(Baonghean) - Xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, cùng hợp tác, tương trợ lẫn nhau phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo, làm giàu chính đáng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được MTTQ các cấp thực hiện với nhiều cách làm thiết thực, nhiều mô hình sáng tạo, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Nhiều cách hỗ trợ thiết thực
Xã Thanh Xuân nằm ở cuối huyện Thanh Chương được coi là “rốn” lũ vùng Bích Hào nên nông nghiệp một năm chỉ sản xuất được vụ xuân, còn vụ hè thu, vụ đông... “đồng không mông quạnh”. Chính vì thế, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, xã thuộc khu vực 3 đặc biệt khó khăn. Điều kiện đó dẫn đến việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức công tác xóa đói, giảm nghèo của xã gặp muôn vàn khó khăn. Với vai trò, thế mạnh trong vận động quyên góp sự ủng hộ, chung tay của cả xã hội chăm lo cho người nghèo, hộ nghèo.
Những năm qua, thông qua cuộc vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, MTTQ xã Thanh Xuân đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong xã, bình quân mỗi năm, quỹ nhận được số tiền ủng hộ khoảng 20 triệu đồng để giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nghèo, người nghèo phục vụ sản xuất; hỗ trợ khi ốm đau, bệnh tật, bị rủi ro. Đặc biệt, MTTQ xã kêu gọi sự ủng hộ con em xa quê, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chăm lo cho người nghèo. Nhờ đó, quỹ đã tặng sữa, tặng sách vở và đồ dùng học tập cho con em hộ nghèo; chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo của các doanh nghiệp....
Có dịp cùng với đại diện Ngân hàng HDBank về xã Thanh Xuân trao hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và đã cảm nhận một điều là người nghèo ở Thanh Xuân vẫn nghèo hơn các hộ nghèo ở một số địa phương khác. Gia đình bà Lê Thị Châu, năm nay trên 90 tuổi, là đối tượng hưởng chế độ 202 (chính sách người già cả, trẻ mồ côi của Nhà nước), bản thân cậu con trai Nguyễn Văn Lâm ở cùng nhà và con dâu đều bị tàn tật, 2 đứa cháu nội đang độ tuổi học tiểu học. Hoàn cảnh gia đình như vậy, nếu không có kêu gọi hỗ trợ từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm thì chưa biết bao giờ nhà Châu mới có mái nhà “kín trên, kín dưới” được.
Được HDBank hỗ trợ 30 triệu đồng, cộng với sự hỗ trợ của địa phương, bà con láng giềng góp ngày công lao động, sau 1 tháng xây dựng, gia đình bà Châu đã có ngôi nhà mới trị giá gần 50 triệu đồng. Hôm nhận nhà mới, bà Châu rất xúc động: “Đây là ngôi nhà của tình đoàn kết. Và không chỉ ngôi nhà này, cuộc sống hàng ngày gia đình tui luôn nhận được sự giúp đỡ, ưu tiên hỗ trợ từ nhiều chương trình, chính sách khác. Địa phương có chương trình hỗ trợ nào là gia đình chúng tôi đều được ưu tiên”. Không riêng gì gia đình bà Châu, mà trên địa bàn xã trong 3 năm (2012, 2013 và 2014) đã 76 có hộ nghèo được giúp đỡ về nhà ở. Ông Nguyễn Khánh Thành - Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, cho rằng: “Mặc dù vẫn chưa thể thoát ra khỏi cái nghèo, khó khăn, nhưng những gì mà MTTQ xã đã làm được thời gian qua cũng đã góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn có hiệu quả. Từ 37,75% hộ nghèo năm 2011, đến nay tỷ lệ đói nghèo toàn xã giảm còn 19,2%”.
Còn Nghi Lộc, với địa hình, cơ cấu dân cư khá đa dạng, số xã vùng bán sơn địa và vùng biển nhiều nên tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao. Xác định cuộc vận động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo thêm nguồn lực, giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, những năm qua, MTTQ các cấp ở Nghi Lộc đã triển khai nhiều cách vận động linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện của từng địa bàn. Ngoài vận động ủng hộ bằng tiền mặt, MTTQ còn huy động cả ngày công lao động, giúp đỡ về kiến thức làm ăn, cho mượn phương tiện sản xuất, giúp xi măng, giúp sức để làm nhà cho người nghèo.
Trong 5 năm (2009 – 2013), toàn huyện đã huy động được trên 5,4 tỷ đồng. Cùng với nguồn từ cấp trên chuyển về, huyện đã hỗ trợ xây dựng 231 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, trị giá trên 6,1 tỷ đồng; sữa chữa 272 nhà ở, trị giá gần 1 tỷ đồng; hỗ trợ 215 hộ nghèo làm nhà theo Quyết định 167 của Chính phủ. Ngoài việc hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, hỗ trợ nhà nghèo chữa bệnh, con em hộ nghèo học tập... Từ năm 2012, MTTQ huyện Nghi Lộc đã chuyển hướng giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo bền vững thông qua việc mua và cấp bò sinh sản với 187 con; thông qua các hoạt động tín dụng tiết kiệm, tập huấn kiến thức làm ăn, hỗ trợ về con giống gà, lợn để giúp đỡ hội viên của các thành viên MTTQ như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân....
Sự đóng góp của MTTQ và các thành viên ở huyện Nghi Lộc đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện từ trên 16% (năm 2009) xuống còn 9,7% (cuối năm 2913). “Để tiếp tục góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước, MTTQ huyện Nghi Lộc đang tăng cường hướng mạnh về cơ sở với nhiều nội dung, phần việc được lồng ghép. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấy cây trồng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng thu nhập cao, cải thiện thu nhập của người dân. Riêng cuộc vận động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, sẽ tập trung ở cả 2 khía cạnh, số tiền vận động tăng lên và hiệu quả sử dụng đồng tiền đó một cách có hiệu quả và sinh lời” - Chủ tịch MTTQ huyện Trần Xuân Quang chia sẻ.
Hướng tới mục tiêu xã hội hóa xóa đói, giảm nghèo
Nghệ An là một tỉnh nghèo, đặc biệt nhiều huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao. Do đó, Ủy ban MTTQ tỉnh đã xác định công tác xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, góp phần tích cực vào chương trình xóa đói, giảm nghèo chung của tỉnh. Trong 5 năm (2009 – 2014), Quỹ Vì người nghèo của tỉnh vận động thu được gần 150 tỷ đồng (riêng 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh thu được 16 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch). Từ nguồn quỹ này, MTTQ tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa giúp đỡ 9.000 hộ nghèo được cải thiện về nhà ở; hỗ trợ kịp thời cho hàng nghìn hộ nghèo mua vật tư, phương tiện sản xuất, chữa bệnh, tạo điều kiện giúp đỡ người nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, MTTQ còn hỗ trợ cho hàng nghìn con em hộ nghèo có điều kiện học hành, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, nhiều tổ chức thành viên của MTTQ tỉnh có nhiều biện pháp để huy động nhiều nguồn lực, tổ chức nhiều phong trào thi đua xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Nổi bật có Hội Phụ nữ tỉnh, với việc chỉ đạo các cấp hội tích cực hỗ trợ kiến thức, điều kiện để giúp phụ nữ giảm nghèo, phát triển kinh tế thông qua triển khai các chương trình, dự án vay vốn, giải quyết việc làm. Tổng nguồn vốn các cấp hội đang quản lý là trên 2.467 tỷ đồng, giúp cho 239.881 hộ vay. Từ sự hỗ trợ của các cấp hội, đã có 96.000 hộ hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo. Các phong trào “Hũ gạo tiết kiệm”, “Ống tiền tiết kiệm”, “Nuôi lợn tiết kiệm”, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”..., do các cấp hội triển khai thời gia qua cũng đã tạo điều kiện giúp cho nhiều gia đình hội viên nghèo vượt qua những giai đoạn khó khăn để vươn lên... Song song với đó, MTTQ tỉnh và các huyện thông qua hơn 1.200 già làng, người uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh để tuyên truyền, thuyết phục, hướng dẫn đồng bào ổn canh, ổn cư, để ổn định cuộc sống.
Có thể nói, thông qua các cuộc vận động, các chương trình, đề án xóa đói, giảm nghèo, MTTQ và các tổ chức thành viên trong toàn tỉnh đã, đang nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Với sự nỗ lực đó, hàng năm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 2,1 đến 3,1% đến thời điểm này tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 13,4%. Hiện tại, mục tiêu giảm nghèo được tỉnh xác định sẽ về đích 1 năm trước Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, với tỷ lệ hộ nghèo còn 10% vào cuối năm 2014. Thế nhưng, rà soát đầu năm 2014, toàn tỉnh có 13,4% hộ nghèo. Như vậy, từ nay đến hết năm 2014 phải giảm 3,4% hộ nghèo, nhiệm vụ đặt ra của các cấp, các ngành và hệ thống trị từ tỉnh đến cơ sở cần phải chỉ đạo quyết liệt, điều tra chặt chẽ để phản ánh đúng thực trạng hộ nghèo.
Từ đó, đầu tư các nguồn lực và các giải pháp để thực hiện mục tiêu được đưa ra phấn đấu. Yêu cầu đặt ra đối với MTTQ và các thành viên từ tỉnh xuống cơ sở đó là quan tâm tác động, giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Vì vậy, trong thời gian tới, nguồn lực huy động từ cuộc vận động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo sắp tới sẽ tập trung ưu tiên hỗ trợ về phương tiện sản xuất, đặc biệt là các cây, con giống; giúp đỡ về kỹ thuật, kiến thức làm ăn, tạo việc làm cho người nghèo, hộ nghèo. Gắn với đó là lực chọn đúng đối tượng nghèo đề có sự tác động, giúp đỡ phù hợp; sâu sát từng đối tượng để các nguồn lực dành cho công tác xóa đói, giảm nghèo phát huy hiệu quả cao, góp phần giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Mai Hoa