(Baonghean) - Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 đã xác định rõ mục tiêu là: Xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hoá, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc xứ Nghệ; quốc phòng, an ninh vững mạnh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Để đạt được mục tiêu đó, Nghị quyết đã đề ra bảy nhiệm vụ, giải pháp mà Nghệ An phải chủ động thực hiện và phối hợp chặt chẽ các ban, bộ, ngành Trung ương để được hỗ trợ về nhiều mặt nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ, giải pháp đó.

Có thể coi Nghị quyết như là một sự đầu tư ở tầm vĩ mô giúp Nghệ An xây dựng, hình thành lộ trình phát triển cụ thể, đa dạng và toàn diện. Đó thật sự là một đòn bẩy, một nguồn lực quan trọng giúp Nghệ An có bước chạy đà hoàn hảo rồi bứt phá mạnh mẽ trong tương lai. Với Nghị quyết này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương sẽ dành nhiều sự ưu ái, hỗ trợ trên nhiều mặt giúp Nghệ An. Sự trợ giúp này có giá trị như một ngồn vốn to lớn và quý giá. Và cũng giống như trong các chương trình, dự án lớn khác, phía Nghệ An- đơn vị tiếp nhận nguồn vốn đó cũng phải chuẩn bị một nguồn vốn đối ứng để đủ sức tiếp nhận, xứ lý hài hòa đạt hiệu quả cao, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Nói đến nguồn vốn đối ứng, trong hoàn cảnh cụ thể này, không nên nghĩ đó chỉ là tiền. Nội hàm chữ “VỐN” ở đây lớn hơn rất nhiều và tiền chỉ là số phần trăm nhỏ nhoi trong nguồn VỐN đối ứng đó. Cụ thể là các ban, sở, ngành, đoàn thể và các địa phương phải tập trung trí tuệ, sức lực và thời gian quán triệt sâu sắc các nội dung  của Nghị quyết. Để từ sự thấm nhuần đó, xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể với sự năng động, sáng tạo cao để triển khai thực hiện Nghị quyết phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội, chức năng, nhiệm vụ và cả nguồn lực con người của cơ quan, địa phương, đơn vị mình. Điều cốt lõi là trong các chương trình, kế hoạch đó phải khắc phục được những mặt  hạn chế, yếu kém mà Nghị quyết số 26 đã chỉ ra.

Về phía cơ quan lãnh đạo, quản lý là: Năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp còn thiếu quyết liệt, chưa sáng tạo; từng lúc, từng nơi có tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của cấp trên; đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ở một số thời điểm chưa cao. Công tác phối hợp giữa tỉnh với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng có mặt chưa cụ thể, chưa kịp thời, hiệu quả thấp.

Về phía các đoàn thể: Là hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị ở cơ sở có nơi còn hình thức, hiệu quả thấp.  Bên cạnh đó, cần phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ các cấp công tâm, thạo việc bằng cách nâng cao hàm lượng trí tuệ, tri thức trong đội ngũ đó. Đừng kêu là chúng ta không có nguồn mà toàn tỉnh Nghệ An hiện còn “tồn kho” hàng nghìn thanh niên trẻ, được đào tạo bài bản từ các Trường đại học công lập và đang không có chỗ để thể hiện tài năng cũng  như nhiệt huyết của tuổi trẻ. Phải có cách để đưa nguồn lực trí thức trẻ này phục vụ cho sự phát triển của quê hương trong chặng đường mới này.

Tóm lại, VỐN đối ứng của Nghệ An ở đây chính  là khả năng tiếp nhận, vận dụng và sử dụng  Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị sao cho đạt hiệu quả cao nhất trong phát triển kinh tế-xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng. Nguồn vốn đối ứng đó hiện đang còn khá mỏng. Vì thế, việc cần làm trước mắt là phải làm cho VỐN đối ứng trở nên dồi dào, đáp ứng đầy đủ và kịp thời mọi yêu cầu cho sự phát triển.


Duy Hương