TS Sái Công Hồng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT thông tin tại buổi gặp mặt báo chí, trao đổi về kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Chỉ công bố duy nhất đề thi tham khảo
Theo TS Sái Công Hồng, năm 2017, Bộ GD&ĐT có 3 đề thi trước khi diễn ra kì thi. Tuy nhiên, năm nay Bộ GD&ĐT chỉ công bố đề tham khảo duy nhất vào tháng 1/2018.
Theo ông Sái Công Hồng, đề thi tham khảo phải gắn liền hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và sử dụng dữ liệu để xét tuyển sinh vào cao đẳng, đại học. Vì vậy, đề thi phải bám liền vào mục đích này, gồm 60% là kiến thức cơ bản và 40% là kiến thức nâng cao để phân loại. Năm 2018, kỳ thi được mở rộng ra với nội dung 20% lớp 11.
Đề thi có 4 nhóm cấp độ: Dễ, trung bình, khó và tương đối khó và được sắp xếp theo trình tự.
"Khi công bố đề thi tham khảo vừa qua, tôi nhận được một số ý kiến của hiệu trưởng và báo chí cho rằng đề thi khó quá trong phần phân hóa, chúng tôi cũng tiếp thu", ông Hồng nói.
Tuy nhiên, TS Sái Công Hồng thông tin thêm, với khối Khoa học Tự nhiên như Vật lý, Hóa học, Sinh học, phần câu hỏi khó sẽ nghiêng bản chất như hiện tượng Vật lý, Hóa học, không phải về tính toán.
"Trong các môn này cũng bắt đầu xuất hiện câu hỏi về thí nghiệm và thực hành để dần dần tiếp cận phù hợp với chương trình SGK mới trong thời gian tới nhưng theo lộ trình từ ít đến nhiều trong những năm tiếp theo. Nếu không học sinh sẽ sốc.
Chúng tôi mong muốn việc này sẽ tác động trở lại với việc dạy học trong trường phổ thông, lý thuyết cần đi đôi với thực hành", ông Hồng nói.
Cũng theo ông Hồng, ở một số môn như môn Toán cũng sẽ bắt đầu xuất hiện một số câu hỏi về lý thuyết Toán để học sinh hiểu bản chất vấn đề, đánh giá năng lực Toán học của các em.
Chọn mẫu đề thi các trường THPT trong cả nước làm nguồn
Ông Sái Công Hồng cho biết, mục đích công bố đề thi tham khảo là định hướng nội dung ôn tập, không bỏ phần nào trong kiến thức lớp 11. Ngoài ra, Bộ còn muốn nhận phản hồi từ giáo viên, học sinh để khi xây dựng đề thi chính thức sao cho phù hợp nhất, không gây khó cho thí sinh.
Nếu những năm trước đây, việc xây dựng đề thi sẽ chỉ thực sự được thực hiện khi các thành viên hội đồng ra đề được cách ly hoàn toàn.
Tuy nhiên, hiện nay Bộ GD&ĐT chọn mẫu đề thi của các trường THPT trong cả nước là nguồn, giúp câu hỏi xác thực và bám sát thực tiễn hơn.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, để chuẩn bị tốt cho kì thi THPT quốc gia 2018 được suôn sẻ, nhất là khâu đề thi, ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được hoàn thiện đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng.
Bộ cũng sẽ giám sát chặt chẽ các khâu in, sao, vận chuyển để thi đảm bảo an toàn và bí mật.
Đặc biệt, việc xây dựng và công bố đề thi tham khảo làm cơ sở cho giáo viên và học sinh vận dụng dạy và học, ôn tập, chuẩn bị cho kì thi.
Năm 2018, tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển là 925.964 thí sinh. Trong đó, học sinh đang học lớp 12 năm học 2017-2018 là 868.980 em, thí sinh tự do là 56.984 em.
Số thí sinh đăng ký dự tuyển chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT 237.354 em. Số thí sinh đăng ký dự tuyển để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển sinh là 642.587 em. Số thí sinh đăng ký dự tuyển chỉ để xét tuyển sinh là 46.023 em.
Như vậy, năm 2018 sẽ có 879.941 thí sinh dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp THPT; số thí sinh sẽ tham gia xét tuyển sinh ĐH, CĐ là 688.610 em.