(Baonghean) - Từ trung tâm Rộ, theo đường 533 vượt cầu Quan là sang làng Thanh Quả - Chi Nê (xã Thanh Chi, Thanh Chương). Vùng quê của những xóm làng bình dị, với những đền, đình, chùa, quán nơi lưu giữ trầm tích văn hoá, lịch sử…
Thanh Quả - Chi Nê là hai làng quần tụ bên nhau, có sông Lam, sông Rộ chảy quanh. Nhà dân quần cư dưới chân đồi, chân núi. Một thời mở đất xa xăm, nhiều đền, chùa được người dân nơi đây xây dựng để thờ cúng những người có công khai sơn phá thạch, mở xóm lập làng... gắn với bao công trình cổ kính, đền Cả, đền Ba, đền Thịnh Nội, đền Dơi, chùa Bụt…
Trên núi Quánh, nhô ra giữa sông Lam, có 2 ngôi đền uy linh. Đền Lam Giang toạ lạc trên sườn núi, giữa dòng sông, hướng về phía thượng nguồn. Đền thờ thần Lam Giang “đệ nhất giang khẩu tối linh tôn thần”, tương truyền do những người dân vạn đò lập nên cách nay gần 200 năm. Phía trước bái đường là vực Quánh thẳm sâu, bốn mùa nước chảy. Sau chính điện là khối đá sừng sững, vươn ra ôm lấy mái đền. Dưới mặt sông, hiện diện 2 hòn Thạch Trụ, đá Ông, đá Mụ chồng lên nhau với bao huyền tích. Những ngày sóc vọng, người dân muôn nơi về đền dâng hương; tiếng trống chầu lan toả một vùng non nước mênh mang, kỳ bí. Cũng trên núi Quánh, giữa làng, có đền Hai, ngoảnh về phía hạ nguồn, thờ bản cảnh Quánh Sơn “tam từ thượng đẳng, đại vương thiên thần”. Đền xưa có tam toà, tả, hữu, chính điện uy nghi, có nền tế trời và giếng Đền ghép đá. Làng Chi Nê đã tế lễ trên nền đá cổ này… Sau nhiều lần bị cháy, đền đã được trùng tu. Trong khuôn viên đền, nay vẫn còn dấu tích của nền tế trời và giếng đá xưa.
Làng Chi Nê là quê hương của Trần Tấn – người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Trần Tấn và Đặng Như Mai năm 1874, giương cao ngọn cờ “bình Tây sát tả”, tiêu diệt cả giặc Pháp lẫn phong kiến Nam triều. Nghĩa quân đã từng chiếm giữ gần trọn Nghệ An, Hà Tĩnh, mở mang uy danh đến tận Quảng Bình, Thanh Hoá. Cuộc khởi nghĩa sáng ngời tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu kiên cường chống giặc ngoại xâm của sỹ phu và nhân dân Nghệ Tĩnh. Trên núi Đài Sơn, bên bờ sông Lam vẫn còn di tích đàn Tế Cờ rêu phong trầm mặc - nơi ông và nghĩa quân dựng cờ khởi nghĩa năm xưa. Gần bên là phần mộ 2 cha con ông (Trần Tấn, Trần Hướng) đang yên nghỉ. Cạnh đó là bãi Tập, là ghành Bang, những địa danh gắn liền với cuộc khởi nghĩa của ông. Dưới chân núi, nhà thờ họ Trần Tấn vừa được trùng tu, tôn tạo khang trang. Quần thể đàn Tế Cờ, mộ và nhà thờ họ Trần Tấn, là di tích lịch sử quốc gia - một địa chỉ đỏ để nhân dân địa phương và du khách thập phương về tham quan, tri ân, tưởng nhớ, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Giữa làng có quán Chi Nê, dân thường gọi là quán văn chỉ, thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền. Theo cụ Nguyễn Văn Tư (95 tuổi), quán có 2 nhà, thượng, hạ, 2 cột trụ biểu, cổng tam quan, và bia đá ghi danh những người học hành, đậu đạt. Quán là nơi hội họp, cúng tế của làng, nơi sinh hoạt thường xuyên của phường “tư văn, sĩ hội”. Mỗi năm làng tế 2 lần, đầu năm có lễ rước sắc. Những năm 1930 – 1931, quán Chi Nê là nơi chứng kiến sự hy sinh của những chiến sỹ cách mạng. Giặc Pháp đã đưa một số người tham gia hoạt động phong trào, về hành hình, tra tấn và bắn chết tại đây. Trong chiến tranh, quán vẫn là nơi hội họp, học tập của dân làng… Giờ đây trên vị trí xưa, đã phai nhoà dấu tích, quán Chi Nê chỉ còn trong hoài niệm của những người đã một thời gắn bó với quê hương.
Làng Thanh Quả kéo dài theo dọc sông Rộ, có bến đò Quan, nối đường cái, từ huyện đường đi miệt ngược Thanh Chương và đến đồn Thanh Quả. Pháp đã từng chọn vùng đồi núi nơi đây, bởi vị trí trọng yếu về mặt quân sự, để xây dựng đồn, kiểm soát cả một vùng rộng lớn hữu ngạn sông Lam. Theo các cụ cao niên, giữa làng ngày ấy, sừng sững một ngôi đình 5 gian 2 hồi, toàn cột gỗ lim; thờ Thành hoàng làng và là nơi hội họp của làng Thanh Quả. Ngày 6/11/1930, nhân dân Thanh Quả - Chi Nê và các vùng lân cận đã tập trung về đình, biểu tình chống Pháp. Giặc trên đồn điên cuồng xả súng bắn vào đoàn người đi đấu tranh, làm hơn 140 người chết và bị thương. Bờ tre sau đình, khe nước chảy dọc 2 làng trở thành chiến luỹ, thấm máu bao người vì nước quên thân… Năm tháng qua đi, đình xưa không còn trên đất cũ. Dẫu nơi đây chưa có một tấm bia dẫn tích sự kiện này, nhưng với người dân Thanh Quả – Chi Nê, ngôi đình làng và cuộc đấu tranh bi hùng ngày ấy vẫn còn trong ký ức.
Về Thanh Chi, lên núi Quánh Sơn, Đài Sơn, thăm đền Lam Giang, thăm đàn Tế Cờ - Trần Tấn, cả một vùng non nước bồi hồi dấu tích cổ xưa. Từ “rú Truông” qua cầu Cổ Ngựa xuôi theo dòng sông Rộ, thấy nước khe đồng vẫn lững lờ chảy tự ngàn xưa, như thầm thì bao câu chuyện cổ. Chẳng còn bóng dáng quán xưa đình cũ năm nào, mà lòng người vẫn vang vọng về một thời Thanh Quả - Chi Nê !
Bài, ảnh: Huy Thư