(Baonghean) - Một người bạn nước ngoài của mình sau khi đến Việt Nam, khi ra sân bay về nước diện rất “kẻng”: nón lá, dép tông cói, túi thổ cẩm. Chưa hết, trong vali của cô nàng là 1 lô lốc các đồ thêu thùa, thủ công mỹ nghệ về làm quà cho gia đình và bạn bè. Cô nàng hí hửng: “Đồ thủ công ở Việt Nam vừa rẻ vừa đẹp, mua về làm quà thì hết sảy!”. Mình vênh váo cười te tởn, tự nhiên nghĩ ngợi rồi mặt méo xẹo.

Ở nước ngoài, hình như thứ gì làm thủ công đều đắt. Có lần đi chơi ở vùng Bretagne của Pháp là nơi có dân tộc Breton sinh sống, định mua một chiếc mặt dây chuyền bạc khắc biểu tượng của người Breton làm kỷ niệm. Món đồ bé tí mà giá thì chẳng bé tí nào, mình thiếu điều hét toáng lên. Người bán hàng thản nhiên giải thích: “Đồ thủ công mà, đương nhiên là đắt rồi!”. Hỏi tại sao thì họ trả lời: Đồ thủ công làm tốn nhiều công sức, thời gian hơn, mỗi sản phẩm là độc nhất vô nhị và người làm nghề thủ công không chỉ là người công nhân, người thợ mà còn là người nghệ sĩ.

Trong khi đó, những mặt hàng thủ công ở mình thường có giá “rẻ như cho” (ngoại trừ các sản phẩm phục vụ khách du lịch, mà liên quan đến du lịch thì có cái gì rẻ?).

Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Có phải do hàng thủ công ở mình chất lượng kém hơn hàng thủ công ở nước ngoài? Có lẽ không phải, bởi các làng nghề thủ công, truyền thống ở nước mình cũng có từ lâu đời rồi chứ bộ! Nếu không có tay nghề thì làm sao tồn tại được lâu dài? Vả chăng, không phải vô cớ mà người nước ngoài đến Việt Nam đều thích mê các đồ thủ công truyền thống của nước mình. Vậy nếu vấn đề không phải ở người sản xuất thì hẳn là ở người tiêu dùng.

Có 2 tâm lý thường thấy ở người Việt Nam mình như sau: Thứ 1 là sính ngoại, cứ cái gì của nước ngoài là tốt, là đẹp hơn của nước mình sản xuất. Thứ 2 là thích hào nhoáng, ví dụ mua bàn ghế thì phải bằng gỗ rừng nguyên cây cho độc, cho lạ, còn không thì sofa đệm bọc da trơn tuột chứ đừng hòng dùng bàn ghế mây tre đan! Như vậy, vô hình chung chúng ta hạ thấp giá trị của những mặt hàng trong nước có chất lượng tốt và giá cả phải chăng, lại đậm đà bản sắc dân tộc.

Làm sao lý giải việc người nước ngoài thích đồ thủ công truyền thống Việt Nam còn người Việt Nam thì thờ ơ, vô cảm với chính những giá trị truyền thống của mình? Nếu bảo họ thích của lạ thì cũng không đúng, vì rõ ràng ở nước họ đồ thủ công cũng được xem trọng nên giá cả mới trên trời như vậy. Nếu bảo do thẩm mỹ khác nhau thì lại càng vô lý, vì người mình sản xuất đương nhiên phải theo thẩm mỹ của mình! Kết quả tất yếu là những làng nghề truyền thống cứ mai một dần vì không có chỗ đứng trên thị trường. Hoặc có yêu quý lắm mà bám trụ với nghề thì các nghệ nhân cũng làm gì có thời gian để trau nghề, sáng tạo vì còn phải làm thêm dăm, ba nghề khác kiếm thu nhập. Trách những người làm nghề 1 thì phải trách người tiêu dùng 10, bởi vì không có cầu làm sao có cung?

Chúng ta tặc lưỡi chạy theo những thứ ngoại lai tiện lợi, hào nhoáng, những tưởng để nâng đẳng cấp của mình lên nhưng rốt cuộc lại hạ thấp giá trị của sức lao động trong nước. Nghề truyền thống sẽ không lỗi thời và vô dụng nếu ta khéo léo đặt nó vào đúng nơi, đúng chỗ trong xã hội hiện đại. Ví dụ: Nếu tạo điều kiện cho các nghệ nhân thêu thùa, dệt thổ cẩm nâng cao tay nghề, tiếp cận với tư tưởng thẩm mỹ, thời trang mới, liệu có phải ngành thời trang nước nhà sẽ vừa theo kịp thời đại lại vừa mang bản sắc dân tộc? Nên nhớ, những hạt cườm trên chiếc váy của Louis Vuitton vẫn được đính thủ công và Iphone vẫn có những công đoạn phải gia công bằng tay. Để thấy thủ công không đồng nghĩa với thô sơ, mà là sự tinh tế đạt đến đỉnh cao của bàn tay con người.

Hồi bé, mình vẫn thường xoè tay ra cho mẹ đếm hoa tay, rồi đi khoe khắp xóm rằng có nhiều hoa tay như mình là khéo tay lắm, rồi ngồi tiếc ngẩn ngơ “sao mẹ sinh con ra không có 10 hoa tay để đi bán tò he như ông già trước cổng trường mẫu giáo?”. Lại nghĩ, không biết ông già bán tò he bây giờ, hoa tay còn tươi hay đã héo tàn?


Hải Triều