Chủ quan với những cơn đau thắt ngực, nhiều người chưa kịp đến bệnh viện đã tử vong. Sự nguy hiểm của bệnh lý tim mạch được các bác sĩ đưa ra thảo luận tại hội thảo khoa học trưa 9/7.  

Phó giáo sư - Tiến sĩ Phạm Thành Vinh, Giám đốc Y khoa Bệnh viện Tâm Đức (TP HCM) cho biết, nhồi máu cơ tim cấp do hội chứng mạch vành cấp gây nên. Người bị bệnh thường trở nặng rất nhanh vì thiếu máu cơ tim cấp tính (giảm dòng máu đến cơ tim), trong đó cơ chế sinh bệnh chủ yếu là do huyết khối động mạch vành; mảng xơ vữa động; rối loạn chức năng dãn mạch của nội mạc.
 "Có đến 50% số bệnh nhân lên cơn nhồi máu cơ tim cấp tử vong trước khi tới được bệnh viện. Nguyên nhân chủ yếu là do người bệnh chủ quan không đi khám khi thấy cơ thể có triệu chứng khác thường", ông Vinh nói.
 
Theo các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, biểu hiện thường thấy của hội chứng động mạch vành là người bệnh thường có cảm giác bị nén, ép, nặng ngực. Một số người thấy khó chịu ở phần trên cơ thể, đau hoặc khó chịu ở cả hai cánh tay, lưng, cổ, hàm, hoặc bụng. Không ít trường hợp thấy khó thở, đổ mồ hôi, buồn nôn, và choáng váng.
 
Tỷ lệ tử vong tuy cao, song theo tiến sĩ Hồ Huỳnh Quang Trí, trưởng khoa Hồi sức, Viện Tim TP HCM, bệnh nhân bị hội chứng mạch vành cấp tính có thể có kết quả điều trị tốt bằng nhiều phương pháp. Trong đó hiệu quả nhất là sử dụng các loại thuốc điều trị kháng đông huyết khối.
 
"Chính vì thế, để tránh tình trạng tử vong trên đường đi cấp cứu vì nhồi máu cơ tim cấp, khi thấy có biểu hiện như trên, bệnh nhân cần nhanh chóng đi đến cơ sở y tế để được thăm khám", ông Trí khuyên.
 
Khẳng định các phương pháp điều trị ngày càng tiên tiến giúp nhiều bệnh nhân thoát hiểm, những bác sĩ chuyên khoa tim mạch vẫn cho rằng việc phòng bệnh vẫn là cần thiết hơn cả.
 
"Không hút thuốc, thường xuyên kiểm soát huyết áp, tiểu đường, tập thể dục, ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý... là những cách thiết thực nhất giúp giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, đặc biệt là hội chứng mạch vành", tiến sĩ Vinh khuyến cáo.