(Baonghean) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII xác định: để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, cần tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế tuyến đầu. Theo đó, chỉ tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ 2010-2015 phấn đấu 100% trạm y tế xã, phường ở đồng bằng và 90% trạm y tế ở miền núi có bác sỹ về công tác. Bằng nhiều giải pháp quyết liệt và các chính sách thu hút nguồn nhân lực, ngành Y tế Nghệ An đã gần về đích mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.
 
images1107804_b_c_s__di_u_tr__cho_b_nh_nh_n_t_i_tr_m_y_t__x__qu_nh_phuong___qu_nh_luu.jpgBác sỹ điều trị cho bệnh nhân tại Trạm Y tế xã Quỳnh Phương - Quỳnh Lưu. Ảnh: T.S
 
Trạm Y tế xã Châu Khê nằm cạnh Quốc lộ 7, giao thông thuận lợi hơn nhiều địa bàn miền núi khác, song trạm y tế vẫn chưa có bác sỹ về công tác. Việc khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn vẫn phải nhờ vào các bác sỹ của Phòng khám Đa khoa khu vực 1 thuộc Bệnh viện Đa khoa Tây Nam nằm kề bên. Tuy nhiên, thực hiện quyết định của UBND tỉnh, từ ngày 1/1/2015, phòng khám này sẽ giải thể. Trao đổi với chị Lô Thị Giới, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Châu Khê được biết: Việc Phòng khám Đa khoa được sắp xếp lại không đáng lo, khi sang năm 2015 trạm có 2 y sỹ được cử đi học bác sỹ tốt nghiệp, quay trở về thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh… Cử cán bộ tại chỗ đi đào tạo thành bác sỹ đang là phương án hiệu quả để giải bài toán thiếu bác sỹ trầm trọng ở xã Châu Khê nói riêng và huyện Con Cuông nói chung. Bác sỹ La Văn Liễu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Con Cuông cho hay: Để đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân địa phương, trước mắt huyện đã hợp đồng thêm 2 bác sỹ đã nghỉ hưu về công tác tại 2 trạm. Tổng số trạm y tế xã có bác sỹ về công tác hiện là 7/13 xã, thị trấn. Con số này dự kiến sẽ tăng trong năm 2015 thành 11/13 đơn vị khi số bác sỹ hoàn thành khoá học trở về sẽ bổ sung cho các trạm còn thiếu. 
 
Tương tự, huyện Anh Sơn sau khi thực hiện Đề án 1816, Bệnh viện Đa khoa huyện đã tăng cường 3 bác sỹ, Trung tâm Y tế tăng cường 2 bác sỹ về tuyến xã, nâng số xã, thị có bác sỹ công tác lên thành 16/21 xã, thị. Bác sỹ Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Anh Sơn cho biết: Dự kiến sang năm 2015, toàn huyện đủ 21/21 xã, thị có bác sỹ công tác, khi các y sỹ được cử đi học chuyên tu trở về…Trao đổi với lãnh đạo trung tâm y tế các huyện Quế Phong, Quỳ Châu được biết thời điểm này, các xã trên địa bàn các huyện này đã cơ bản có đủ bác sỹ. Bác sỹ Hủn Vi Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu khẳng định: “Đầu năm 2015 tới, tất cả các trạm y tế của huyện có đủ 100% số bác sỹ công tác, có xã sẽ có tới 2 bác sỹ”. Còn bác sỹ Lê Quang Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong tiết lộ: Khắc phục tình trạng thiếu bác sỹ, ngành Y tế Quế Phong đã xin ý kiến Sở Y tế cho tuyển dụng các y sỹ con em người Quế Phong để đào tạo chuyên tu lên bác sỹ. Trung tâm Y tế huyện Quế Phong đã và đang có 10 bác sỹ ở trạm y tế, 5 bác sỹ ở trung tâm và 3 bác sỹ đang cử đi tăng cường ở xã, chưa kể một số y sỹ khác đang được cử đi học.
 
Tại Thành phố Vinh, việc đưa bác sỹ về công tác tại các trạm y tế xã, phường đã được phủ kín và hoàn thành chỉ tiêu từ 2 năm nay. Nếu như vào năm 2010 - năm đầu tiên  thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, toàn thành phố chỉ có khoảng 70% trạm y tế xã, phường có bác sỹ công tác thì lần lượt các năm tiếp theo, con số này được nâng dần lên là 80 - 90% năm 2011 và hoàn thành chỉ tiêu là 100% vào năm 2012 - 2013…
 
Việc đưa bác sỹ về công tác tại trạm y tế xã đã có tác dụng rất tích cực trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Chị Kim Thị Hồng, ở bản Khúa, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp khẳng định: “Hai năm nay, Trạm Y tế xã Châu Lý đã có bác sỹ ở Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp về tăng cường, công tác khám, chữa bệnh tại xã có nhiều thuận lợi. Sức khỏe của bà con ngày càng được chăm sóc tốt hơn, các dịch bệnh thường xảy ra ở miền núi như sốt rét, tiêu chảy… được đẩy lùi. Bà con ngày càng tin tưởng vào công tác y tế trên địa bàn”. Còn anh Lưu Văn Hiệu - Trạm trưởng Trạm Y tế Hưng Đạo phấn khởi thông báo: “Kể từ khi trạm có bác sỹ, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng nhanh. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2014, trạm đã khám, chữa bệnh cho hơn 2.500 lượt người, điều trị ngoại trú cho 840 lượt bệnh nhân, tăng gấp đôi trước khi chưa có bác sỹ về tăng cường”. Y sỹ Cao Thị Lan, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Xá Lượng, huyện Tương Dương chia sẻ: “Khi trạm có bác sỹ, nhân dân đến khám đông hơn. Bên cạnh tham gia khám, chẩn đoán bệnh, bác sỹ về tăng cường còn chỉ đạo, hướng dẫn cho trạm về chuyên môn, làm sổ sách, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đạt chỉ tiêu”.
 
Bác sỹ CLB thầy thuốc trẻ Quỳ Châu khám, chữa bệnh tại xã Châu Nga 1. Ảnh: Như Trang
 
Tính đến thời điểm này, tỷ lệ xã có bác sỹ công tác trên địa bàn tỉnh ước đạt 88%, trong đó tỷ lệ xã có bác sỹ công tác ở đồng bằng là 89,4% và ở miền núi là 84,8%. Để đạt được kết quả đó, ngành Y tế Nghệ An đã có nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, ngành Y tế Nghệ An đã xây dựng kế hoạch luân phiên bác sỹ về xã theo Đề án 1816 của Bộ Y tế và Quyết định 92 của UBND tỉnh nhằm đảm bảo 100% xã có bác sỹ hoạt động. Thực hiện kế hoạch này, 4 năm nay, ngành Y tế đã cử gần 500 lượt bác sỹ về công tác tại 153 trạm y tế. Bên cạnh đó là cử cán bộ đi đào tạo bác sỹ chuyên tu, toàn tỉnh hiện có 200 bác sỹ của các đơn vị tuyến huyện, tuyến xã đang theo học ở các trường đại học y trong cả nước. Chưa kể số học sinh học chính quy, cử tuyển và dự bị đại học đã đào tạo bác sỹ từ năm 2010 - 2011 mỗi năm 100 sinh viên. Chủ trương hợp đồng với bác sỹ nghỉ hưu về công tác tại trạm cũng thu được kết quả tốt… 
 
Với số bác sỹ đang được cử đi đào tạo, cộng với số bác sỹ thực tế của tuyến xã là 287 người, thì chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: “Đến năm 2015 có 100% trạm y tế cấp xã ở đồng bằng và 80 - 90% ở miền núi có bác sỹ công tác” có thể đạt và vượt là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, nhìn khía cạnh khác, con thống kê này chỉ mang tính cơ học, tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ đang có nhiều yếu tố mang tính thiếu bền vững, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân. Bài toán bác sỹ công tác tại xã khi không còn khó khăn về “lượng” sẽ chuyển sang khó khăn về “chất”, cũng như sự bền vững và đồng đều. Để giải bài toán này, thời gian qua, Nghệ An đã ban hành chính sách cải thiện điều kiện làm việc và đời sống cho các bác sỹ công tác tại xã, thị, Cụ thể, trong năm 2013, UBND tỉnh tiến hành đầu tư xây dựng nâng cấp 32 trạm y tế chưa có nhà trạm và yếu kém về cơ sở hạ tầng; năm 2014, đầu tư xây dựng nâng cấp 40 trạm y tế, nâng cấp trang thiết bị cho 60 trạm y tế; năm 2015, đầu tư nâng cấp 40 trạm y tế và nâng cấp trang thiết bị cho 70 trạm y tế. Tổng số kinh phí thực hiện là 315,79 tỷ đồng, trong đó mua sắm trang thiết bị y tế là 24,637 tỷ đồng. Trong tháng 12/2014, tại kỳ họp lần thứ 13, HĐND tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết về một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực y tế công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2014 – 2020. Theo nghị quyết này các đối tượng là bác sỹ được cử đi học, bác sỹ về hưu hợp đồng công tác tại trạm y tế xã, bác sỹ nhận công tác tại xã, thị đều được nâng mức hỗ trợ cao hơn. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm này, tỷ lệ và chất lượng bác sỹ công tác tại trạm y tế ngày càng được cải thiện.
 
Thanh Sơn