằng hình thức khai trừ khỏi đảng; Có hành vi vi phạm về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; Có hành vi xâm phạm đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả, không hợp pháp.
Bộ Nội vụ cho biết, các ý kiến đều tán thành với việc bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc đã chuyển công tác nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, nhằm thể chế hóa nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương và sự nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc về phạm vi áp dụng đối với đối tượng này, theo đó chỉ nên áp dụng đối với những người giữ chức vụ, quyền hạn nhất định mà không quy định chung đối với tất cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác.
Phương án 1: Quy định xử lý kỷ luật đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong quá trình công tác nay đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mà không còn là cán bộ, công chức, viên chức.
Phương án 2: Quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên ở trung ương và cấp phó chủ tịch tỉnh và tương đương trở lên ở địa phương có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quá trình công tác nay đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mà không còn là cán bộ, công chức.
Dự thảo luật đang được lấy ý kiến đóng góp trên Cổng thông tin Bộ Nội vụ đến ngày 24/3/2019.