(Baonghean) - Thực hiện Chỉ thị số 17- CT/TƯ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị số 10-CT/UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, các đơn vị, địa phương, cơ quan, công sở đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, qua kiểm tra đột xuất của đoàn công tác liên ngành cho thấy còn nhiều bất cập…
 
 
images1037046_a5_ki_m_tra_ch_p_h_nh_ch__th__17_t_i_van_ph_ng_dang_k__qsd_d_t_con_cu_ng..jpgKiểm tra chấp hành Chỉ thị 17 tại Văn phòng đăng ký QSD đất Con Cuông.
 
Những chuyển biến
 
Đoàn Kiểm tra liên ngành của tỉnh được thành lập theo Quyết định 2290/QĐ-UBND ngày 27/5/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh. Bắt đầu thực hiện từ tháng 6, đoàn tiến hành kiểm tra, giám sát việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và đạo đức công vụ theo Chỉ thị 17 của BTV Tỉnh ủy. Qua kiểm tra đột xuất tại 10 huyện, thị và 1 số sở, ngành, đoàn ghi nhận những chuyển biến tích cực tại các địa phương. Tại các đơn vị Nghi Lộc, Cửa Lò, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Thị xã Thái Hòa, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Đô Lương và Yên Thành, qua kiểm tra cho thấy, đa số cán bộ, công chức chấp hành tốt quy định về số lượng cán bộ làm việc; các trường hợp vắng mặt tại cơ quan, công sở trong giờ hành chính đều có kế hoạch và lệnh điều động của quản lý cấp trên. Bên cạnh đó, các địa phương còn tiến hành rà soát, bổ sung nội quy, quy chế làm việc, cũng như quy chế phối hợp giữa các cơ quan cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể. Nhiều huyện đã cụ thể hóa các quy định của Chỉ thị 17 và Chỉ thị 10 vào nội quy cơ quan, đơn vị mình, qua đó, kịp thời chấn chỉnh kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động. Riêng ở các huyện Anh Sơn, Đô Lương và Yên Thành, lãnh đạo huyện đã thành lập đoàn kiểm tra kỷ cương hành chính ở các phòng, ban và cấp xã. Hoạt động đó góp phần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp ở từng lĩnh vực công tác… 
 
Sau khi Chỉ thị 17 có hiệu lực, hầu hết cán bộ, công chức chấp hành nghiêm quy định về không uống rượu bia trước, trong giờ làm việc và giờ nghỉ trưa. Đây là thành công ngoài dự kiến, vì trước đó đã có ý kiến nghi ngờ tính khả thi của quy định. Các công chức đều bày tỏ thái độ đồng tình cao, vì: “nhờ Chỉ thị 17/CT mà từ chối được các lời mời giao lưu buổi trưa, đảm bảo sức khỏe và hiệu quả làm việc buổi chiều...”. Cũng nhờ sự tự nguyện, tự giác của từng cán bộ, công chức được nâng lên, nên tình trạng cán bộ, công chức vi phạm nội quy, quy chế làm việc giảm rõ rệt, ý thức phục vụ được nâng lên. Đối với cấp xã, một số địa phương, ngoài chương trình công tác năm, hàng quý, thì đã có lịch công tác hàng tháng, hàng tuần như lịch tiếp công dân, đi cơ sở… được niêm yết tại từng bộ phận, đồng thời, gửi qua hộp thư công vụ cho cấp trên để theo dõi, giám sát…
 
Còn những biểu hiện lơ là
 
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, qua kiểm tra thực tế ở các đơn vị, địa phương cho thấy, việc chấp hành giờ giấc, kỷ luật lao động của một số cán bộ, công chức chưa nghiêm. Vẫn còn hiện tượng cán bộ “ăn bớt” giờ làm việc. Theo quy định ngày làm việc 8 tiếng, mùa hè buổi sáng bắt đầu từ 7g đến 11g30’ và buổi chiều từ 13g30’ đến 17g, nhưng qua kiểm tra đột xuất vào đầu, cuối giờ sáng hoặc đầu giờ chiều cho thấy, rất ít cán bộ công chức đến đúng giờ quy định. Tình trạng “đi muộn, về sớm” thường xuyên diễn ra và đa số bớt từ 15 đến 30 phút của giờ làm việc hành chính. Điển hình như ở UBND huyện Đô Lương còn “linh động” ngầm với cán bộ các phòng và cấp cơ sở là giờ làm việc buổi chiều vào 14g, thay vì đúng theo quy định của UBND tỉnh là 13g30’ chiều hàng ngày; hay như ở UBND xã Châu Quang (Quỳ Hợp), mặc dù quy định 13g30 chiều, nhưng đa số cán bộ, công chức sau 14 giờ, thậm chí 14g30’ mới lục tục đến công sở. Chứng kiến cảnh trên, không chỉ đoàn kiểm tra mà nhiều người dân trong tâm trạng chờ đợi cán bộ đến xử lý đều rất bức xúc. Không những vậy, một vài đơn vị như xã Đông Hiếu (TX. Thái Hòa), Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) còn niêm yết giờ làm tại bộ phận giao dịch 1 cửa giảm 1 tiếng đồng hồ/ngày làm việc. Ngoài ra, mặc dù đã có quy định cán bộ, công chức khi làm việc thì phải đeo thẻ, nhưng vẫn còn nhiều cán bộ không đeo thẻ hoặc người đứng đầu chưa quan tâm đến việc làm thẻ, biển đề tên phòng làm việc, biển đề chức danh công chức quản lý để nhân dân giám sát.
 
Bên cạnh biểu hiện buông lỏng giờ giấc làm việc, một số đơn vị, địa phương mặc dù đã có quy chế, nội quy làm việc, nhưng chưa cập nhật và cụ thể hóa quy định của Chỉ thị 17 thành quy định và chuẩn mực đạo đức để cán bộ, công chức chấp hành. Chỉ thị 17 ra đời từ tháng 12/2013 và Chỉ thị 10 ra đời tháng 4/2014, nhưng đến nay, nhiều cơ quan vẫn giữ nguyên quy định cũ. Có cơ quan dù sửa đổi nội quy, quy chế từ tháng 2/2014, nhưng vẫn không cụ thể hóa Chỉ thị 17 vào thực tiễn đơn vị mình, hoặc cụ thể hóa nhưng chưa bám sát đúng với tinh thần chỉ thị. Điển hình UBND huyện Hưng Nguyên và Yên Thành, dù Chỉ thị 17 quy định cấm tuyệt đối uống rượu, bia trong giờ làm việc và giờ nghỉ trưa, nhưng vẫn mở ngoặc là “trừ trường hợp lãnh đạo huyện có chủ trương”. Một số địa phương báo cáo đã triển khai Chỉ thị 17 cho cán bộ, công chức, nhưng hồ sơ lưu trữ không thể hiện, thậm chí, có cán bộ chủ chốt còn vô tư trả lời là chưa nhận được và chưa biết Chỉ thị 17/CT về tăng cường kỷ cương hành chính… Qua kiểm tra đột xuất tại UBND huyện Đô Lương, xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) và Châu Quang (Quỳ Hợp)… vẫn còn cán bộ, công chức chưa chấp hành nghiêm quy định cấm uống rượu, bia vào giờ nghỉ trưa; Và khi cử cán bộ trực xử lý tại bộ phận giao dịch 1 cửa đi học hay tập huấn dài ngày, chưa có kế hoạch bố trí cán bộ trực thay, khiến người dân phải chờ đợi; một số xã như Nghi Long (Nghi Lộc), Châu Quang (Quỳ Hợp), Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu), mặc dù có lịch công tác tuần, nhưng chưa bố trí đủ lịch tiếp dân theo quy định…
 
Theo quy định của Chính phủ, phải treo Quốc huy, Quốc kỳ tại công sở, nhất là trụ sở hành chính, nhưng tại một số xã được kiểm tra như Nghi Kim (TP Vinh), Đông Hiếu (TX. Thái Hòa), Châu Quang, Châu Thái (Quỳ Hợp), mặc dù trụ sở khá khang trang, nhưng chưa chấp hành đúng quy định. Đối với các địa phương này, qua kiểm tra, đoàn đã yêu cầu lãnh đạo địa phương khắc phục và nhắc nhở trách nhiệm của người đứng đầu trong lĩnh vực này.
 
Tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương hành chính
 
Đó là yêu cầu đầu tiên của Chủ tịch UBND tỉnh khi ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đột xuất. Ngành Nội vụ cũng xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành 5 tháng cuối năm. Mới đây nhất, tại buổi làm việc với ngành Nội vụ về cải cách hành chính, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định lại một lần nữa quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương và đạo đức công vụ, trong đó, hoạt động kiểm tra, giám sát có trọng tâm; đồng thời nhấn mạnh, sau khi kiểm tra, đoàn phải có báo cáo kịp thời bằng văn bản để tỉnh xử lý ngay các biểu hiện vi phạm, lơ là.
 
Tại mỗi địa phương, sau khi kiểm tra, đoàn liên ngành đã có thông báo bằng văn bản báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện Thường trực Huyện ủy, Thị ủy và lãnh đạo UBND huyện, thị liên quan; đồng thời thông báo cho những đơn vị có biểu hiện vi phạm trong một thời hạn nhất định để khắc phục sửa chữa, nếu cần, đoàn có thể tiến hành kiểm tra lại và địa phương không chấp hành, sẽ kiến nghị với UBND tỉnh để xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Ông Lê Đình Lý, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành cho biết: Việc lập đoàn kiểm tra Chỉ thị 17/CT thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc tăng cường kỷ cương, chấn chỉnh kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ, làm trong sạch bộ máy hành chính. Qua kiểm tra, rà soát, các cán bộ nào yếu kém năng lực hoặc tác phong, đạo đức công vụ không đảm bảo, sẽ kiến nghị xử lý, thay thế cán bộ trẻ có năng lực và trách nhiệm hơn. 
 
Theo kế hoạch, hiện nay, đoàn kiểm tra liên ngành đang tập trung kiểm tra chấp hành giờ giấc, quân số và việc đeo thẻ công chức; kết quả xây dựng nội quy, quy chế cơ quan, ứng xử nơi công sở theo yêu cầu Chỉ thị 17 ở cấp huyện và một số xã để có cái nhìn tổng quan. Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục kiểm tra đột xuất tại một số địa phương và sở, ngành tại trụ sở và ngoài công sở, đoàn cũng đề nghị các huyện lập đoàn kiểm tra để đôn đốc, giám sát cấp xã; các đơn vị được kiểm tra rồi cũng có thể sẽ kiểm tra lại và không chỉ kiểm tra số lượng và hoạt động “bề nổi”, mà còn đi sâu vào kiểm tra chất lượng thi hành công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Hy vọng, đợt kiểm tra này sẽ là dịp để nhắc nhở trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đảm bảo kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, góp phần phục vụ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước.
 
Bài, ảnh:Phương Hà­