(Baonghean) - Thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thanh Chương đã có chủ trương và nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Nhờ đó, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của chi bộ được nâng cao, tạo nên những chuyển biến rõ nét. 

image_1539980.jpgCác đồng chí trong Chi ủy xóm Tạ Xiêng, xã Ngọc Lâm hội ý giải quyết một số vấn đề đột xuất của xóm.
 
Trước hết là việc nâng cao năng lực của chi bộ trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, những vấn đề đặt ra ở từng địa bàn. Vấn đề này được thể hiện khá rõ nét ở một số chi bộ thuộc Đảng bộ xã Thanh Liên mà chúng tôi tiếp cận. Bí thư Chi bộ xóm Liên Tân, ông Trang Ngọc Tân, chia sẻ: “Muốn nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ thì phải giữ được nề nếp sinh hoạt. Hàng tháng, chi bộ duy trì sinh hoạt vào ngày mồng 3 để thảo luận, bàn bạc và xác định rõ những công việc, ra nghị quyết tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đối với từng nhiệm vụ cụ thể. Gắn với đó coi trọng việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí cấp ủy, đảng viên; đồng thời nâng cao vai trò của các chi hội đoàn thể cùng thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra”. Cũng theo đồng chí Tân, việc duy trì đúng định kỳ sinh hoạt chi bộ sẽ tạo sự chủ động cho các đảng viên tham gia đầy đủ các kỳ sinh hoạt, tranh thủ được trí tuệ của tất cả đảng viên nhằm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từng nhiệm vụ chính trị của chi bộ.  
 
Nhờ đó, Chi bộ Liên Tân đã thực hiện thành công nhiều phần việc, thể hiện rõ vai trò của chi bộ, của từng đồng chí đảng viên. Nổi bật nhất là việc lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới. Để tạo sự đồng thuận, hiệu quả trong công tác dồn điền, đổi thửa, chi bộ họp bàn, phân tích mục đích, mục tiêu lâu dài của việc dồn điền, đổi thửa cho từng đồng chí cấp ủy, từng đảng viên, từ đó phân công cho mỗi cấp ủy viên và đảng viên chịu trách nhiệm tuyên truyền cho người dân 9 tổ dân cư trong xóm. Quá trình chỉ đạo được thực hiện công khai, dân chủ, nhân dân tự đánh giá, bình bầu từng loại ruộng, ruộng tốt thì có tỷ lệ diện tích đất ít hơn ruộng xấu, khuyến khích hộ nào có điều kiện nhận một vùng và được ưu tiên nhận trước, sau đó tổ chức bốc thăm cho các hộ còn lại. Nhờ đó, từ 4 – 5 thửa/hộ, ruộng đất các hộ dân ở Liên Tân được tập trung, bình quân 1 – 2 vùng/hộ. Quá trình dồn điền, đổi thửa, chi bộ cũng đã chủ trương chỉ đạo mỗi suất nhận ruộng (trong xóm có 582 suất) hiến 6 m2 đất ruộng để dồn diện tích mở rộng khuôn viên nhà văn hóa. Hiện tại nhà văn hóa xóm có diện tích 3.000 m2; cùng với đó động viên nhân dân đóng góp tiền đào đắp 2.500 m3 đất; đầu tư thêm các thiết chế thể thao; mua sắm thêm quạt, tủ sách, hệ thống loa máy, với tổng giá giá trị trên 120 triệu đồng. 
 
Sau dồn điền, đổi thửa, chi bộ tiếp tục chỉ đạo việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó tiếp tục phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên. Nhờ đó, một số cây trồng có giá trị hàng hóa như dưa chuột, bí xanh được phủ xanh toàn bộ diện tích đất màu trong xã. Đồng thời chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo việc vận động nhân dân hiến đất mở rộng các trục đường nội xóm, đảm bảo đủ tiêu chí rộng 7 m và đóng góp tiền của làm giao thông nông thôn. Đi đầu trong những phong trào này là các đảng viên như: Trần Xuân Hợi, Võ Trọng Hồng, Võ Trọng Phúc, Hồ Thị Toan, Lê Văn Tân, Lê Văn Thương..., Xóm Liên Tân trở thành xóm vững mạnh toàn diện ở Thanh Liên, Chi bộ nhiều năm liền đạt danh hiệu “trong sạch, vững mạnh tiêu biểu” và là đơn vị được đi dự báo cáo điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cấp tỉnh.
 
Còn Chi bộ xóm Liên Châu (Thanh Liên) lại tập trung lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích, cải thiện đời sống thu nhập của bà con. Bí thư Chi bộ Khương Xuân Trúc, chia sẻ: Định hướng của Chi ủy và chi bộ trong các kỳ sinh hoạt chi bộ khi triển khai nhiệm vụ đều thông qua vai trò nòng cốt “dám nghĩ, dám làm” của đảng viên là khâu đột phá để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của chi bộ. Và ở Liên Châu, nhiều mô hình kinh tế đã tạo sự lan tỏa sâu rộng trong nhân dân như mô hình kinh tế của đảng viên Phan Bá Ngọc, và một số mô hình quần chúng khác như gia đình ông Phạm Văn Dần, Nguyễn Thế Sơn, Nguyễn Thế Nga..., góp phần giảm tỷ lệ hộ đói nghèo ở địa phương xuống 7,82%. Và ở Liên Châu, phong trào xử lý rác tại gia được chi bộ quan tâm, chỉ đạo. Thông qua xây dựng các hố chứa rác tại gia đình để thu gom và xử lý, hạn chế đến mức thấp nhất rác thải ra môi trường, góp phần giữ gìn làng xóm vệ sinh sạch – đẹp.
 
Không chỉ ở hai chi bộ Liên Tân, Liên Châu, hầu hết các chi bộ ở Thanh Chương khi thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ (theo Nghị quyết số 13/NQ-HU, ngày 28/6/2012) của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ giai đoạn 2011 – 2015”, đều lựa chọn những nhiệm vụ và vấn đề sát sườn ở cơ sở để tập trung giải quyết, từ đó nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của mình. Đồng chí Đặng Anh Dũng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Nếu năng lực lãnh đạo ở các chi bộ không được nâng lên thông qua các nghị quyết thì nhiều nhiệm vụ chính trị ở Thanh Chương thời gian qua khó mà thực hiện được, nhất là công tác dồn điền, đổi thửa, xây dựng nông thôn mới. Thực tiễn ở Thanh Chương, công tác dồn điền, đổi thửa đã thực hiện rất tốt, trở thành một trong số các địa phương về đích sớm của tỉnh. Phong trào xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa đói, giảm nghèo đang có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Năng lực lãnh đạo của chi bộ được nâng lên thông qua duy trì nề nếp sinh hoạt chi bộ một cách nghiêm túc, đúng và đủ kỳ; đặc biệt cấp ủy từ huyện đến cơ sở đã chỉ đạo các chi bộ bám Hướng dẫn số 09-HD/BTCTƯ ngày 1/3/2012 của Ban Tổ chức Trung ương về "Nội dung sinh hoạt chi bộ", từng bước đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, khẳng định vai trò hạt nhân chính trị tại cơ sở. Nhờ đó, trong 3 năm (2011- 2013) không có chi bộ xếp loại yếu, kém và tỷ lệ chi bộ được xếp loại trong sạch, vững mạnh tăng lên. 
 
Song song với đó, Huyện ủy Thanh Chương cũng đã thực hiện quy chế, hàng tháng các đồng chí Huyện ủy viên về tham gia sinh hoạt chi bộ trong đơn vị phụ trách, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy ít nhất 1 quý/1 lần về dự sinh hoạt chi bộ trong vùng phụ trách để nắm tình hình ở cơ sở, có định hướng, giúp đỡ cơ sở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Theo đó, cấp ủy cơ sở, hàng tháng cũng “cắm” một cấp ủy viên về sinh hoạt ở các chi bộ, trong đó có nhiều cơ sở thông qua các cuộc sinh hoạt chi bộ, họp xóm đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, thị trấn đã trực tiếp tham gia dự họp vừa để kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vừa để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ những khó khăn, kiến nghị đề xuất chính đáng của quần chúng nhân dân, qua đó đã tạo được những hiệu ứng tích cực, góp phần củng cố niềm tin của quần chúng. Đồng thời, thực hiện nhất thể hóa chức danh:100% bố trí chức danh bí thư chi bộ cũng là trưởng hoặc phó phòng (ban) ở các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp; bí thư kiêm trưởng ban công tác mặt trận xóm, phó bí thư kiêm xóm trưởng nên đã nâng cao vị thế công tác xây dựng Đảng ở chi bộ. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-HU “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ giai đoạn 2011 – 2015, cũng đã thấy rõ: Chất lượng sinh hoạt ở một số chi bộ chưa đáp ứng yêu cầu, mà nguyên nhân do còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, tổ chức đoàn thể chưa nhận thức và thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình; năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và chất lượng sinh hoạt Đảng có lúc, có nơi còn bất cập; việc giải quyết vấn đề nảy sinh ở cơ sở còn lúng túng; việc cụ thể hóa nghị quyết của chi ủy có lúc chưa sát với thực tế địa bàn, đơn vị; bên cạnh đó công tác kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, đảng viên có lúc, có nơi còn buông lỏng, vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm tư cách, vi phạm khuyết điểm bị kỷ luật.
 
Mai Hoa