Bản tin cập nhật thị trường lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Tổng cục Thống kê công bố vào cuối tháng 10 vừa qua cho thấy: quý II/2015, lực lượng lao động cả nước tăng 73.000 người, số có việc làm tăng 103.000 người và số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động giảm 15.200 người so quý I.
Dù vậy, những con số này vẫn chưa làm vơi nỗi lo khi bản tin cho biết vẫn còn hơn 1.144.000 người thất nghiệp trong độ tuổi lao động mà 53,1% trong đó không có chuyên môn kỹ thuật và con số này đã tăng 50.800 người so quý I.
Đặc biệt, lao động trình độ ĐH thất nghiệp tiếp tục tăng so quý I (từ 3,29% lên 4,6%); trung cấp tăng từ 3,66% lên 4,49% và sơ cấp tăng từ 2,05% lên 2,71%. Đáng báo động nữa là tỉ lệ thất nghiệp trong lứa tuổi thanh niên tiếp tục tăng, ở mức 6,68% (cao gấp 2,8 lần so với tỉ lệ thất nghiệp chung và tăng 0,08 điểm phần trăm so quý I), trong đó, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị 11,84%.
Số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho hay trong giai đoạn 2010-2014, ở nhóm lao động có trình độ ĐH, trong khi tỉ lệ cử nhân ra trường có việc làm chỉ tăng 38% thì người thất nghiệp tăng gấp đôi.
Những con số này làm rõ hơn sự mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục - đào tạo, mà điều này thì các chuyên gia về lao động đã cảnh báo là sẽ có nguy cơ gia tăng khi Việt Nam hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Theo số liệu của PGS-TS Trần Đình Thiên và các cộng sự (Viện Kinh tế Việt Nam) công bố thì so với 2 năm 2012 và 2013, nền kinh tế có những dấu hiệu tích cực hơn vào cuối năm 2014 nên đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động (tăng 3,6% so với thực hiện năm 2013), trong đó tạo việc làm trong nước khoảng 1,494 triệu lao động (tăng 2,7% so với năm 2013).
Tuy nhiên, dù số lượng doanh nghiệp mới thành lập lớn hơn số giải thể nhưng số lượng việc làm mới tạo ra lại thấp hơn số việc làm mất đi. Chưa kể doanh nghiệp mới thành lập thường tạo ra chỗ làm mới bấp bênh hơn những doanh nghiệp cũ có thời gian dài hoạt động ổn định.
Vậy là rõ, dù tình hình kinh tế - xã hội như báo cáo trong phiên khai mạc kỳ họp này cho thấy những tín hiệu lạc quan như tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5% là cao nhất trong 5 năm qua và vượt kế hoạch đề ra (6,2%); lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô dần ổn định; tổng thu ngân sách vẫn tăng 7,4% và trong 5 năm qua đã tăng gấp khoảng 2 lần so với giai đoạn trước... nhưng nỗi lo vẫn còn rất lớn khi nhìn vào thị trường lao động trong nước.
Tiền bạc có thể còn làm ra nhiều hơn, GDP có thể còn tăng cao nữa nhưng những con số ấy chỉ thực sự ý nghĩa khi chúng ta kìm hãm được nhiều hơn nữa số người thất nghiệp, bởi tình trạng thất nghiệp không chỉ là lãng phí nguồn lực mà còn kéo theo vô vàn hệ lụy. Cứ nhìn vào một gia đình, cha mẹ làm ra rất nhiều tiền nhưng con cái đã đông lại không có việc làm thì “miệng ăn núi lở”, khó mà thoát nguy cơ đói nghèo.
Theo Người Lao động