(Baonghean) - Hôm 20 tháng 8, trong phiên trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường có nêu một thực trạng đáng lo ngại, đó là nhiều tỉnh “rất hăng hái” đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản nhỏ lẻ. Với kinh nghiệm của một người từng nhiều năm công tác ở một tỉnh có nhiều khoáng sản, ông thẳng thắn “đề nghị các tỉnh hết sức kiềm chế. Tôi xin có thông điệp là với khoáng sản nhỏ lẻ, càng đào bới bao nhiêu chúng ta càng thiệt hại bấy nhiêu. Sau khi về, tôi thấy thời kỳ ở tỉnh mình sai lầm”. Ông Bộ trưởng đã nhận thấy sai lầm vậy không lẽ các tỉnh không nhận thấy điều đó hay sao? Hay có nhận thấy nhưng vì lý do nào đó mà vẫn “rất hăng hái”?

Từ đây nảy sinh một vấn đề rất cần được làm rõ là đằng sau sự “rất hăng hái” đó ẩn chứa động cơ gì. Đây hoàn toàn không phải là  suy đoán vu vơ vì chính tại phiên chất vấn này, một đại biểu Quốc hội  khẳng định việc cấp giấy phép thăm dò trong 12 tháng qua có quá nhiều vi phạm với trên 50% giấy phép trong tổng số 957 giấy phép của địa phương "phạm luật". Các vi phạm thường thấy là không có chứng nhận đầu tư; không có đánh giá tác động môi trường…  ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, đời sống dân sinh.

Và chính ông Bộ trưởng cho biết, năm 2013 Bộ đã tổ chức 8 đoàn kiểm tra các địa phương. Kết quả xác định, trong số 957 giấy phép cấp tỉnh có 103 giấy cấp không đúng thẩm quyền, 128 giấy không qua đấu giá, 29 giấy cấp cho dự án chưa có đánh giá tác động môi trường… Sau khi kiểm tra, Bộ đã kiến nghị Chính phủ xử lý. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị 9 tỉnh thu hồi các giấy phép theo quy định; 11 tỉnh thu hồi tại khu vực chưa có thăm dò, phê duyệt trữ lượng. Điều nghiêm trọng hơn cả là  việc khai thác khoáng sản nhỏ lẻ, đặc biệt là vàng sa khoáng ở các tỉnh miền núi, ảnh hưởng lớn tới môi trường, phá hoại sản xuất (ở Nghệ An cũng có tình trạng này). 

Đã nhìn rõ ra là mất nhiều hơn được và biết là vi phạm mà sao các tỉnh lại vẫn cứ “rất hăng hái”? Đây chính là lý do khiến Chủ tịch Quốc hội phải thốt lên đầy lo ngại: “Cấp phép khoáng sản như thế này là chết rồi! Cấp hàng ngàn giấy phép mà tới trên 50% có vi phạm. Tham nhũng, tiêu cực, phá hoại môi trường cũng từ đây”. Cấp phép bừa bãi, tràn lan, bất chấp hậu quả và cả liều lĩnh bất chấp luật pháp, phải trái, đúng sai hiển nhiên là phải có chuyện tiêu cực. Không ai cố tình làm trái mà không nhằm thu lợi cá nhân cả. Vì thế, các cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ động cơ thật sự của những hành vi sai trái đó để có các biện pháp xử lý, ngăn ngừa phù hợp.  

 Và điều quan trọng hơn cả là các tỉnh cần nhìn rõ những thiệt hại gây hậu quả lâu dài từ việc khai thác khoáng sản bừa bãi để tự kiềm chế. Vì theo thẩm quyền thì các tỉnh có quyền cấp phép khai thác nhưng, như lời đề nghị rất khẩn thiết của ông Bộ trưởng thì “Dù các địa phương đề nghị nhiều nhưng tinh thần chung là đề nghị các đồng chí hạn chế. Chúng ta phải cân nhắc khi cấp phép khai khoáng thì Nhà nước được cái gì, nhà đầu tư, người dân được gì? Khi khai thác, chúng ta hãy nghĩ đến môi trường, nghĩ đến tài nguyên cho thế hệ sau”.

Mong những người có trách nhiệm trong lĩnh vực này ở các địa phương hãy nghĩ đến thế hệ mai sau để mà tự kiềm chế và giảm bớt việc cấp phép khai thác khoáng sản nhỏ lẻ. Và tốt nhất là: đừng “rất hăng hái” nữa!


Duy Hương