Ông Polking đã giành 5 chiến thắng tại AFF Cup 2020 bằng sơ đồ chiến thuật 4-4-2 hàng tiền vệ bố trí theo hình viên kim cương. Bóng đá Brazil quê ông là “cha đẻ” của lối chơi huyền ảo này và tất nhiên HLV Alexander Polking là người am hiểu và đang vận dụng thành công đối với đội tuyển Thái.
Lối đá biến hóa
Đã dùng hết 27 trong 30 cầu thủ đưa sang Singapore nhưng cơ bản HLV Alexander Polking vẫn trung thành với sơ đồ 4-1-2-1-2 mà 4 tiền vệ được bố trí hình viên kim cương. Vấn đề quan trọng nhất là chỉ trong hơn 1 tháng trời làm việc với đội tuyển Thái, HLV Alexander Polking đã tìm ra được những cầu thủ phục vụ cho đội hình 4-1-2-1-2 mà ông theo đuổi. Việc chuyển từ sơ đồ 4-2-3-1 sang chiến thuật mới là cả nghệ thuật của người cầm quân, ông tin dùng Phitiwat (16) trong vai tiền vệ trung tâm.
Việc phát hiện được S.Yooyen (6) và cầu thủ trẻ Thanwat (12) có thể đảm đương cả nhiệm vụ đá cánh và khi cần bó vào trong hỗ trợ Phitiwat (16) đã giúp cho Chanathip Songkrasin rộng chân di chuyển. Trong lối đá của đội tuyển Thái, S.Yooyen (6) và Thanwat (12) vừa di chuyển theo chiều ngang sân, giữa cự ly với Phitiwat lại tham gia phòng thủ khi hai hậu vệ cánh đá Theerathorn Bunmathan (trái) và Narubadin (phải) đều thường xuyên dâng cao tấn công. Họ là nguồn tiếp bóng quan trọng cho những Dangda, Supachok hay Songkrasin ở phía trong.
Trong trận gặp Myanmar, Narubadin leo biên phải rồi chuyền cho Dangda ở mép vòng cấm. Sau một nhịp đỡ bóng, Dangda tung cú sút chân phải rất gọn gàng, không cần đà và mành lưới Myanmar rung lên. Ở trận gặp Philippines, đến lượt Theerathorn Bunmathan leo biên trái rồi căng ngang vào trong cho Dangda. Tiền đạo số 1 của Thái Lan bình tĩnh bắt vô lê chân trái một chạm tung lưới Philippines. Nhưng đến trận gặp Việt Nam, ông Alexander Polking lại cất miếng đánh biên, tập trung đánh trung lộ bằng lối chơi đập-nhả có tốc độ cao.
Vài điểm yếu của đối thủ
Lượt về bán kết, khó khăn đang chất chồng dù biết chắc Thái Lan chả thay đổi lối đá. Thậm chí hai hậu vệ Theerathon Bunmathan, Narubadin Weerawatnodom, thủ thành Chatchai Bootprom và trung vệ Kritsada Kaman đã nhận 1 thẻ vàng vẫn được tung vào sân. “Viên kim cương” mà 4 đỉnh là S.Yooyen (6), Thanwat (12), Phitiwat (16) và Songkrasin (18) vẫn sẽ liên tục được ông thầy Brazil xoay rubik khu vực giữa sân. Phía trên là khẩu súng hai nòng Dangda (10), Supachok (7) sẵn sàng gây khó khăn cho thủ môn Nguyên Mạnh.
Rõ ràng, nếu dùng sơ đồ 3-4-3 như trận đấu lượt đi thì đội tuyển Việt Nam sẽ gặp khó khăn. Chúng ta khó có thể giữ được cự ly phòng thủ khi các cầu thủ Thái Lan có thể tấn công suốt khắp chiều rộng sân. Rõ ràng nền tảng thể lực của các cầu thủ Thái Lan được đánh giá tốt hơn, nếu căng khắp mặt sân sẽ gặp bất lợi. Dường như chuyển sang đội hình 3-5-2, tập trung nhiều cầu thủ tại khu vực giữa sân là điều hợp lý hơn. Hiệp 2 trận đấu với Thái Lan, khi Quang Hải được phép chơi tự do thì hàng công của đội tuyển Việt Nam sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Số 19 là cầu thủ Việt Nam có thể gây đột biến có kinh nghiệm đối đầu với các cầu thủ Thái Lan và là con át chủ bài của thầy Park.
Ông Park và BHL dĩ nhiên đã nghiên cứu đối thủ nhằm sẵn sàng cho trận lượt về bán kết AFF Cup. Điểm yếu nhất của hàng phòng thủ Thái Lan có lẽ là trung vệ 22 tuổi K.Kaman (26) đang chơi cho CLB Chonburi tại Thai.League 1. Đây là “viên ngọc thô” thời HLV Alexander Polking dù K.Kaman đã chơi cho U.16, U.19, U.21 và U.23 Thái Lan. Anh đã thay Suphan Thongsong (Suphanburi) đá cặp với trung vệ nhập tịch người Đan Mạch M.Bihr và tỏ ra ăn ý với người đàn anh này. Dẫu sao “giờ bay” vẫn là điều mà cầu thủ này đang cần phải tích lũy khi khoác áo đội tuyển Thái Lan và Công Phượng, Tiến Linh sẽ tìm cách khoét vào vị trí này.