Ngày 27/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo thông tin về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm năm 2018. Năm nay, số lượng thí sinh dự thi THPT quốc gia gần 926.000, tăng 60.000 so với năm trước. Trong đó, số thí sinh thi để xét tốt nghiệp là hơn 237.000; thi để xét tuyển đại học và cao đẳng là hơn 688.000.
"Tổng số nguyện vọng đăng ký vào ngành Sư phạm là 125.260, giảm 29% so với năm 2017; trong đó nguyện vọng một là hơn 43.000, giảm 26,9%", Vụ trưởng Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng nói.
Để giải quyết bài toán thừa giáo viên nhiều năm, năm 2018 Bộ giảm 38% tổng chỉ tiêu tuyển sinh ngành này so với 2017 (tổng chỉ tiêu năm nay là 35.590). Bộ đồng thời đặt ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho ngành đào tạo giáo viên.
Cụ thể, nếu xét tuyển bằng học bạ vào đại học, thí sinh phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi. Riêng các ngành sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất các em cần đạt loại khá trở lên. Với trình độ cao đẳng, trung cấp, yêu cầu học lực lớp 12 của thí sinh ngành đào tạo giáo viên là từ loại khá, trừ 3 ngành đặc thù kể trên và sư phạm Thể dục thể thao (trung cấp) xét tuyển học sinh xếp loại học lực trung bình lớp 12.
Trong bối cảnh giảm chỉ tiêu và nâng chuẩn đầu vào của ngành sư phạm, việc số nguyện vọng đăng ký vào ngành vẫn cao hơn 89.000 so với chỉ tiêu, theo Vụ trưởng Phụng, là điều đáng mừng. "Nó thể hiện ngành Sư phạm vẫn nhận được sự quan tâm. Những thí sinh sẵn sàng đối mặt với việc nâng chuẩn đầu vào, giảm chỉ tiêu của sư phạm có thể là những em học tốt, yêu nghề giáo thực sự", bà Phụng nói.
Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh ngành Sư phạm năm 2018 dựa vào thống kê nhu cầu nhân lực giáo viên của các địa phương và nghiên cứu về số cử nhân ngành này đang thất nghiệp. Cụ thể, tới năm 2021-2022, các tỉnh thành cả nước cần 59.000 giáo viên. Trong khi đó, khoảng 50% trong số 40.000 sinh viên sư phạm đã ra trường và dự kiến từ nay đến 2021 sẽ tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm, muốn được làm đúng ngành đào tạo.
"Chúng tôi dự kiến thu hút 20.000 nhân sự đã tốt nghiệp vào làm việc nên chỉ tuyển thêm 35.000 sinh viên năm nay. Trong đó, 6 trường sư phạm lớn được Bộ giao cụ thể chỉ tiêu, với tổng số khoảng 8.000. Số còn lại, các trường sư phạm địa phương tự quyết định để phù hợp với nhu cầu nhân lực giáo viên của địa phương đó. Điều này giải quyết bài toán thừa - thiếu cục bộ hiện nay", bà Phụng giải thích.
Khối trung cấp sư phạm năm nay được tuyển mới 5.000 chỉ tiêu, theo Vụ trưởng Giáo dục, nhằm đáp ứng nhu cầu lớn và sớm, về giáo viên mầm non cho các địa phương. Trong 59.000 giáo viên tuyển mới theo nhu cầu của các tỉnh, 40.000 là của bậc tiểu học, mầm non.