(Baonghean) - Như Báo Nghệ An đã thông tin ở chuyên đề 'Giải bài toán giáo viên dôi dư', để 'hạ nhiệt' tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, ngành Giáo dục ưu tiên tuyển dụng giáo viên tiểu học và giáo viên THCS xuống làm 'cô nuôi dạy trẻ'. Giải pháp này tiếp tục gặp phải những bất cập.
>>> Nghệ An: Thừa 1.500 giáo viên vẫn tiếp tục ký hợp đồng mới
>>>Thừa giáo viên ở Nghệ An: Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh phải đi học chăm trẻ
Những nỗi niềm
Dù toàn tỉnh vẫn còn dôi 1.500 giáo viên, được phép tuyển dụng tới 900 chỉ tiêu cho bậc mầm non, nhưng đến nay cũng chỉ có 450 giáo viên bậc tiểu học và THCS tự nguyện viết đơn xin được xuống chăm trẻ. Dù, tất cả những giáo viên diện được “mời xuống dạy mầm non” phần đông đều được “hứa hẹn” sẽ được quay về khi có chỉ tiêu xét tuyển biên chế (nhất là đối với giáo viên bậc THCS) và được hưởng mức lương lý tưởng hơn.
Là địa phương đang vận dụng triệt để Hướng dẫn liên ngành 288/HDLN-SGD& ĐT-SNV- STC để giải quyết tình trạng giáo viên dôi dư, Con Cuông năm nay đã tuyển được 21 chỉ tiêu xuống dạy mầm non trong số 40 giáo viên dôi dư. Ông Đàm Văn Minh - cán bộ Phòng Nội vụ huyện Con Cuông cho biết, 21 giáo viên nói trên gồm các giáo viên nữ và 6 giáo viên nam trong số dôi dư. Số còn lại không thể xuống mầm non vì đều là giáo viên nam đã lớn tuổi, không có khả năng chăm trẻ. Cũng theo cán bộ Phòng Nội vụ huyện Con Cuông, đây là một bước đi mạnh dạn nhưng phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Bởi, trong 6 giáo viên nam này có những giáo viên đã có thâm niên 14 năm trong nghề, nhưng vẫn không được biên chế, vẫn chỉ được hưởng mức lương trên dưới 2.000.000 đồng/người/tháng.
Đối với 6 giáo viên nam được tuyển dụng đợt này ở Con Cuông, có thầy giáo Nguyễn Văn Hải là giáo viên dạy giỏi môn Lịch sử tại Trường THCS chuyên Trà Lân. Thầy Hải từng là giáo viên cắm ở các chốt điểm lẻ tận vùng sâu, vùng xa thuộc xã Môn Sơn, được tuyên dương vì có thành tích xuất sắc trong việc vận động trẻ đến trường.
Thầy Hải chia sẻ: “Đã có thâm niên trong nghề tới 14 năm, tâm huyết vô cùng với bộ môn Lịch sử, được đào tạo hệ đại học, nhưng vì mức thu nhập thấp và mãi vẫn không được biên chế nên sau nhiều đêm suy nghĩ tôi đã quyết định viết đơn xin xuống dạy mầm non, dù biết sẽ rất khó hòa nhập, khó để đứng lớp như các giáo viên nữ khác”. Về trường chưa được 1 tuần, cũng chưa có chứng chỉ đào tạo mầm non, nhưng thầy Hải đã được phân công làm “giáo viên 2” tại điểm trường lẻ của Trường Mầm non Chi Khê.
Cô giáo Chu Thị Minh Lý - Hiệu phó Trường Mầm non Chi Khê cho biết, thầy Hải rất cố gắng làm các công việc như chải đầu buộc tóc, mặc quần áo, bón cơm cho trẻ. “Nhìn thầy cố gắng chăm trẻ mà thương, vì chúng tôi cũng biết giáo viên mầm non là giáo viên nam là trường hợp hiếm, không chỉ trên địa bàn tỉnh mà trên địa bàn cả nước” - cô Lý nói.
Đối với huyện Quỳnh Lưu là địa bàn trước đây đã từng tuyển 30 giáo viên mầm non từ bậc THCS và tiểu học, nhưng chưa đứng lớp vì chưa có chứng chỉ đào tạo, năm học này cũng đã tuyển thêm được 15 giáo viên diện dôi dư trong tổng số 76 chỉ tiêu được giao tuyển dụng mầm non. Theo ông Kiều Văn Thanh - Trưởng phòng Nội vụ huyện Quỳnh Lưu: “Tất cả các trường hợp này đều là giáo viên có năng lực, có kinh nghiệm. Quan điểm của huyện là sẽ điều chuyển lại nếu thời gian tới các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thiếu giáo viên”.
Trường Mầm non Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu) trong tháng 10 đồng thời nhận 3 cô giáo từ các trường tiểu học, THCS trên địa bàn, trong đó có một giáo viên dạy Lịch sử, một giáo viên dạy Hóa học và một giáo viên dạy Mỹ thuật. Hiệu trưởng nhà trường - cô Trịnh Thị Thúy rất thấu hiểu với hoàn cảnh của các cô giáo mới chuyển công tác và cố gắng tạo điều kiện để các giáo viên có kinh nghiệm kèm cặp. Tuy vậy, đứng trên góc độ chuyên môn, cô Thúy khá băn khoăn bởi giáo viên mầm non là một nghề đặc thù; những giáo viên chưa có kinh nghiệm, chưa được đào tạo bài bản sẽ gặp nhiều khó khăn.
Chính các giáo viên cũng bày tỏ sự lo lắng khi phải làm quen với môi trường mới, công việc mới. Cô Đặng Thị Thu Phương có thâm niên hơn 10 năm dạy môn Hóa học ở Trường THCS Quỳnh Giang chia sẻ, sau gần 2 tháng quan sát các cô giáo mầm non đứng lớp, đã vô cùng hoang mang vì cho rằng bản thân không thể tiếp cận với bài giảng mầm non.
Cô Phương cũng thẳng thắn cho biết: Nhiều năm làm giáo viên hợp đồng, lương thấp, bấp bênh nên cô mới chuyển sang làm giáo viên mầm non. Dù vậy, cô vẫn không khỏi tiếc nuối bởi ở trường cũ, cô là giáo viên dạy chuyên môn Hóa học duy nhất và nhiều năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện... Khi được hỏi về mong muốn trong tương lai, tất cả các giáo viên được điều chuyển đều hy vọng được quay lại với công việc cũ, bởi đó mới là chuyên môn chính, là sở trường và tâm huyết của họ trong sự nghiệp chèo đò.
Bất cập từ công tác đào tạo
Để có thể tuyển dụng các giáo viên tiểu học, THCS xuống bậc mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo đã “thuận tình” cho các địa phương tự hợp đồng, liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng có mã ngành đào tạo mầm non. Các huyện Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Thanh Chương, Diễn Châu liên kết với Trường Trung cấp Việt Anh; huyện Nghi Lộc, Yên Thành, Đô Lương liên kết với Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An…
Là trường đầu tiên liên kết phối hợp đào tạo giáo viên mầm non hệ vừa học vừa làm, Trường Trung cấp Việt Anh đã cung cấp chứng chỉ cho 500 giáo viên. Hiện trường này đang tiếp tục đào tạo cho gần 600 giáo viên diện dôi dư từ các huyện có liên kết. Trong số này, có 2 lớp được dạy tại trụ sở chính của trường, 4 lớp còn lại trường phối hợp với các trung tâm GDTX các huyện mở lớp tại địa phương.
Nhận xét về những học viên “đặc biệt” này, ông Phạm Huy Hoàng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Anh cho biết: Do có nhiều năm kinh nghiệm đứng lớp nên ý thức và kỹ năng sư phạm của các cô khá tốt. Tuy nhiên, vì trái nghề nên các cô gặp nhiều khó khăn với các môn năng khiếu.
Để khắc phục những hạn chế này, trong chương trình dạy học, nhà trường bố trí số tiết thực hành nhiều hơn mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiệu trưởng nhà trường cũng khẳng định: Về việc này, trường rất thuận lợi bởi có các lớp mầm non đang mở ở trường và giáo viên có thể thực tập tại chỗ.
Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế lại không được như kỳ vọng. Do các lớp chủ yếu mở ở trung tâm giáo dục thường xuyên nên những buổi học chính giáo viên chủ yếu học chay lý thuyết. Thời gian thực hành ở trụ sở chính bị rút lại gói gọn trong cuối tuần. Việc bố trí các bộ môn mang tính chuyên ngành, đặc thù cao như Múa, Âm nhạc với số lượng tiết từ 30 - 40 tiết (tương đương với một môn 3,4 buổi) cũng khó có thể đạt chất lượng.
Tại Con Cuông, 21 giáo viên vừa có quyết định điều chuyển cũng đang theo học lớp trung cấp mầm non. Các giáo viên cho biết, đã học được 7 tháng tại Trung tâm GDTX huyện một số môn, còn lại phải xuống Trung tâm GDTX tỉnh và Trung cấp dạy nghề du lịch Cửa Lò. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Quế - Giám đốc Trung tâm GDTX huyện: Trung tâm chỉ làm nhiệm vụ tuyển sinh, giới thiệu cho học viên học tại Trường Trung cấp Tổng hợp Đông Đô (Hà Nội). Còn học viên sau khi trúng tuyển sẽ học tại Trường Trung cấp Dạy nghề du lịch Cửa Lò (?).
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng phòng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo), cho biết: Từ tháng 6/2016, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét để Trường Trung cấp Tổng hợp Đông Đô đào tạo 100 chỉ tiêu trung cấp sư phạm mầm non, hình thức đào tạo tập trung. Cũng theo văn bản này, các lớp học phải đặt tại Trường Trung cấp tư thục Du lịch miền Trung. Nếu trung tâm GDTX nào “lách luật” cho mở lớp tại chỗ là trái với quy định.
Việc đào tạo tay nghề mầm non cho giáo viên diện dôi dư cũng đang gặp chỉ trích từ chính đội ngũ giáo viên tham gia công tác đào tạo. Một tiến sỹ đang là giảng viên khoa Giáo dục, Trường Đại học Vinh, cho biết: Thực tế cho thấy, nếu để gần 1.000 giáo viên dôi dư xuống dạy mầm non với tấm bằng chưa đảm bảo về chất lượng thì không chỉ ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục và sự an toàn của trẻ, mà 10, 20 năm nữa còn ảnh hưởng đến chiến lược phát triển giáo dục lâu dài. Thử tưởng tượng cả một thế hệ hàng nghìn trẻ em được chăm sóc bởi những giáo viên chưa đủ trình độ, năng lực thì hệ quả như thế nào.
“Cá nhân tôi cho rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương cần phải nhận thức việc giảng dạy ở bậc mầm non không thể xem nhẹ. Thay vì cho giáo viên đi học cấp tốc, học để có chứng chỉ thì nên tạo điều kiện để giáo viên đi vào đào tạo chuyên sâu” - vị tiến sỹ nói trên nêu quan điểm.
Cách thức đào tạo như hiện nay đặt ra dấu chấm hỏi lớn cho những giáo viên dôi dư đang được cử đi đào tạo “tay nghề mầm non” và cả đối với chính những đơn vị tiếp nhận - Đó là một vấn đề mang tính chất căn cơ đến từ một giải pháp được cho là nhân văn.
Nhóm P.V