Quyết định các vấn đề then chốt
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021 vào ngày 16/4 , đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chủ trương của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã được HĐND tỉnh thể chế hóa kịp thời thành 315 nghị quyết, đáp ứng kịp thời đòi hỏi thực tiễn lãnh đạo, làm căn cứ pháp lý cho UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, nhiều nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù đã được ban hành, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội, được đông đảo cử tri và nhân dân tỉnh nhà đánh giá cao…
HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 gồm có 91 đại biểu, tăng 6 đại biểu so với nhiệm kỳ trước. Chất lượng đại biểu được nâng lên cả về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị.
Thường trực HĐND tỉnh có 8 người, gồm: Chủ tịch HĐND tỉnh, 2 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng 4 Ban và Chánh Văn phòng HĐND tỉnh.
Các Tổ đại biểu được thành lập tương ứng với 21 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó, Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh chủ yếu là cán bộ lãnh đạo cấp huyện.
Từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm này, HĐND tỉnh đã tổ chức 20 kỳ họp, trong đó có 9 kỳ họp đột xuất để quyết định các vấn đề cấp bách, quan trọng của địa phương liên quan đến công tác quản lý đất đai, đầu tư dự án trọng điểm, sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ… Các kỳ họp HĐND tỉnh đã có nhiều đổi mới, đảm bảo nghiêm túc, khoa học, bài bản. Thường trực HĐND tỉnh có sự phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và các cơ quan liên quan trong việc thống nhất chương trình kỳ họp.
Công tác điều hành kỳ họp của chủ tọa được đổi mới theo hướng dân chủ, khoa học và linh hoạt. Sau mỗi kỳ họp, các nội dung đã thông qua được kịp thời hoàn thiện, chỉnh lý, ban hành. Công tác thông tin trước, trong và sau kỳ họp được tăng cường, tạo điều kiện để cử tri và nhân dân theo dõi; truyền hình trực tiếp hầu hết các phiên làm việc của HĐND tỉnh. Việc lắp đặt đường dây điện thoại trực tuyến để tiếp nhận trực tiếp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp được cử tri hoan nghênh, ghi nhận sự cầu thị, minh bạch của chính quyền địa phương.
HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 cũng đã ban hành 315 nghị quyết, trong đó có 54 nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Các nghị quyết được ban hành kịp thời, cụ thể hóa vấn đề được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên, đề ra các biện pháp phát triển trên các lĩnh vực ở địa phương, đồng thời đề ra nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, có tính khả thi cao, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội, được đông đảo cử tri và nhân dân tỉnh nhà đánh giá cao. Khi phát hiện nội dung nghị quyết không còn phù hợp với thực tế, không có tính khả thi, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh đã kiến nghị HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Nâng cao chất lượng hoạt động kỳ họp
Thực hiện chức năng giám sát, tại các kỳ họp, HĐND tỉnh xem xét tình hình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan qua 2 nhóm báo cáo: các báo cáo công tác của Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các Báo cáo chuyên đề về các lĩnh vực. So với nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ 2016 – 2021 HĐND tỉnh xem xét thêm 7 báo cáo. Các báo cáo được thẩm tra kỹ lưỡng, xem xét, đánh giá toàn diện về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị đối với lĩnh vực được giao, chỉ ra được những mặt làm được, chưa làm được, nguyên nhân và kiến nghị các giải pháp.
Đa chiều từ phản ánh, thu thập thông tin của các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí, kiến nghị của cử tri, đề xuất của đại biểu HĐND tỉnh... Từ đó, nội dung được đưa ra chất vấn là những vấn đề trọng tâm, bức xúc đang được cử tri và dư luận xã hội quan tâm. Có thể nêu một số nội dung chất vấn như: Việc triển khai mô hình trường học mới và công tác “xã hội hóa” tại các trường học; tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội; bội chi Quỹ Bảo hiểm y tế; công tác tái định cư, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân vùng ảnh hưởng của các dự án thủy điện…
Theo đánh giá của HĐND tỉnh, nhiệm kỳ qua, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, (bình quân mỗi kỳ họp có 15 ý kiến chất vấn). Điểm mới trong nhiệm kỳ là HĐND tỉnh tái chất vấn, tổ chức phiên chất vấn “mở” tại kỳ họp thường lệ cuối nhiệm kỳ về trách nhiệm của UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề...
Nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND tỉnh, Thường trực, các Ban HĐND tỉnh đã tổ chức 43 cuộc giám sát chuyên đề. Trong đó, giám sát của HĐND tỉnhlà hình thức giám sát mới so với trước đây và đóng vai trò rất quan trọng. Các chuyên đề giám sát của HĐND là những vấn đề còn nhiều khó khăn, bất cập, tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, được xem xét, quyết định tại kỳ họp. Giám sát của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh tập trung vào các lĩnh vực cụ thể, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.
Cùng với đó, hoạt động giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND là hình thức mới, song Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức một cách bài bản, nề nếp, định kỳ mỗi năm 2 phiên. Các phiên giải trình được tổ chức nghiêm túc, có chất lượng. Chủ thể có trách nhiệm giải trình gồm cả tổ chức, cá nhân chủ trì và tổ chức, cá nhân giữ vai trò phối hợp. Các đối tượng liên quan, chịu sự ảnh hưởng được mời tham dự đầy đủ. Tại phiên giải trình về thực hiện chính sách tái định cư Dự án Thủy điện Hủa Na, Thường trực HĐND tỉnh đã mời 3 Trưởng bản thuộc diện di dời tái định cư (Piêng Cu, Huôi Siu - Huôi Lạn, Pù Sai Cáng) thay mặt các hộ dân để phản ánh đầy đủ, khách quan, chân thực cuộc sống của người dân khu vực tái định cư. Cũng thông qua hình thức giám sát mới này đã góp phần giải quyết những vấn đề nổi cộm, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý Nhà nước trước người dân và xã hội.
Theo đuổi đến cùng vấn đề cử tri phản ánh
Trong nhiệm kỳ, các đại biểu HĐND tỉnh đã thực hiện nghiêm túc việc tiếp xúc cử tri trước và sau 2 kỳ họp thường kỳ hàng năm. Các cuộc tiếp xúc cử tri đã thu hút được sự quan tâm, tham dự của cử tri và nâng cao ý thức về trách nhiệm giải trình, tiếp thu của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; thể hiện rõ mối liên hệ giữa đại biểu và cử tri. Vai trò, trách nhiệm, kỹ năng của đại biểu trong tiếp xúc đã nâng lên theo hướng đi vào những vấn đề cụ thể, sát với nội dung kỳ họp và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.
Về vấn đề này, đồng chí Cao Thị Hiền - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, bên cạnh hình thức tiếp xúc thường lệ, HĐND tỉnh đã tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, hướng đến đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của chính sách dự kiến ban hành để có thêm nhiều thông tin phục vụ việc xem xét, quyết định tại kỳ họp. Nhiều vấn đề cử tri phản ánh mà chưa được các ngành giải quyết kịp thời, các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục đeo bám, theo đuổi đến khi được giải quyết thỏa đáng.
Đồng chí Cao Thị Hiền cũng khẳng định, điểm mới trong công tác này là Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban thẩm tra kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri theo ngành, lĩnh vực và tổ chức thẩm tra Báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri của UBND tỉnh. Trên cơ sở báo cáo thẩm tra của Thường trực và các Ban, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, trong đó nêu rõ những ý kiến phản ánh tại kỳ họp trước chưa được giải quyết hoặc chưa dứt điểm, cần được tập trung giải quyết
Trong nhiệm kỳ, các đại biểu HĐND tỉnh đã nhận được 1.354 ý kiến, kiến nghị của cử tri. Số lượng, tỷ lệ kiến nghị được giải quyết đạt 94,6%. Chất lượng giải quyết, trả lời được nâng lên, trong đó có nhiều kết quả nổi bật, khá toàn diện, được cử tri ghi nhận, đánh giá cao.
Công tác phối hợp được nâng lên một bước
Thường trực HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với UBND tỉnh trong các hoạt động: Chuẩn bị các nội dung trình kỳ họp và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh để đưa nghị quyết vào cuộc sống; xử lý các vấn đề phát sinh giữa 2 kỳ họp nhằm tạo điều kiện cho UBND tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành; trong tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Cùng với đó, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp có hiệu quả với Ủy ban MTTQ tỉnh trong các hoạt động tiếp xúc cử tri, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Việc phối hợp được thực hiện trên cơ sở Quy chế phối hợp và đánh giá, rút kinh nghiệm hàng năm. Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên đã tích cực giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước và đại biểu HĐND tỉnh, đóng góp ý kiến về xây dựng chính quyền, tham gia các hoạt động giám sát, khảo sát về các vấn đề có liên quan. Sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh cùng các tổ chức thành viên đã tạo đồng thuận nhất trí cao trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.
Công tác phối hợp giữa HĐND tỉnh với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và các cơ quan hữu quan được duy trì, đảm bảo quy định của pháp luật, nhất là trong chuẩn bị các nội dung kỳ họp và thực hiện chức năng giám sát. Tại các kỳ họp, HĐND tỉnh đã xem xét báo cáo kết quả hoạt động của Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.
Trong công tác phối hợp giữa HĐND tỉnh với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết: “Khi HĐND tỉnh tổ chức kỳ họp thì các thành phần Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đều tham dự. Ngược lại, tất cả những thông tin, tài liệu của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đều báo cáo bằng văn bản tới HĐND tỉnh, qua đó để nắm bắt kết quả kỳ họp Quốc hội. HĐND tỉnh cũng là cơ quan mà chúng tôi tiếp thu toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội thực tế của tỉnh ta, trên cơ sở đó để lựa chọn vấn đề quan trọng khi tham gia kỳ họp Quốc hội. Mối quan hệ phối hợp giữa Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh có thể nói tuy hai mà một, nhất là hiện nay Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng HĐND tỉnh đã sáp nhập”.
Nhấn mạnh thêm nội dung này, Thường trực HĐND tỉnh khóa XVII cho biết, những vấn đề cử tri phản ánh, những nội dung vượt ra ngoài thẩm quyền của tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đều có văn bản báo cáo gửi cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để theo đuổi, tìm giải pháp giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống ở địa phương đặt ra.