(Baonghean) - Thời gian qua, ngành Y tế đã và đang có những bước phát triển mới, cả về y thuật lẫn y đức. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của bệnh nhân đang là thách thức không nhỏ... Thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao y đức” trong các cơ sở khám, chữa bệnh, làm chủ các kỹ thuật mới để phục vụ nhân dân…

image_1554078.jpgPhẫu thuật tim cho bệnh nhân tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Ảnh: Từ tHành
 
 
Bác sỹ Nguyễn Trọng Hưng, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tây Hiếu, Thị xã Thái Hòa là một người cần mẫn, tận tụy, hết lòng vì người bệnh. Sau những năm chiến đấu trên các chiến trường, năm 1983, quân y Nguyễn Trọng Hưng về công tác tại trạm y tế xã chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương. Tinh thần tận tụy vì người bệnh của ông được nhân dân đánh giá cao. Bà Nguyễn Thị Hiền, xóm Hưng Phú, xã Tây Hiếu cho hay: “Khi nghe tin có người ốm, người bệnh không lên được trạm xá thì bất kể ngày đêm, bác sỹ Hưng không quản ngại đường sá xa xôi, đến tận nhà thăm khám. Trong quá trình điều trị, bác sỹ Hưng thường xuyên thăm hỏi, động viên để người bệnh yên tâm…”. Tâm huyết với công việc, ông và các y, bác sỹ đã ra sức xây dựng Trạm Y tế xã Tây Hiếu trở thành địa chỉ chăm sóc sức khỏe tin cậy của nhân dân. Mỗi năm trạm đã thực hiện khám và điều trị cho 9.500 đến 10.000 lượt bệnh nhân trên địa bàn. Bác sỹ Hưng chia sẻ: “Nghề y chỉ có trình độ thôi chưa đủ, mà cần hơn là tấm lòng vì bệnh nhân”.
 
Hay như bác sỹ Hồ Xuân Hùng, Trưởng Trạm Y tế xã Nam Trung, huyện Nam Đàn luôn được người dân ghi nhận, đánh giá cao về sự nhiệt tình, hăng say, kiên trì trong công việc. Người dân vùng lũ này đã quen với hình ảnh người bác sỹ cùng túi cứu thương một mình bơi thuyền về 4 xóm phía ngoài đê là xóm 11,12,13,14 giúp đỡ người dân bị tai nạn thương tích, cấp thuốc phòng chống dịch bệnh hay giúp thai phụ vượt cạn. Phương châm làm việc của bác sỹ Hùng là: Bệnh nhân đến chữa trị tận tình, về dặn dò chu đáo, những ca bệnh vượt quá khả năng thì tư vấn kỹ càng, chỉ dẫn đúng địa điểm để người bệnh lên tuyến trên điều trị. 
 
Y đức không chỉ là lời nói hay, cử chỉ đẹp mà phải là tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân, kiến thức chuyên môn giỏi. Chúng tôi đã không ít lần bắt gặp những giọt nước mắt hạnh phúc của các y, bác sỹ mỗi khi cứu sống bệnh nhân đang đứng trước cửa tử, nước mắt xúc động biết ơn của người nhà bệnh nhân. Như trường hợp mới đây, sản phụ Trịnh Thị Huệ, phường Trung Đô (TP. Vinh) đến Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh gặp tai biến khi sinh, tắc mạch ối, có nguy cơ ngừng thở, suy hô hấp. Với tai biến này, xác suất sống sót của mẹ và con là cực kỳ ít. Tuy nhiên, nhờ được cấp cứu kịp thời, sự hỗ trợ của các bác sỹ tuyến trên, ca mổ đã thành công, cả hai mẹ con sản phụ được cứu sống. Sau ca mổ, bác sỹ Nguyễn Thị Thúy Văn, Trưởng khoa sản Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh và người nhà sản phụ ôm nhau òa khóc… 
 
Đó còn là câu chuyện của chị Đàm Thị Vân, Khoa cấp tính nữ, Bệnh viện Tâm thần. Hàng ngày chị lặng lẽ đồng cảm, chia sẻ, giặt giũ, chải tóc, tắm rửa, kể chuyện cho bệnh nhân nghe. Đó là chuyện bác sỹ Nguyễn Hữu Hồng, khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa Khoa khu vực Tây Bắc, sẵn sàng hiến máu cứu sống bệnh nhân khi cần...
 
Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người bệnh cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn thái độ giao tiếp, ứng xử, năm 2004, ngành Y tế triển khai Đề án “Nâng cao y đức”. Sau 10 năm thực hiện đề án, ngành Y tế đã có những chuyển biến tích cực: Hiện nay, ở hầu hết các bệnh viện trên địa bàn đều duy trì các buổi họp mặt định kỳ giữa người nhà bệnh nhân và cán bộ y tế. Người bệnh có thể góp ý trực tiếp từ cuộc họp, hoặc qua hòm thư góp ý; gọi điện tới đường dây nóng nối trực tiếp tới ban giám đốc bệnh viện hay lãnh đạo Sở Y tế. Vì thế, từ nhiều năm nay, tình trạng đơn thư khiếu nại về vấn đề y đức đã giảm hẳn, thay vào đó là những bức thư cảm ơn với lời lẽ chân thật, xúc động. 
 
Bác sỹ Bùi Đình Long, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, từng bước đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, ngành y tế xác định sẽ không ngừng học hỏi, làm chủ các kỹ thuật mới để phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó là tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao y đức” trong các cơ sở khám, chữa bệnh với nhiều hình thức sinh hoạt phong phú. Tổ chức ký cam kết thực hiện tốt y đức trong công tác phục vụ người bệnh và đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Gương sáng Y đức”. 100% đơn vị tiếp tục quán triệt, học tập và đẩy mạnh việc thực hiện Quy định 12 điều Y đức, Quy định về chế độ giao tiếp trong các cơ sở khám, chữa bệnh, Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, công tác cải cách hành chính… 
 
Hy vọng rằng với sự quyết tâm và nỗ lực lớn của ngành Y tế, trong tương lai không xa, câu chuyện về những tấm gương sáng ngời y đức của y, bác sỹ, sẽ ngày một nhiều thêm.
 
Thanh Sơn