Dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy đã có phiên làm việc với lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh. Hội nghị nghe và cho ý kiến về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2017-2018, phương hướng nhiệm vụ năm học 2018-2019. Hoạt động này nằm trong chương trình công tác thường kỳ tháng 7 của BTV Tỉnh ủy. Ảnh: Đào Tuấn Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, năm học 2017-2018 trên địa bàn tỉnh đã công nhận mới 48 trường chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn tính đến ngày 30/6/2018 là 1.043 trường, tương đương 68,66%. Ngành Giáo dục tỉnh đã tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Về chất lượng giáo dục, Nghệ An tiếp tục giữ vững tốp 3 toàn quốc. Có 89 em đạt giải quốc gia, trong đó có 4 giải Nhất, 23 giải Nhì, 38 giải Ba, 24 giải Khuyến khích, 1 học sinh được chọn vào đội tuyển dự thi Olympic Hóa học quốc tế và 1 dự án được chọn tham dự cuộc thi KHKT quốc tế năm 2018 tại Hoa Kỳ.
Năm 2017 có 46.437 người làm trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục hưởng lương từ ngân sách; 2.508 người theo chế độ hợp đồng trong các trường mầm non công lập hưởng lương từ nguồn hỗ trợ ngân sách Trung ương theo Thông tư 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV (Thông tư liên tịch giữa Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ), 100% giáo viên đạt chuẩn.
Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn Phát biểu gợi mở thảo luận tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Sở GD&ĐT làm rõ các nội dung thanh tra mà Thường trực Tỉnh ủy đã yêu cầu UBND tỉnh và ngành Giáo dục trong năm 2017. Theo đó, có 3 nội dung thanh tra tại các trường tiểu học được Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh thực hiện. Đó là tỷ lệ giáo viên tại các trường chuẩn quốc gia thừa hay thiếu, hợp đồng giáo viên tại các trường là đúng hay sai và việc thu chi nguồn kinh phí xã hội hóa đối với hình thức học 2 buổi/ngày.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn Trả lời nội dung này, đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi thừa nhận thiếu sót, tồn tại tình trạng sử dụng chưa đúng mục đích nguồn thu – chi xã hội hóa. Trong đó phổ biến nhất là các trường tiểu học sử dụng nguồn thu này để trả cho giáo viên hợp đồng. Liên quan đến nội dung này, Giám đốc Sở GD&ĐT cũng đề nghị Tỉnh ủy và UBND tỉnh có biện pháp xử lý đối với các trường tự ý ký hợp đồng giáo viên tiểu học và mầm non.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.000 giáo viên thuộc diện dôi dư, trong đó có 50% giáo viên hợp đồng, tập trung nhiều ở các huyện: Diễn Châu, Yên Thành, Thanh Chương, Anh Sơn và Nghi Lộc. Sở cũng đã làm việc với các huyện sắp xếp, bố trí bằng cách chuyển giáo viên dôi dư dạy bậc học tiểu học và mầm non.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh yêu cầu Sở GD&ĐT làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến hoạt động giáo dục. Ảnh: Đào Tuấn Thẳng thắn góp ý với ngành GD&ĐT tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường – Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh cho rằng, trong báo cáo tổng kết năm học chủ yếu đang nói về lĩnh vực giáo dục phổ thông, chưa làm rõ vai trò của ngành trong công tác quản lý các trường cao đẳng, dạy nghề, trung cấp. Theo Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh cho rằng việc quản lý thu, chi trong các trường học, hoạt động dạy thêm, học thêm, thu từ xã hội hóa, vấn đề an ninh trường học, hoạt động hướng nghiệp dạy nghề, khuyến học cũng như hoạt động nâng cao phẩm chất đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh chưa được làm rõ. Bên cạnh đó, hiện nay đang nở rộ các trung tâm đào tạo ngoại ngữ, dạy kỹ năng cho học sinh, việc quản lý hoạt động ra sao.
Giải trình nội dung này, Giám đốc Sở GD&ĐT tiếp thu ý kiến Bí thư Đảng ủy Khối, đồng thời cho biết trong thời gian qua Sở GD&ĐT tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và đã rút giấy phép một số trung tâm.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh đã báo động một số vấn đề liên quan đến an ninh trường học. Ảnh: Đào Tuấn Báo động về vấn đề an ninh học đường, Đại tá Nguyễn Hữu Cầu – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an Nghệ An cho rằng, thời gian gần đây nổi lên một số giáo viên bị lôi kéo, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội. Nhìn nhận vấn đề dạy thêm, học thêm, thu thêm trên phương diện an ninh trường học, Giám đốc Công an tỉnh khẳng định, hoạt động này đang gây ra dư luận trái chiều, bị các đối tượng xấu lợi dụng xuyên tạc, gây mất ổn định an ninh trật tự. Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cũng đề nghị tỉnh cần có giải pháp chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, trường học nào vi phạm phải xử lý mạnh để làm gương.
Ghi nhận những kết quả ngành Giáo dục tỉnh đạt được trong năm học 2017-2018, tuy nhiên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền cũng khẳng định đây là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm. Chính vì vậy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở GD&ĐT phải thường xuyên tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra và phải báo cáo cụ thể với UBND tỉnh sau mỗi đợt tiến hành, trên cơ sở đó để có các giải pháp chấn chỉnh hoạt động giáo dục.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại cho rằng, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia không nhất thiết phải chạy theo số lượng trường mà phải chú trọng vào chất lượng giáo dục. Ảnh: Đào Tuấn Cho rằng hiện nay Nghệ An đang chủ yếu quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi mà chưa có giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng học sinh đại trà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại nói rằng, Kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua Nghệ An xếp thứ 42 cả nước đã phần nào phản ánh khách quan việc giáo dục tỉnh đang tập trung cho học sinh “gà chọi”.
Bên cạnh đó, đồng chí Lê Xuân Đại cũng cảnh báo tình trạng ma túy đang len lỏi vào trường học, nhiều giáo viên tham gia đường dây vận chuyển, tàng trữ, buôn bán ma túy. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng lưu ý về xây dựng trường chuẩn quốc gia, theo đó không nhất thiết phải chạy theo số lượng trường mà phải chú trọng vào chất lượng giáo dục.
Đồng chí Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đào Tuấn Liên quan đến sắp xếp, bố trí đội ngũ giáo viên, đồng chí Lê Minh Thông – Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở GD&ĐT nghiêm túc chấp hành chủ trương tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII. Theo đó, giải pháp cho vấn đề này là giảm giáo viên, tăng sỹ số học sinh, chú trọng công tác xã hội hóa, tự chủ trong hệ thống trường học.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu Sở GD&ĐT cần quan tâm đến công tác phổ cập giáo dục, xác định tỷ lệ học sinh đến trường hàng năm. Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cần tăng cường kỷ cương trong môi trường học đường.
“Nếu kỷ cương không được đề cao sẽ dẫn đến sự lệch chuẩn, môi trường học đường phải nề nếp lành mạnh. Nếu ngành Giáo dục không giữ được kỷ cương sẽ phát sinh nhiều hệ quả khác”– đồng chí Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, đồng thời khẳng định Tỉnh ủy sẽ giám sát nội dung này.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu UBND tỉnh và Sở GD&ĐT cần có các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, giải quyết các vấn đề mà thực tế đòi hỏi. Ảnh: Đào Tuấn Đối với nhân lực, biên chế trong ngành Giáo dục, Trưởng Đoàn ĐBQH cho rằng ngành Giáo dục không giảm thì không ngành nào có thể giảm được. Chính vì vậy, phải tính toán tổng thể về mạng lưới trường, lớp, giáo viên, học sinh nhằm sắp xếp phù hợp.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cũng đề nghị UBND tỉnh sớm thông qua và báo cáo Thường trực Tỉnh ủy về vấn đề đầu tư các trường học trọng điểm. Bên cạnh đó yêu cầu hủy bỏ các văn bản, quyết định thu trái quy định trước khi bước vào năm học mới.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, phải đề cao tiêu chuẩn đạo đức trong môi trường giáo dục. Ảnh: Đào Tuấn Người đứng đầu Tỉnh ủy cũng yêu cầu UBND tỉnh mở hội nghị triệu tập tất cả các Chủ tịch UBND huyện, thành, thị để chuẩn bị triển khai năm học mới. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các địa phương nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động giáo dục và đào tạo.
Trong quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo trường học, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu siết chặt tiêu chuẩn đạo đức đối với hiệu trưởng, hiệu phó. “Trong môi trường giáo dục nếu người đứng đầu không đảm bảo tiêu chuẩn này thì không thể chấp nhận được” – đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thẳng thắn.