Năm học 2017 - 2018, để xử lý tình trạng dôi dư giáo viên, giải pháp được Sở GD&ĐT Nghệ An đưa ra là bố trí các giáo viên “thừa” xuống dạy bậc tiểu học và mầm non. Theo một cách hiểu nào đó, giáo viên bậc THCS sẽ có “trình” cao hơn bậc tiểu học và giáo viên được đào tạo tiểu học sẽ hơn bậc học mầm non.
Thực tế không phải vậy, mỗi cấp học có đặc thù riêng, chuyên biệt, độ tuổi, tâm lý học sinh cũng khác nhau nên mới hình thành nên các chuyên ngành đào tạo sư phạm khác nhau. Bố trí giáo viên dôi dư vào các cấp học không đúng chuyên ngành đào tạo chẳng qua là giải pháp cực chẳng đã khi không thể đưa họ ra khỏi hệ thống vì liên quan các yếu tố pháp lý như Luật Lao động, Luật Giáo dục…
Liên quan đến nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng dôi dư, theo thông tin từ ngành Giáo dục Nghệ An, đến cuối năm học 2017-2018, số giáo viên dôi dư do các huyện tự ký hợp đồng là hơn 500 người, chiếm khoảng 50% tổng số giáo viên dôi dư hiện nay. Tuy nhiên đây là con số thống kê được trên sổ sách...
Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An vào ngày 31/7 vừa qua, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng,rất khó để quản lý và kiểm soát, ngăn cản hiệu trưởng các trường học tự ý hợp đồng với giáo viên. Người đứng đầu ngành Giáo dục tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh có giải pháp mạnh để giải quyết vấn đề này.
Ở đây tồn tại 2 thực tế. Thứ nhất lâu nay các trường thiếu giáo viên, nhất là đối với các môn học không phải chính khóa như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Ngoại ngữ… Trong điều kiện không có định biên, hiệu trưởng các trường đã phải “đo ni đóng giày”, hợp đồng giáo viên ngoài để đảm bảo yêu cầu chất lượng giáo dục. Điều này cũng có nghĩa, “miếng bánh” ngân sách dành cho nhà trường sẽ phải chia ra nhiều phần khiến mức thu nhập bình quân của cán bộ, giáo viên sẽ teo bớt. Đây cũng là cái khó của hiệu trưởng các trường học.
Vấn đề thứ hai, những người đứng đầu các trường học đang tuyển giáo viên hợp đồng không phải vì mục đích đảm bảo số tiết học, môn học và chất lượng giáo dục dành cho học sinh; đây đang là vấn đề khiến dư luận đặt dấu hỏi. Dù biện minh bằng lý do gì thì dôi dư giáo viên là một sự thật và người đóng vai trò trực tiếp chính là các hiệu trưởng.
Nhưng không chỉ có vậy, xét trên phương diện an ninh học đường, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an Nghệ An cho rằng, những người đứng đầu các trường học đã và đang gây ra tình trạng mất ổn định ANTT bằng các khoản thu thêm, dạy thêm, học thêm. Tất nhiên ở đây có vai trò, quản lý lãnh đạo của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh.
Lý giải cho ý kiến của mình, Giám đốc Công an Nghệ An khẳng định, năm 2017 địa bàn tỉnh đã xảy ra một số điểm nóng mà nguyên nhân là phụ huynh học sinh phản đối việc dạy thêm, học thêm và thu thêm của các trường học. Bên cạnh đó, “mượn” hình thức xã hội hóa, các khoản lạm thu trái với quy định trong các nhà trường không hề thay đổi dù dư luận phản ứng gay gắt từ nhiều năm nay. Phải chăng có sự ngấm ngầm đồng tình có hệ thống của ngành Giáo dục mà người đứng đầu các trường học là mắt xích biểu hiện rõ ràng nhất?
Trước khi bước vào năm học mới 2018-2019, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu UBND tỉnh và ngành Giáo dục phải triệu tập một cuộc họp với sự tham gia của tất cả Chủ tịch UBND các huyện và hiệu trưởng, hiệu phó các trường học trên địa bàn tỉnh. Mục đích nhằm siết chặt kỷ cương trong môi trường giáo dục và cũng là một “liệu pháp” đối với những người đứng đầu trong hệ thống trường học của Nghệ An. Nếu được tổ chức, đây sẽ là lần đầu tiên có một hội nghị hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị đạo đức dành riêng cho các hiệu trưởng, hiệu phó các nhà trường.