(Baonghean) - Ngày 6/6/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 37-CT/TƯ về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”. Đối với Nghệ An, một tỉnh có tiềm năng về nguồn nhân lực, việc quán triệt và thực hiện đòi hỏi đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy đào tạo lẫn trang, thiết bị dạy học, chú trọng đào tạo nghề chuyên sâu, đáp ứng với “chuẩn” nghề của thế giới.
Những bất cập
Ông Trần Thanh Hải - Giám đốc Công ty Đóng tàu thuyền Hải Châu cho rằng, việc tìm được lao động có tay nghề cao là vô cùng gian nan, mặc dù tiền lương trả cho thợ đóng tàu từ 400 - 500 ngàn đồng/ngày. Công ty là một trong những đơn vị đóng tàu đánh cá, tàu du lịch cho cả nước, nhưng không tuyển được thợ có tay nghề vào làm việc vì địa phương không có trường, lớp đào tạo nghề này. Tỉnh nên có các lớp đào tạo nghề đóng tàu, bởi Nghệ An là một trung tâm đóng tàu của cả nước.
Tổng công ty CP Vật tư Nông nghiệp Nghệ An là một doanh nghiệp lớn trên địa bàn, có nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất với gần 300 lao động. Ngoài công nhân phổ thông, các kỹ sư đại học, Công ty rất cần những lao động giỏi có tay nghề cao như thợ cơ khí, điện. Tuy nhiên, việc tuyển lao động có tay nghề cơ khí trình độ cao rất khó. Đó là một trong những bất cập trong cung – cầu về lao động có tay nghề cao.
Hàng năm, Diễn Châu đào tạo được hơn 1.200 lao động với đa dạng các loại nghề: may, sửa chữa máy nông nghiệp, mây tre đan, tin học văn phòng, máy trưởng, thuyền trưởng, nuôi trồng thủy sản, trồng nấm, chăn nuôi… với nguồn kinh phí dành cho đào tạo nghề nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ đã được quyết toán đạt 1,2 đến 1,3 tỷ đồng. Ông Phạm Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: “Diễn Châu là huyện có tiềm năng về nguồn nhân lực, người Diễn Châu cần cù, thông minh, nhạy bén. Trên địa bàn ngày càng có nhiều dự án sử dụng lao động, nên công tác đào tạo lao động được huyện chú trọng; công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm cho lao động nông thôn được đẩy mạnh. Nhờ vậy, hàng năm Diễn Châu đã cung cấp hàng ngàn lao động cho các nhà máy như Nam Sung vina, Nhà máy may Diễn Phong, phục vụ phát triển kinh tế trên địa bàn và tham gia xuất khẩu lao động”. Cái hay của Diễn Châu theo ông Trương Công Sửu - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện là đào tạo được những nghề dựa trên các thế mạnh của huyện như: nuôi trồng thủy sản, đào tạo máy trưởng, thuyền trưởng. Thế nhưng, Diễn Châu mới chỉ đào tạo nghề phổ thông, chưa đào tạo được các nghề có chất lượng cao; một số nghề như: nuôi trồng thủy sản, thuyền trưởng cũng đang phải liên kết với các trường khác và chưa đạt được lao động tay nghề cao.
Với hàng loạt các dự án đầu tư thu hút được trong thời gian qua, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, Nam Đàn đã chú trọng đào tạo nghề cho nông dân để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế trên địa bàn. Qua hơn 3 năm triển khai chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2020 theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, Nam Đàn đã mở được hơn 50 lớp đào tạo nghề cho gần 1.200 nông dân, chủ yếu các nghề: trồng hoa, nuôi bò vỗ béo, may, nuôi trồng thủy sản, thêu… Công tác đào tạo nghề đã đáp ứng cho các nhà máy trên địa bàn như Haivina Kim Liên, cụm dệt may của Hanosimex, chuỗi Nhà máy Nam Đàn Vạn An, các HTX… Nhưng theo bà Lê Thị Hằng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn: “Đào tạo nghề ở Nam Đàn cũng mới ở mức phổ thông, chưa đào tạo được tay nghề cao”. Nam Đàn, Diễn Châu cũng như nhiều địa phương khác đã tích cực trang bị kiến thức, nghề cho lao động, tuy nhiên, đã đến lúc không thể đào tạo nghề theo dạng “phổ cập” mà cần có những bước tiến mới trong đào tạo nghề với những mũi nhọn, được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp và phù hợp với chuẩn của quốc tế.
Giải pháp cho bài toán nhân lực
Chỉ thị 37 ngày 26/6/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ rõ: “Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu cần xác định đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, đưa công tác này vào trong chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm của các bộ, ngành, địa phương”. Chỉ thị cũng mở ra hướng đi chắc chắn cho đào tạo nhân lực tay nghề cao, đó là: “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư kinh phí cho đào tạo nhân lực có tay nghề cao, tập trung đầu tư đồng bộ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ đào tạo đạt chuẩn quốc gia, khu vực, quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao có đủ năng lực đào tạo tương đương cấp độ khu vực và quốc tế”. Như vậy có thể thấy, các cơ sở tham gia đào tạo nhân lực có tay nghề cao sẽ được hưởng nguồn lực đầu tư của Nhà nước và nguồn đầu tư đó xứng tầm để đào tạo được nghề đáp ứng chuẩn đối với khu vực và quốc tế. Đây là bước đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.
Để triển khai thực hiện chỉ thị, Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc đã có những động thái tích cực, làm tốt công tác chuẩn bị. Ông Nguyễn Duy Nam - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường dẫn chúng tôi đi thăm các phòng học tích hợp ở các khoa điện, công nghệ thông tin, điện tử công nghiệp, công nghệ hàn… Ở đây, các em học trên máy móc được trang bị từ các nước tiên tiến như Mỹ, Pháp… Ông Nam cho biết: Năm 2014, nhà trường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 1/45 trường có trong danh sách phát triển trường nghề chất lượng cao, trong đó được Tổng cục dạy nghề chọn là 1 trong 6 trường thí điểm để đầu tư theo tiêu chí chất lượng cao. Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ra đời sẽ tạo thuận lợi hơn cho nhà trường trong việc hoàn thiện các tiêu chí của trường chất lượng cao về đào tạo nghề. Hiện nay, một số nhóm nghề ở Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc đã được Bộ LĐ-TB&XH chọn xây dựng những nghề tiêu chuẩn quốc tế như: hàn, điện tử công nghiệp, lắp đặt thiết bị điều khiển điện, cơ điện tử. Đối với nghề hàn, đã đáp ứng 90% của chuẩn quốc tế, nghề cơ khí đạt 80%, nghề điện tử đạt 70% chuẩn. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng ủy nhà trường nắm chắc các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác đào tạo nghề, hàng tháng ra nghị quyết về công tác này, tích cực bồi dưỡng, nâng cao lý luận cho cả sinh viên. Đảng ủy đã chú trọng công tác đào tạo giáo viên ở nước ngoài như: Úc, Malaysia, Nhật, Hàn Quốc…
Đối với Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh, chưa được chọn là trường đào tạo nghề chất lượng cao, song với đặc thù là đào tạo giáo viên dạy nghề, đào tạo chuyên sâu cũng được chú trọng. TS. Nguyễn Hồng Minh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đảng ủy nhà trường luôn triển khai các chủ trương, chính sách về đào tạo nghề, từng bước đào tạo nghề chất lượng cao từ năm học 2014 - 2015. Nhà trường cũng đã nghiên cứu về Chỉ thị số 37, để thời gian tới lãnh đạo công tác giảng dạy và đào tạo theo hướng đáp ứng với thực tiễn và đào tạo sinh viên cao đẳng nghề tay nghề cao. Như vậy, có thể thấy, đã có sự chuyển động trong đào tạo nhân lực có tay nghề cao phục vụ cho công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh ta. Năm 2013, tỉnh ta cũng đã có 13 trường nghề được chọn có nghề đào tạo trọng điểm.
Hiện nay, Nghệ An chuẩn bị thông qua kế hoạch thực hiện Chỉ thị 37, sau khi kế hoạch được ban hành, ngành chuyên môn sẽ ban hành các đề án để triển khai. Mục tiêu của Nghệ An từ nay đến năm 2020, đào tạo lao động kỹ thuật trình độ trung cấp và cao đẳng nghề cho 82.200 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh lên 65% đến năm 2020 và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 61%, đưa tỷ lệ lao động có trình độ trung cấp và cao đẳng nghề đến năm 2020 đạt 21,3%; tập trung vào các nhóm ngành, nghề trọng yếu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để thực hiện được mục tiêu đó, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền phải quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 37 CT/TƯ, căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội để xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2014 - 2020 gắn với quy hoạch hệ thống tổ chức các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đưa công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao vào kế hoạch 5 năm, hàng năm, đối với từng ngành, từng huyện, thành, thị và cả tỉnh. Huy động các nguồn lực để hỗ trợ đầu tư cho trường trọng điểm, trường chất lượng cao, đồng thời, phải có khảo sát, đánh giá về nguồn nhân lực trên địa bàn, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao để có kế hoạch đào tạo. Hiện nay, được biết Sở Lao động TB và XH cũng chưa khảo sát được về nhu cầu nguồn nhân lực tay nghề cao trên địa bàn tỉnh để có kế hoạch đào tạo.
Bài, ảnh: Châu Lan