Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường.Theo đó, từ ngày 1/7/2018, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu được đề xuất tăng lên kịch khung quy định của luật.

Cụ thể, xăng: Khung mức thuế từ 1.000 - 4.000 đồng/lít. Mức thuế hiện hành là 3.000 đồng/lít. Đề nghị tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít.

Dầu diesel: Khung mức thuế từ 500-2.000 đồng/lít. Mức thuế hiện hành là 1.500 đồng/lít. Đề nghị tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.

Dầu mazut, dầu nhờn: Khung mức thuế từ 300-2.000 đồng/lít. Mức thuế hiện hành là 900 đồng/lít. Đề nghị tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít.

Mỡ nhờn: Khung mức thuế từ 300-2.000 đồng/kg. Mức thuế hiện hành là 900 đồng/kg. Đề nghị tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg.

19239567_2322018.pngTừ ngày 1/7/2018, mức thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu được đề xuất tăng kịch khung.
Trong tờ trình Chính phủ dự án nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính lý giải việc đề xuất tăng thuế xăng dầu như trên là do thuế nhập khẩu giảm mạnh.

Hiện Việt Nam đang áp dụng mức thuế đối với xăng là 20% và đối với dầu các loại là 7%. Tuy nhiên, thực hiện các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu thì mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng chỉ là 10% và đối với dầu các loại là 0%.

Với việc áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi trên, số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm khi các nhà nhập khẩu chuyển sang nhập các thị trường có mức thuế ưu đãi đặc biệt.

Mặt khác, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN.

Với phương án đề xuất điều chỉnh nêu trên, Bộ Tài chính tính toán tổng số thu thuế bảo vệ môi trường dự kiến khoảng 57.312 tỉ đồng/năm, tăng khoảng 15.684,2 tỉ đồng/năm.

Cùng với số thu thuế bảo vệ môi trường tăng lên, số thu thuế giá trị gia tăng đối với các hàng hóa này cũng sẽ tăng lên khoảng 1.568,4 tỉ đồng. Khi đó, tổng số thu ngân sách nha nước dự kiến tăng lên khoảng 17.252,6 tỉ đồng/năm.

 
Bộ Tài chính cũng đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường mức kịch khung đối với nilong lên 50.000/kg thay vì mức thuế hiện hành là 40.000 đồng/kg.

Tăng thuế bảo vệ môi trường đối với than đá do than là sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi sử dụng.

Mức thuế đối với than antraxit dự kiến tăng từ 20.000 đồng/tấn lên 30.000 đồng/tấn; than nâu, than mỡ, than đá khác sẽ tăng từ 10.000 đồng/tấn lên 15.000 đồng/tấn.