Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3897/QĐ-BVHTTDL phê duyệt nội dung Đề án tuyên truyền, quảng bá tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du.
 
Theo đó, tác phẩm "Truyện Kiều" sẽ được đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các loại hình nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. 
 
Song song với các hoạt động trên, "Truyện Kiều" còn được giới thiệu bằng các hình thức khác như triển lãm sách, thư pháp, xuất bản phẩm; phổ biến các bản ghi âm, ghi hình các loại hình nghệ thuật biểu diễn dựa trên nội dung của tác phẩm này.
 
Cùng với Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh của đại thi hào Nguyễn Du trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục quảng bá tác phẩm "Truyện Kiều" để khẳng định công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt của Nguyễn Du đối với nền văn hoá Việt Nam và nhân loại trong những năm tiếp theo.
 
 
images1410418_1.jpgMột ấn bản "Truyện Kiều" của Nguyễn Du.
Đây là lần đầu tiên kiệt tác "Truyện Kiều" của Nguyễn Du được tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức thể hiện với những góc nhìn mới. Đây cũng là hoạt động góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ, lòng tự hào dân tộc, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ; tích cực bảo tồn, phát huy, khai thác các giá trị di sản, tôn vinh lịch sử văn hoá dân tộc, tinh hoa văn học cổ điển Việt Nam; giúp nhân dân và bạn bè quốc tế có cơ hội hiểu rõ hơn về một nền văn hoá lâu đời, đậm bản sắc dân tộc, về hồn cốt của một dân tộc vĩ đại, về mảnh đất địa linh nhân kiệt với nhiều danh nhân xuất chúng.
 
Về mục tiêu của Đề án, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức chuyển soạn, đặt lời bài hát từ nội dung tác phẩm "Truyện Kiều" dựa trên các làn điệu dân ca, các bài bản, các hoạt động diễn xướng dân gian và các trò diễn múa rối cổ truyền.
 
Các tác phẩm sẽ bao gồm những loại hình nghệ thuật đặc sắc và loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại như: chèo, cải lương, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, dân ca quan họ, dân ca bài chòi, ca trù, hát văn, hát xẩm... Hội đồng nghệ thuật sẽ tham mưu, tư vấn nâng cao chất lượng nghệ thuật và thẩm định tất cả các chương trình, tác phẩm, tiết mục trước khi biểu diễn, phổ biến, tuyên truyền, quảng bá tác phẩm tới công chúng.
 
Truyện Kiều bản dịch Nga
Tác phẩm được nghiệm thu sau khi Cục Nghệ thuật biểu diễn đặt hàng sẽ là cơ sở để xây dựng các chương trình nghệ thuật, xuất bản xuất bản phẩm ghi âm, ghi hình phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá vinh danh Danh nhân văn hóa Thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du; tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân, du khách trong và ngoài nước ở một số tỉnh, thành phố.
 
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, việc thực hiện Đề án tuyên truyền, quảng bá “Truyện Kiều” sẽ góp phần tạo ra các tác phẩm, các giá trị văn hóa mới làm giàu thêm di sản văn hóa của dân tộc; đồng thời tạo cơ hội để quảng bá với thế giới về nét đặc sắc, giá trị của di sản văn hóa Việt Nam; giúp cho người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế thêm hiểu, yêu quý, trân trọng kiệt tác "Truyện Kiều".
 
Kinh phí thực hiện Đề án tuyên truyền, quảng bá "Truyện Kiều" của Đại thi hào Nguyễn Du từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Cục Nghệ thuật biểu diễn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt./
 
Theo ĐCSVN