(Baonghean.vn) - Sáng 6/3, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.
Tham dự hội nghị có đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ; Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Nguyễn Quân - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số sở, ngành và các tổ chức KH&CN công lập của tỉnh.
Tại hội nghị, phát biểu khai mạc của đồng chí Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và các báo cáo của các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ tài chính, Bộ Nội vụ và đại diện Ngân hàng Thế giới... đều khẳng định sự đóng góp của KHCN cũng như những cống hiến của đội ngũ làm công tác KHCN trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng của đất nước thời gian qua.
Tuy nhiên, KHCN chưa trở thành động lực, chưa phát triển tương xứng tiềm năng của đội ngũ làm công tác KHCN. Nguyên nhân là do việc huy động nguồn lực xã hội hóa tham gia vào lĩnh vực này còn hạn chế; cơ chế quản lý, cơ chế tài chính trong hoạt động KHCN chưa thực sự hợp lý. Việc nghiên cứu KHCN chưa gắn với sản xuất, kinh doanh và công tác quản lý; chưa quan tâm ứng dụng vào thực tiễn đời sống.
Đặc biệt sau 10 năm thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập theo Nghị định số 115 của Chính phủ, bên cạnh nhiều tổ chức KHCN đã thực hiện được quyền tự chủ mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ, về tài chính và tài sản, về tổ chức bộ máy, nhân lực, góp phần khẳng định vị thế, thương hiệu của mình trên thi trường, nâng cao đời sống cho cán bộ khoa học thì không ít tổ chức KHCN công lập chưa thực hiện mạnh mẽ để chuyển đổi thành công.
Để tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý và hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập, hội nghị đã thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh tiếp tục đổi mới KHCN nói chung và thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KHCN công lập theo tinh thần Nghị định 115 của Chính phủ. Tổ chức đánh giá và lựa chọn một số tổ chức KHCN có tiềm năng để tập trung đầu tư nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, phục vụ thiết thực cho sự phát triển, đồng thời kiên quyết sáp nhập, giải thể những tổ chức KHCN yếu kém về năng lực hoạt động. Trách nhiệm của các địa phương là ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện để các tổ chức KHCN công lập trực thuộc nâng cao năng lực nghiên cứu, triển khai và thực hiện tốt vai trò cầu nối đưa các kết quả nghiên cứu ứng dụng KHCN trong sản xuất và đời sống.
Minh Chi