Tôi chợt dừng lại giữa chợ phiên, lòng trào lên cảm xúc biết ơn khó tả, dù chẳng hề mua được gì, nhưng tôi thấy mình đã đủ đầy, đã được điều gì đó lớn lao lắm, mà không tiền bạc nào mua được.
1. Ký ức phiên chợ con nít
Nhắc đến chợ Giát, có lẽ nhiều người chợt thấy quen quen, như từng thấy đâu đó. Chợ Giát là chợ huyện lớn nhất của khu vực huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) năm xưa. Chợ phiên họp vào các ngày chẵn: mùng 5, 10, 15… trong tháng, khi ấy tất cả hàng hóa các nơi được tập trung đưa về để mua bán, trao đổi.
Đây cũng là chợ phiên trâu, bò có tiếng của vùng đất xứ Nghệ, từng được đưa vào làm bối cảnh trong truyện ngắn “Phiên chợ Giát” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Vào tháng Chạp chợ được họp liên tục từ ngày 25 đến 30, trong đó ngày 30 Tết được xem là phiên chợ con nít. Vào ngày này, bố mẹ, ông bà dành thời gian dắt con cháu đi chợ, để được sắm quần áo mới, mua đồ chơi, kẹo bánh, bong bóng, chơi trò chơi…
Thuở còn nhỏ, nhà tôi ở một vùng trung du nghèo, cách xa thị trấn Giát hơn 10 cây số đường đất đá, qua dốc, qua truông. Bởi vậy, mỗi năm một lần, được đi chợ Tết là cả một niềm háo hức, mong chờ. Những đứa trẻ chúng tôi hồi ấy, ngước nhìn mọi thứ ở chợ như một thế giới kỳ diệu. Có tiếng nhạc tết phát ra ở những cửa hàng băng đĩa, có những chùm bóng bay rực rỡ xanh đỏ tím vàng, có nhiều đồ chơi, nhiều trò chơi, và hàng quà bánh. Chúng tôi không dám đòi bố mẹ mua cho tất cả, chỉ cần mấy cái bong bóng để thổi, còn lại, đứng nhìn mọi thứ đã vui rồi.
Tôi đã được dắt đi chợ Tết trong suốt cả quãng thời ấu thơ, dù những năm tháng ấy cuộc sống muôn vàn khó khăn, vất vả. Hình như, ở cái thời đó, chợ không chỉ là nơi mua bán, mà còn là nơi vui vẻ, gặp gỡ, dạo chơi Tết. Có phải vì thế, mà như một quy ước ngầm định, người lớn đã dành riêng 1 buổi chợ cuối cùng trong năm dành cho con nít, để những đứa trẻ như chúng tôi bây giờ lớn lên, đã có những ký ức đẹp đẽ, quý giá vô cùng.
2. Dắt bà đi chợ 30
Giữa chen chúc, lố nhố cả người lớn lẫn trẻ con, ở góc thưa người hơn phía bên hông chợ, tôi chợt bắt gặp một thanh niên đang dắt bà đi chợ. Anh mặc một bộ đồ giản dị, dáng cao, bước thẳng. Bên cạnh là người bà lưng đã còng xuống. Bà vấn tóc theo kiểu ngày xưa, mái tóc bạc trắng, quần lụa, áo màu nâu cũ. Bà khoác tay vào tay cháu, hai bà cháu bước đi. “Anh dắt bà đi chợ, bà già rồi, không đi xa được ra khỏi làng nữa, nhưng bà nhớ chợ Tết”, anh vừa nói, vừa ngoảnh sang nhìn bà cười hiền lành.
Nghe giọng bà vẫn khỏe. Năm xưa, khi bà còn đang sức, bà đã gồng gánh bao nhiêu buổi chợ đến nỗi lưng bà còng xuống lúc nào không hay. Nhưng gánh rau, mớ cá bà đã nuôi con cháu lớn khôn. Giờ đây bà không còn sức để tự mình đi xa được nữa, nhưng ngày Tết đến, như một nỗi bồn chồn, bà nhớ chợ, bà muốn đi thăm chợ. Và người cháu đã tranh thủ thời gian, chiều lòng bà nội tần tảo.
Anh xách giùm bà một túi đồ, trong đó có gói kẹo và thẻ hương, bà nói mua cho bà về đặt lên bàn thờ tổ tiên cúng Tết. Hai bà cháu dắt tay nhau về, chậm lại, giữa hối hả ngày cuối năm.
3. Ăm ắp tình người
Xưa, ông bà thường hay nói, “chợ 30 Tết, nhất đắt, nhất rẻ”. Ý để nói hoặc là hàng hóa sẽ đội giá lên đắt nhất, vì sau phiên 30, ra Tết còn lâu sau chợ mới họp lại. Hoặc sẽ vô cùng rẻ, “đại hạ giá”, vì sau đó cũng chẳng có ai mua. Còn bây giờ, mọi thứ dường như đã “bão hòa”, mức giá cả không chênh lệch nhiều.
Tôi không định mua gì vào ngày 30 Tết, nhưng đứng giữa chợ phiên lúc ấy, tôi mới thấy lòng mình kịp đủ đầy hơn. Tôi đã tìm thấy điều mình mong muốn, rằng giữa những bán mua, chợ còn là nơi cho ta thấy tình người, thấy sự yêu thương, thấy sự kết nối giữa con người với con người, dù chỉ với những điều thật nhỏ nhoi.